Tiki chơi lớn khi thâu tóm Ticketbox
Chấp nhận 'chi không giới hạn' trong thương vụ thâu tóm 100% cổ phần Ticketbox - nền tảng phân phối vé và quản lý sự kiện trực tuyến Việt Nam, Tiki cho thấy tham vọng vun vén hệ sinh thái thương mại điện tử 'tất cả trong một'.
Thương vụ M&A không dưới 1,5 triệu USD
“Lúc còn nhỏ, tôi rất mê trò chơi Roller Coaster (tàu lượn siêu tốc) và muốn khi lớn lên có thể tự xây dựng, sở hữu một khu Roller Coaster của riêng mình”, Trần Tuấn Anh, sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Ticketbox nói về ước mơ của mình.
Xem đó là một trong những động lực để thực hiện ước mơ, năm 2003, anh quyết định sang Canada theo học ngành kỹ sư xây dựng. 3 năm sau, anh chuyển sang học ngành quản lý giá vì muốn tránh khỏi công việc quá vất vả đó.
Ticketbox được Trần Tuấn Anh thành lập năm 2011 với tên gọi ban đầu là Keewi - ứng dụng tìm kiếm người quen trong một sự kiện. Keewi cũng từng đoạt giải quán quân của chương trình Startup Weekend vào năm 2013, sau đó được chuyển thành hệ thống quản lý và phân phối vé trực tuyến. Đến tháng 9/2013, Keewi chính thức đổi tên thành Ticketbox.vn.
Một năm sau đó, Ticketbox mua lại Muaticket.vn - một trang web có cùng mô hình kinh doanh. Cùng với Ticketbox, tại Việt Nam còn có một số nền tảng bán vé khác đang hoạt động như bigtimes.vn (sản phẩm của Công ty CP TechElite, được bảo trợ và đầu tư bởi quỹ Việt Nam Silicon Valley, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) và eventbrite.com (Mỹ) hoạt động tại hơn 30 quốc gia.
Trong khi TicketBox chủ yếu bán vé trực tiếp đến khách hàng (C2C) và thu phí chiết khấu, thì bigtimes.vn cùng eventbrite.com lại cung cấp nền tảng quản lý việc mua bán vé trực tuyến cho doanh nghiệp (B2B) và thu phí dựa trên số lượng tài khoản đăng ký sử dụng hoặc chiết khấu trên vé bán ra.
Giờ đây, Ticketbox về chung một nhà với Tiki, đối với nhà sáng lập Ticketbox, như hoài bão được chắp cánh. Với Trần Tuấn Anh, việc “lôi được” hay là “được Tiki lôi” vào cuộc chơi lớn hơn này đều thú vị như nhau.
“Chúng tôi luôn mong muốn đóng góp nhiều giá trị hơn nữa cho ngành giải trí và sự kiện tại Việt Nam, không chỉ dừng lại ở việc bán vé. Việc phát triển thị trường ra nước ngoài một phần cũng là học hỏi để giúp Việt Nam phát triển tốt hơn, mang được nhiều nội dung hay hơn về Việt Nam”, Tuấn Anh chia sẻ.
Thương vụ này được bắt đầu từ năm 2018. Theo đồn đoán, Tiki chi không dưới 1,5 triệu USD để thâu tóm Ticketbox.
Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, sáng lập, kiêm Chủ tịch HĐQT Tiki, ngoài phần đầu tư tài chính cho Ticketbox, Tiki sẽ sử dụng các “tài sản” sẵn có như công nghệ, nhân lực, quy trình… để giúp Ticketbox phục vụ khán giả, thúc đẩy ngành sự kiện, giải trí tại Việt Nam.
“Bán lẻ, logistics luôn là mảng mà Tiki tập trung tìm kiếm đối tác M&A, nhưng còn cần đến duyên để thương vụ có thể thành công”, nhà sáng lập Tiki nói và cho biết, sẽ đầu tư lớn vào Ticketbox trong 3 năm tới.
Ông Lee Soo Man, Chủ tịch SM Entertainment nhận định, ngành công nghiệp giải trí của Việt Nam dự kiến tăng trưởng bình quân khoảng 10,7%/năm trong nhiều năm tới, vượt xa mức trung bình (5%/năm) của thế giới. Việt Nam lại là một quốc gia trẻ trung, năng động với 65% dân số dưới 35 tuổi, thì việc xây dựng nền văn hóa giải trí đẳng cấp, đóng góp vào việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế như Hàn Quốc đã từng làm là điều rất khả thi.
Trong đó, ước tính, quy mô lĩnh vực bán vé sự kiện (phim ảnh, ca nhạc, thể thao, yoga, học tiếng Anh theo nhóm...) ở Việt Nam dự kiến đạt 200 triệu USD trong năm 2019, trong đó vé xem phim chiếm khoảng 180 triệu USD. Đặc biệt, nhu cầu mua vé xem phim trực tuyến chiếm 20 - 25% và sẽ tiếp tục tăng. Tiki đặt mục tiêu Ticketbox sẽ chiếm 50% thị phần mảng vé sự kiện.
Chấp nhận “chi không giới hạn”
Thị trường vé được xem là tương đối mới tại Việt Nam và chưa có đơn vị nào phát triển như Ticketbox. Tiki chắc chắn phải đầu tư thêm vào đây. Tiêu chí đầu tư vào Ticketbox của Tiki không hạn định một số tiền mặt nhất định, mà dựa trên tỷ lệ hoàn vốn đầu tư (ROI - return on investment).
Cụ thể, Tiki chấp nhận “chi không giới hạn” nếu bỏ ra một đồng và thu về được 10 đồng. Ngược lại, nếu không đạt ngưỡng chỉ tiêu này, Tiki sẽ không đầu tư thêm dù chỉ một đồng.
“Tiki đặt mục tiêu chi 1 vốn phải thu về gấp 8 - 10 lần trong tất cả sản phẩm mà Công ty kinh doanh, chứ không riêng mặt hàng vé”, Giám đốc Tài chính và Phát triển Tiki chia sẻ.
Trước mắt, Tiki và Ticketbox vẫn là hai nền tảng hoạt động độc lập. Đặc biệt, thương hiệu Ticketbox tiếp tục được giữ lại và CEO Ticketbox tiếp tục điều hành.
“Khi nhắc đến đặt vé sự kiện hay nghệ sỹ muốn bán vé show, thì tên tuổi đầu tiên được nghĩ đến là Ticketbox. Giá trị thương hiệu là yếu tố rất quan trọng trong thương vụ này”, ông Nguyễn Hoàng Việt, Tổng giám đốc Công nghệ của Ticketbox nói.
Sắp tới, Ticketbox sẽ trở thành nền tảng mà các fan có thể tương tác với nghệ sỹ mình yêu thích. Ngoài vé sự kiện và vé xem phim, trong giai đoạn 2019 - 2020, Ticketbox sẽ “phủ sóng” cả mảng vé thể thao, thể thao điện tử, vé phân phối chính thức của các giải thể thao…
Đến tháng 11/2019, Ticketbox sẽ mở rộng cung cấp vé xem phim với tính năng chọn ghế ngồi từ các cụm rạp. Từ nay đến tháng 1/2020, Ticketbox kỳ vọng sẽ mang đến cho khán giả hơn 5.000 sự kiện. Con số này dự kiến tăng từ 2 - 3 lần mỗi năm.
Đây là lần đầu tiên, Tiki mua lại một công ty. Thương vụ này đánh dấu bước đi mới của Tiki trong mảng kinh doanh lĩnh vực giải trí. Trước đó, Tiki đã thành lập một quỹ để hỗ trợ 100 video ca nhạc của các nghệ sĩ trong nước trong năm nay. Việc mua lại Ticketbox cho phép các nghệ sĩ và các nhà tổ chức sự kiện có thể dễ dàng tiếp cận khán giả.
Theo đuổi chiến lược “showbiz hóa”
Tiki được đánh giá là sàn thương mại điện tử đứng thứ 3 Việt Nam về mức độ phổ biến, với 50 triệu lượt truy cập mỗi tháng (theo số liệu Tiki tự công bố). Giới quan sát cho rằng, việc Tiki tiến vào thị trường giải trí nhằm theo đuổi chiến lược giống đối thủ Lazada.
Cuộc chơi thương mại điện tử ở thị trường Việt Nam đang được định hình bởi 4 tên tuổi lớn, đa số sử dụng mô hình kết hợp (B2C/C2C). Trong đó, Lazada và Shopee là 2 thương hiệu quốc tế, còn Tiki và Sendo được sáng lập bởi các tổ chức trong nước.
Tiki được biết đến là người khơi mào cho cuộc chiến tốc độ giao hàng, với Tiki Now. Cùng với việc mở rộng nền tảng năng lực kho bãi, tốc độ dường như vẫn là “át chủ bài” để lôi kéo người mua hàng của trang này.
Hiện Tiki có hơn 100.000 sản phẩm được giao trong 2 giờ và đang mở rộng dịch vụ sang giao 3 giờ, giao trong ngày đến qua ngày để lượng sản phẩm tăng lên vài trăm ngàn đến hàng triệu. Tiki cũng đang tìm kiếm những thỏa thuận đầu tư với giá trị có thể lên tới trên 100 triệu USD trong một vòng gọi vốn được hậu thuẫn bởi một số nhà đầu tư Hàn Quốc như Korea Investment Partners, STIC Investments và Sparklabs Ventures. Động thái này nhằm tạo lực để Tiki mở rộng kho bãi, tăng tốc về thời gian giao hàng.
Trước đó, vào hồi tháng 3, Tiki gọi vốn được 75 triệu USD trong một vòng gọi vốn dẫn dắt bởi Quỹ đầu tư tư nhân Northstar Group.
Trong khi đó, bên cạnh việc tăng tốc độ giao hàng, đối thủ Lazada còn tìm chiến lược riêng để lôi kéo khách hàng, đó là “lột xác” theo hướng “showbiz hóa”. Cuối tháng 6/2019, Lazada thay đổi nhận diện thương hiệu sang hình trái tim. Đây là một phần trong chiến lược triển khai hình thức mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment).
Từ năm 2018, Lazada đã bắt thị hiếu rất nhanh khi trào lưu bán hàng qua “livestream” (phát trực tiếp) rầm rộ xuất hiện trên Facebook. Họ thuê các nghệ sỹ, người nổi tiếng, nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội để tổ chức “livestream” đánh giá sản phẩm, bán hàng, chơi trò chơi cùng người xem... Đến nay, trang này vẫn miệt mài tổ chức các sự kiện như thế.
Đặc biệt, cuối tháng 3/2019, hình thức mua sắm kết hợp giải trí được đẩy lên cao trào với một đại nhạc hội mừng sinh nhật có sự góp mặt của siêu sao Dua Lipa, biểu diễn ở Indonesia. Lazada Việt Nam thuê một nhóm nghệ sỹ trẻ sang để livestream, thu hút sự theo dõi của người xem. Sự kiện lần đó thu hút 12 triệu lượt xem trên toàn Đông Nam Á. Doanh số cả khu vực của Lazada trong 24 giờ ngày 27/3/2019 tăng 15 lần so với doanh số trung bình.
Có thể thấy, cuộc chơi trên thị trường thương mại điện tử không còn là thử nghiệm hay những phen đánh cược nhỏ. Điều quan trọng mà các tên tuổi phải làm lúc này là hoàn thiện hệ sinh thái kỹ thuật số để nắm bắt cơ hội và không bị bỏ lại phía sau. Nhưng, đây sẽ là một cuộc chơi cực kỳ tốn kém. Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT ước tính, một doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm, nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam.
Gần đây, Tiki đã tiết lộ cơ cấu cổ phần, trong đó, các nhà đầu tư Việt Nam nắm giữ 51,33%, tiếp theo là các cổ đông Trung Quốc (21,47%), các nhà đầu tư từ Singapore (11,08%), Hàn Quốc (7,71%), Hồng Kông (4,69%) và Nhật Bản (3,72%).
Tiki cũng xác nhận tên tuổi các cổ đông quốc tế như Singapore ED EDBI, STIC Investments và Korea Investment Partners, ngoài những cái tên đã công bố trước đó bao gồm Cyberagent Ventures, Sumitomo và JD.com.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tiki-choi-lon-khi-thau-tom-ticketbox-d106177.html