Tiểu thuyết Sóng độc là sự cảnh tỉnh và lay động, day dứt lương tâm
Tiểu thuyết Sóng độc của nhà văn Trần Gia Thái đã được thời gian thử thách là một tác phẩm văn học hiện thực phê phán có tính chất điển hình vẽ lên bức tranh sinh động về đời sống chính trị, xã hội của đất nước trong thời bình.
Trong hai mảng đề tài thu hút sự quan tâm cùng lo ngại sâu sắc là nạn tiêu cực, tham nhũng và công tác cán bộ có nhiều yếu kém, bất cập ảnh hưởng đến phát triển đất nước, sự nghiệp cách mạng thì nhà văn Trần Gia Thái đã chọn đề tài về công tác cán bộ thông qua câu chuyện rất thực rất điển hình của Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Hà với đội ngũ đông đảo hơn 500 cán bộ, nhân viên.
Nếu như mảng đề tài thứ nhất đã có hàng trăm tác phẩm thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản, phim truyện và phim truyền hình thì mảng đề tài thứ hai này còn rất ít tác phẩm và tác phẩm thành công gần như chưa có hoặc rất hiếm.
Tiểu thuyết Sóng độc xuất bản đã hai năm được giới phê bình văn học nghiên cứu đánh giá là tác phẩm văn học hiện thực phê phán hấp dẫn bạn đọc. Đã đọc trọn tập trên đài phát thanh cho đông đảo bạn nghe đài, đã phát hành 1.000 bản ra xã hội… điều đó cho thấy tác phẩm đã thể hiện sức sống của một tiểu thuyết văn học có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật viết văn, xây dựng hình tượng nhân vật điêu luyện giàu cảm xúc.
Nội dung tiểu thuyết gói gọn trong ngôi nhà Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Hà với đầy đủ và cụ thể của công tác phát sóng cùng những hoạt động nghiệp vụ rất sôi động. Nhưng tầm cỡ, sức lan tỏa của tiểu thuyết Sóng độc cao hơn thế, sâu sộng hơn nhiều vì đấy là bức tranh khái quát về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ta thể hiện ở mọi cấp mọi ngành từ địa phương đến Trung ương.
Sự thành công của tác phẩm là người đọc đủ mọi thành phần, từ nhân viên đến cán bộ cấp cao, từ cán bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp đều thấy bóng dáng cơ quan tổ chức mình trong đó và xung quanh họ đều có những con người na ná như những nhân vật trong tác phẩm.
Tại Đài phát thanh và truyền hình Bắc Hà, tỉnh Nam Bình diễn ra một cuộc đấu đá nội bộ bằng làn sóng độc thật không thể tưởng tượng nổi bởi lòng dạ con người. Từ cô nhân viên thường đến phóng viên, biên tập viên,Trưởng phó các phòng ban, các Phó Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc và cao hơn nữa là Trưởng ban Tổ chức, Thanh tra tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy... đến Thanh tra, lãnh đạo Bộ và cả Thanh tra Chính phủ cũng bị lôi vào vòng xoáy của cuộc đấu đá tinh vi, độc ác, quyết liệt, dai dẳng kéo dài để vùi dập một Trưởng ban Thư ký biên tập bất ngờ được quy hoạch vào nguồn lãnh đạo của Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Hà.
Con người tài năng có đủ phẩm chất và năng lực ấy chỉ là con một người nông dân chân lấm tay bùn tại một vùng quê nghèo chiêm khê mùa thối sống ngâm da chết ngâm xương nhưng giàu ý chí và nghị lực, say mê nghề nghiệp không màng trước tước danh vọng đã dấn thân vào nghề làm báo mà đấy là làm báo phát thanh và truyền hình để trưởng thành từ một phóng viên, biên tập viên đến chức Trưởng ban Thư ký biên tập và đã có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc.
Sau một cuộc bỏ phiếu thăm dò tạo nguồn lãnh đạo của đài, Trưởng ban Thư ký biên tập của Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Hà Phạm Quang Thiện bất ngờ được số phiếu tín nhiệm cao vượt xa các Phó Tổng Giám đốc. Chính từ đây anh trở thành nạn nhân của một chiến dịch có tổ chức tinh vi nhằm hạ bệ anh bằng rất nhiều thủ đoạn thâm độc được tính toán kỹ như là một trận đánh có chỉ huy, có lính xung kích và có đội quân đông đảo đánh vu hồi tập hậu, đánh vỗ mặt.
Mặc dù được những người tốt, lương thiện, công tâm là cán bộ bình thường cho đến lãnh đạo cấp cao ủng hộ nhưng anh vẫn bị vùi dập có lúc đã đẩy vào bước đường cùng để anh cầm súng chĩa vào tên đầu sỏ xả một băng đạn vào đầu đó là Đỗ Thiết là Phó Tổng giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Hà... Nhưng kết cục câu chuyện này liệu có phải bằng một phát súng trả thù như thế... Nếu vậy đã không là một tiểu thuyết đầy tính nhân văn. Cải thiện thắng cái ác, sự tử tế thắng âm mưu hèn hạ thâm độc, người ngay thằng thắng kẻ gian manh đó là kết cục như là một nét đẹp truyền thống trong văn hóa lâu đời của người Việt.
Đọc cuốn tiểu thuyết Sóng độc của nhà báo, nhà thơ, nhà văn Trần Gia Thái, nguyên Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội và nay đang là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khiến bất cứ ai cũng bị lôi cuốn bởi lối kể chuyện hấp dẫn, sinh động, giàu tính hiện thực và thể hiện một tài năng văn học xuất sắc. Đây thực sự là một cuốn tiểu thuyết hiện thực phê phán ở tầm cao, có sự cảnh tỉnh và lay động, day dứt lương tâm, cung cấp những bài học rất đắt giá cho công tác quy hoạch bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo của một cơ quan, đơn vị không chỉ là cơ quan cụ thể là Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Hà mà có tính phổ quát cho toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước.
Giá trị đích thực của cuốn tiểu thuyết này chính là chỗ đó.
Nhà báo, nhà thơ, nhà văn Trần Gia Thái đã có tác phẩm từ rất sớm và in dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc.Trong hơn 40 năm ông đã xuất bản 6 tập thơ, nhiều truyện vừa, truyện ngắn mà tiêu biểu là tập truyện thiếu nhi Thành phố đáy hồ và truyện vừa Hắn là tôi.
Xuyên suốt trong thơ văn Trần Gia Thái là con người chân thật, say mê, nhiệt tình công tác; là tấm lòng yêu đời, yêu con người, nhân vân và tình nghĩa. Nhưng chỉ đến tiểu thuyết Sóng độc, nhà văn Trần Gia Thái mới vụt tỏa sáng, có vị thế và tầm cỡ một nhà văn lớn đứng ở vị trí cao trong các nhà văn Việt Nam hiện đại.
Thành công của tiểu thuyết Sóng độc thể hiện rõ nét và xuất sắc ở ba điểm về nội dung khắc họa chân dung, nghệ thuật xây dựng nhân vật chính diện và phản diện rất mới lạ, độc đáo. Tiểu thuyết Sóng độc cung cấp nhiều bài học sinh động cho công tác xây dựng tổ chức và công tác cán bộ vì đấy là khoa học về con người cần sự nhìn nhận đa chiều, sâu sát thực tế và tài năng trong phán đoán, đánh giá bề nổi, bề chìm của dư luận trong đề bạt cán bộ lãnh đạo. Tài năng của tác giả là khắc họa chân dung con người rất khác biệt khiến nổi lên rõ nét tính cách, hành động và suy nghĩ của từng người trong một tập thể đông đảo hàng trăm con người đủ các loại cao thấp về năng lực, phẩm chất và trình độ ở mọi vị trí một cơ quan lớn.
Hai tuyến nhân vật chính tạo thành hai làn sóng độc và sóng lành đối chọi nhau như nước với lửa nhưng lại cùng gắn bó, cùng làm việc nên bắt buộc phải hợp tác, chia sẻ với nhau. Các nhân vật phản diện như Phó Giám đốc Đỗ Thiết, Phó Chánh thanh tra Lê Sở Kha là hai nhân vật cộm cán cầm đầu làn sóng độc với các đồ đệ như Hoàn “toác”, Bạc “phò”, Mùi “già”, Đạt “láu”… thật không tưởng tượng được về sự tàn độc, hèn hạ, xảo quyệt trong việc hãm hại con người.
Các nhân vật chính diện như Trưởng ban Thư ký biên tập Phạm Quang Thiện, nhà báo kỳ cựu Nguyễn An, Bí thư Tỉnh ủy Trần Minh… cùng nhiều người khác là hình ảnh đẹp về con người có nhân cách, tài năng, có trách nhiệm trong công tác, vô tư, khách quan trong nhìn nhận và đánh giá con người, xây dựng cán bộ.
Nhà báo, nhà văn, nhà thơ Trần Gia Thái xứng đáng với các danh hiệu cao quý này bằng các tác phẩm có giá trị thực sự về nội dung và nghệ thuật thể hiện. Vốn sống phong phú của gần 40 năm trong cuộc đời làm báo trưởng thành từ phóng viên, biên tập viên từng bước được bố trí các vị trí lãnh đạo do tài năng và uy tín của mình dù bị làn sóng độc vùi dập vẫn tự tin đi lên. Trong cương vị Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí Thủ đô và cả nước.
Và với tiểu thuyết Sóng độc dày gần 450 trang khổ sách 16x24cm của nhà văn Trần Gia Thái xuất bản năm 2022 được thời gian thử thách và ông xứng đáng là nhà văn có đóng góp quý giá cho sự nghiệp văn học cách mạng bằng tác phẩm văn học hiện thực, giàu nhân văn, bài học cảnh tỉnh.