TikTok bác tin bán mình cho Elon Musk
Phát ngôn viên của TikTok nói đây là câu chuyện hoàn toàn 'hư cấu'.
TikTok đã chính thức lên tiếng phủ nhận thông tin nói rằng Trung Quốc đang cân nhắc bán ứng dụng này cho tỷ phú công nghệ Elon Musk, để TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ khi thời hạn bị cấm tại quốc gia này ngày càng cận kề.
Theo một báo cáo từ Bloomberg được công bố vào 14/1, các quan chức Trung Quốc đang cân nhắc một phương án tiềm năng. Trong đó Elon Musk có thể mua lại hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ.
Nếu luật mới tại Mỹ có hiệu lực, ByteDance - công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh - sẽ buộc phải thoái vốn khỏi TikTok hoặc ứng dụng này sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ.
Bloomberg dẫn nguồn tin ẩn danh cho biết một trong những kịch bản đang được thảo luận là mạng xã hội X (trước đây là Twitter) của Elon Musk sẽ tiếp quản hoạt động của TikTok tại Mỹ và vận hành cùng với các doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, đại diện TikTok đã thẳng thắn bác bỏ thông tin này. "Chúng tôi không thể đưa ra bình luận về những câu chuyện hoàn toàn hư cấu”, phát ngôn viên của TikTok trả lời Variety.
Về phần mình, Elon Musk - CEO của Tesla, SpaceX và hiện là người giàu nhất thế giới - chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin của Bloomberg. Musk trước đây đã mua lại Twitter vào năm 2022 với giá 44 tỷ USD và sau đó đổi tên thành X.
Nguồn tin của Bloomberg cũng cho hay không rõ liệu Musk, TikTok và ByteDance có từng tổ chức các cuộc đàm phán, hay thương lượng về các điều khoản hay không.
Theo Variety, TikTok hiện đối mặt với nguy cơ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ theo đạo luật dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 19/1 tới, trừ khi Tòa án Tối cao ra phán quyết ngăn chặn đạo luật này.
Ngày 10/1, Tòa án Tối cao đã nghe các lập luận từ phía TikTok trong đơn kháng cáo khẩn cấp nhằm ngăn chặn đạo luật. TikTok và ByteDance lập luận rằng đạo luật vi phạm quyền tự do ngôn luận của 170 triệu người dùng Mỹ. Tuy nhiên, các thẩm phán có vẻ như đang nghiêng về lập trường của chính phủ Mỹ. Họ rằng TikTok có thể là mối đe dọa an ninh quốc gia vì ứng dụng này nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc.
Hiện nắm giữ khoảng 40% cổ phần trong TikTok, tập đoàn mẹ ByteDance chưa cho thấy dấu hiệu sẽ bán cổ phần này cho bất kỳ tổ chức hoặc nhóm nhà đầu tư nào được chính phủ Mỹ chấp nhận.
Trước đó, các quan chức Trung Quốc từng khẳng định rằng nếu ByteDance cố gắng bán cổ phần TikTok, động thái này sẽ bị ngăn chặn vì nó được coi là một dạng xuất khẩu công nghệ.
Trong khi đó, ở bên kia thế giới, Luật "Bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng bị kiểm soát bởi các đối thủ nước ngoài" được Quốc hội Mỹ thông qua với sự đồng thuận lưỡng đảng và được Tổng thống Joe Biden ký thành luật. Đạo luật cấm các cửa hàng ứng dụng như Apple và Google cũng như các dịch vụ lưu trữ web phân phối TikTok tại Mỹ, trừ khi ByteDance bán ứng dụng này cho một tổ chức thuộc một quốc gia không bị xem là "đối thủ nước ngoài" của Mỹ.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã yêu cầu Tòa án Tối cao tạm đình chỉ luật này trước thời điểm nó có hiệu lực vào ngày 19/1, để chính quyền của ông tìm kiếm một giải pháp đàm phán.
Ông hy vọng có thể đạt được thỏa thuận ngăn chặn TikTok bị cấm trên toàn quốc, vừa bảo vệ quyền tự do ngôn luận của hàng chục triệu người dùng Mỹ, vừa giải quyết được những lo ngại về an ninh quốc gia của chính phủ. Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng thất bại khi cố gắng buộc TikTok phải bán cho các công ty Mỹ cũng với lý do lo ngại an ninh quốc gia.
Nguồn Znews: https://znews.vn/tiktok-bac-tin-ban-minh-cho-elon-musk-post1524943.html