Tiktok gửi đơn kiến nghị khẩn 'cầu cứu' để tồn tại ở Mỹ
TikTok gửi đơn đề nghị khẩn cấp lên Tòa án Tối cao Mỹ để xin lệnh tạm dừng thực thi đạo luật cấm mạng xã hội có khoảng 170 triệu người dùng này ở Mỹ.
Reuters đưa tin, trong những nỗ lực cuối cùng vào để tiếp tục hoạt động tại Mỹ, TikTok đề nghị Tòa án Tối cao tạm thời chặn đạo luật nhằm buộc ByteDance, công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc, phải thoái vốn khỏi TikTok trước ngày 19/1, hoặc phải đối mặt với lệnh cấm.
Theo đó, ngày 16/12 (giờ địa phương), TikTok và ByteDance gửi đơn đề nghị khẩn cấp lên Tòa án Tối cao Mỹ để xin lệnh tạm dừng thực thi đạo luật cấm mạng xã hội có khoảng 170 triệu người dùng này ở Mỹ. TikTok cũng phản đối phán quyết do tòa án cấp thấp hơn đưa ra trước đó.
Hồi tháng 4, Bộ Tư pháp Mỹ đánh giá TikTok, với tư cách là một công ty Trung Quốc, gây ra "mối đe dọa an ninh quốc gia ở mức độ sâu sắc và quy mô khổng lồ" vì có thể truy cập vào lượng lớn dữ liệu người dùng Mỹ, từ vị trí đến tin nhắn riêng tư và khả năng bí mật thao túng nội dung mà người Mỹ xem trên ứng dụng.
Ngày 6/12, Tòa Phúc thẩm liên bang Mỹ tại quận Columbia ở Washington bác bỏ lập luận của TikTok khi cho rằng luật này vi phạm quyền bảo vệ quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.
Trong hồ sơ nộp lên Tòa án Tối cao Mỹ ngày 16/12, TikTok và ByteDance lập luận: "Nếu người Mỹ - những người được thông báo đầy đủ về những rủi ro bị cáo buộc của việc 'ngầm' thao túng nội dung - chọn tiếp tục xem nội dung trên TikTok với đôi mắt mở to, thì Tu chính án thứ nhất trao cho họ quyền lựa chọn đó, không bị chính phủ kiểm duyệt.
Và nếu phán quyết trái ngược của Tòa phúc thẩm quận Columbia vẫn được giữ nguyên, thì Quốc hội Mỹ sẽ có toàn quyền cấm bất kỳ người Mỹ nào phát biểu, chỉ bằng cách xác định một số rủi ro rằng bài phát biểu đó bị ảnh hưởng bởi một thực thể nước ngoài".
Các công ty cho biết việc đóng cửa dù chỉ trong một tháng cũng sẽ khiến TikTok mất khoảng 1/3 lượng người dùng tại Mỹ và làm suy yếu khả năng thu hút các nhà quảng cáo, tuyển dụng người sáng tạo nội dung và nhân viên tài năng.
Nền tảng có hơn 170 triệu người dùng ở Mỹ này khẳng định không có mối đe dọa tiềm ẩn nào đối với an ninh quốc gia Mỹ và việc trì hoãn thực thi luật sẽ cho phép Tòa án Tối cao xem xét tính hợp pháp của lệnh cấm, cũng như chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh giá đạo luật.
Ông Trump từng cấm TikTok không thành công trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2020. Kể từ đó, ông đảo ngược lập trường và cam kết trong cuộc đua tổng thống năm nay rằng sẽ cố gắng cứu TikTok.
Ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2024, một ngày sau thời hạn đạo luật áp đưa ra cho TikTok.
TikTok mong muốn Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra quyết định trước ngày 6/1/2025.
Sự việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Năm 2020, ông Trump cố gắng cấm WeChat, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc Tencent, nhưng bị tòa án chặn lại.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tiktok-gui-don-kien-nghi-khan-cau-cuu-de-ton-tai-o-my-ar914208.html