TikTok khôi phục dịch vụ nhờ ông Trump, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối việc lách luật

TikTok bắt đầu khôi phục dịch vụ hôm 19.1 sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết sẽ phục hồi quyền truy cập ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám này tại Mỹ khi ông trở lại nắm quyền vào ngày 20.1.

"Thành thật mà nói, chúng ta không có lựa chọn nào khác. Chúng ta phải cứu nó", ông Trump phát biểu tại một cuộc mít tinh hôm 19.1 trước lễ nhậm chức của mình, đồng thời nói thêm rằng Mỹ sẽ tìm kiếm một liên doanh để khôi phục ứng dụng được hơn 170 triệu người Mỹ sử dụng.

Trump nói rằng lệnh hành pháp sẽ quy định không có trách nhiệm pháp lý nào với các công ty hỗ trợ TikTok hết bị ngừng hoạt động, trước khi lệnh của ông được ban hành.

Trong một thông điệp gửi đến người dùng vài giờ trước cuộc mít tinh này, TikTok cho biết: "Nhờ những nỗ lực của Tổng thống Trump, TikTok đã trở lại Mỹ".

TikTok cũng đưa ra một tuyên bố trước đó sau khi người dùng Mỹ báo cáo có thể truy cập trang web của dịch vụ, trong khi ứng dụng bắt đầu hoạt động trở lại cho một số người dùng với chỉ vài dịch vụ cơ bản. Tính đến tối 19.1, TikTok vẫn không khả dụng để tải xuống trên các cửa hàng ứng dụng của Mỹ.

"Theo thỏa thuận với các nhà cung cấp dịch vụ của chúng tôi, TikTok đang trong quá trình khôi phục dịch vụ", TikTok cho biết trước đó, đồng thời cũng cảm ơn Trump vì "đã cung cấp sự rõ ràng và đảm bảo cần thiết cho các nhà cung cấp dịch vụ của chúng tôi rằng họ sẽ không phải chịu bất kỳ hình phạt nào vì cung cấp TikTok đến hơn 170 triệu người Mỹ và giúp hơn 7 triệu doanh nghiệp nhỏ phát triển mạnh".

Lời cảm ơn công khai của TikTok với Trump, một ngày trước khi ông nhậm chức, diễn ra vào thời điểm căng thẳng Mỹ - Trung Quố leo thang. Trump đã nói rằng ông có ý định áp thuế với Trung Quốc nhưng cũng hy vọng sẽ có nhiều liên lạc trực tiếp hơn với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington hôm 17.1 đã cáo buộc Mỹ sử dụng quyền lực không công bằng để đàn áp TikTok. "Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình", một phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết.

TikTok ngừng hoạt động với người dùng Mỹ cuối ngày 18.1 trước khi luật đóng cửa ứng dụng này vì lý do an ninh quốc gia có hiệu lực hôm 19.1. Các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng, khi TikTok thuộc sở hữu của công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc), dữ liệu người Mỹ có nguy cơ sẽ bị lạm dụng.

Trump cho biết ông sẽ "kéo dài thời gian trước khi các quy định của luật có hiệu lực, để chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận bảo vệ an ninh quốc gia".

"Tôi muốn Mỹ nắm giữ 50% cổ phần trong một liên doanh", ông viết trên mạng xã hội Truth Social của mình.

Trước đó, Trump cho biết "rất có thể" sẽ hoãn lệnh cấm TikTok trong 90 ngày sau khi nhậm chức, một lời hứa mà TikTok đã trích dẫn qua thông báo gửi đến người dùng trên ứng dụng.

"Một đạo luật cấm TikTok đã được ban hành tại Mỹ. Thật không may, điều đó có nghĩa là bạn không thể sử dụng TikTok ngay bây giờ. Chúng tôi rất may mắn khi Tổng thống Trump cho biết ông sẽ làm việc với chúng tôi để tìm ra giải pháp khôi phục TikTok sau khi ông nhậm chức. Vui lòng theo dõi", trích thông báo xuất hiện khi người dùng mở TikTok trước đó.

Việc Trump cứu TikTok thể hiện sự đảo ngược lập trường so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông tại nhiệm. Vào năm 2020, ông Trump đã nhắm đến việc cấm TikTok vì lo ngại công ty này chia sẻ thông tin cá nhân của người Mỹ với chính phủ Trung Quốc. Gần đây, Trump nói rằng ông "có một vị trí ấm áp trong trái tim dành cho TikTok", ghi nhận ứng dụng này đã giúp ông giành được sự ủng hộ của các cử tri trẻ trong cuộc bầu cử năm 2024.

Vào tháng 8.2020, Trump đã ký một lệnh hành pháp buộc ByteDance có 90 ngày để bán TikTok ở Mỹ nhưng sau đó chấp nhận một thỏa thuận được cấu trúc dưới dạng hợp tác thay vì thoái vốn, gồm cả Oracle và Walmart nắm giữ cổ phần trong công ty mới.

Không phải mọi người trong đảng Cộng hòa của ông Trump đều đồng ý với những nỗ lực lách luật và "cứu TikTok".

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton và Pete Ricketts cho biết trong một tuyên bố chung: "Bây giờ luật đã có hiệu lực, không có cơ sở pháp lý nào cho bất kỳ loại gia hạn nào với ngày có hiệu lực của luật. Để TikTok có thể hoạt động trở lại trong tương lai, ByteDance phải đồng ý bán theo các yêu cầu về thoái vốn đủ điều kiện của luật, bằng cách cắt đứt mọi liên hệ giữa TikTok với Trung Quốc".

Ông Trump muốn cứu TikTok, nhưng một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối điều này nếu ByteDance không thoái vốn khỏi ứng dụng - Ảnh: Reuters

Ông Trump muốn cứu TikTok, nhưng một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối điều này nếu ByteDance không thoái vốn khỏi ứng dụng - Ảnh: Reuters

Mỹ chưa từng cấm một nền tảng truyền thông xã hội lớn, trước TikTok. Luật được Quốc hội thông qua với số phiếu áp đảo trao cho chính quyền Trump sắp tới quyền hạn rộng rãi để cấm hoặc buộc các công ty Trung Quốc khác bán ứng dụng hoạt động ở Mỹ.

Các ứng dụng khác thuộc sở hữu của ByteDance, gồm cả CapCut (chỉnh sửa video) và Lemon8 (mạng xã hội về phong cách sống), cũng đã ngoại tuyến và không có sẵn trên cửa hàng ứng dụng của Mỹ như Apple Store, Google Play Store tính đến cuối ngày 19.1.

Về chuyện này, Apple đã đăng thông báo trên trang web của mình như sau:

TikTok và các ứng dụng khác của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) hiện không còn khả dụng tại Mỹ. Du khách đến Mỹ có thể gặp hạn chế về quyền truy cập một số tính năng.

Apple có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp tại các khu vực pháp lý mà công ty hoạt động. Theo Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát, các ứng dụng do ByteDance và các công ty con của hãng này phát triển, gồm cả TikTok, CapCut, Lemon8, sẽ không còn khả dụng để tải xuống hoặc cập nhật trên App Store cho người dùng tại Mỹ kể từ ngày 19.1.2025.

Sau đây là một số ứng dụng do ByteDance và các công ty con của hãng này phát triển bị ảnh hưởng:

TikTok

TikTok Studio

TikTok Shop Seller Center

CapCut

Lemon8

Hypic

Lark - Team Collaboration

Lark - Rooms Display

Lark Rooms Controller

Gauth: AI Study Companion

MARVEL SNAP

Nếu bạn sống tại Mỹ

Nếu bạn đã cài đặt các ứng dụng này trên thiết bị của mình, chúng sẽ vẫn ở trên thiết bị của bạn. Thế nhưng không thể tải lại chúng nếu đã xóa hoặc khôi phục nếu bạn chuyển sang thiết bị mới. Các giao dịch mua trong ứng dụng và đăng ký mới sẽ không còn khả dụng.

Người dùng tại Mỹ sẽ không nhận được bản cập nhật cho các ứng dụng nêu trên, điều này có khả năng ảnh hưởng đến hiệu suất, bảo mật và khả năng tương thích với các phiên bản iOS và iPadOS trong tương lai. Một số chức năng của các ứng dụng này có thể bị hạn chế hoặc ngừng hoạt động do chúng không thể nhận các bản cập nhật.

Nếu bạn là khách du lịch đến Mỹ

Các ứng dụng của ByteDance vẫn có sẵn để tải xuống tại tất cả quốc gia và khu vực khác mà chúng khả dụng.

Người dùng đến từ bên ngoài Mỹ với tài khoản Apple được đặt tại một quốc gia hoặc khu vực không phải Mỹ sẽ không thể tải xuống, cập nhật, hoặc thực hiện giao dịch mua và đăng ký mới trong các ứng dụng của ByteDance khi đang ở trong lãnh thổ hoặc vùng biển của Mỹ.

Sau khi rời khỏi Mỹ, bạn sẽ có quyền truy cập đầy đủ tất cả tính năng đó.

Kể từ khi ra mắt tại thị trường Mỹ vào năm 2016, TikTok đã nhanh chóng trở thành nền tảng hàng đầu dành cho những người Mỹ trẻ tuổi tìm kiếm các cơ hội giải trí, tin tức, cộng đồng và kinh doanh, thách thức các đối thủ cạnh tranh như Instagram và YouTube.

Chưa có ứng dụng mạng xã hội nào khác có thể sao chép được thành công dựa trên thuật toán như TikTok tại Mỹ.

Trên mạng xã hội, MrBeast (YouTuber nổi tiếng nhất thế giới hơn 346 triệu người theo dõi) tuyên bố muốn mua lại TikTok ở Mỹ.

“Tôi vừa rời cuộc họp với một nhóm tỷ phú. TikTok, chúng tôi nghiêm túc đấy. Đây là luật sư của tôi. Chúng tôi có sẵn một lời đề nghị dành cho các bạn. Chúng tôi muốn mua lại nền tảng này. Nước Mỹ xứng đáng có TikTok. Hãy cho tôi một vị trí tại bàn đàm phán, để tôi cứu lấy nền tảng này”, MrBeast (tên thật là Jimmy Donaldson, 26 tuổi) nói.

Tuy là YouTuber nổi tiếng nhất, MrBeast không có mặt trong danh sách tỷ phú của Bloomberg (Bloomberg Billionaires Index). Hiện tài sản của MrBeast được cho chỉ hơn 1 tỉ USD. Thế nên, MrBeast phải huy động vốn từ các tỷ phú và nhà đầu tư khác mới đủ tiền mua lại TikTok ở Mỹ.

Trước MrBeast, tỷ phú Frank McCourt (chủ sở hữu CLB bóng đá Olympique Marseille và chủ cũ đội bóng chày L.A Dodgers) và Kevin O'Leary (một trong những "cá mập" của chương trình truyền hình thực tế Shark Tank) bày tỏ ý muốn mua TikTok ở Mỹ. Frank McCourt tin rằng TikTok có giá khoảng 20 tỉ USD mà không bao gồm cả thuật toán của nó. Frank McCourt là doanh nhân và tỷ phú người Mỹ, nổi tiếng với các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, thể thao và công nghệ.

Nếu thành công, nhóm này cho biết sẽ xây dựng lại nền tảng theo cách ưu tiên quyền riêng tư của khoảng 170 triệu người dùng TikTok tại Mỹ.

Hôm 18.1, Reuters đưa tin Perplexity (công ty khởi nghiệp công cụ tìm kiếm trí tuệ nhân tạo của Mỹ) đã đưa ra đề nghị cho ByteDance để sáp nhập với TikTok ở Mỹ và tạo nên một thực thể mới bằng cách kết hợp công ty sáp nhập với công ty đầu tư tư nhân New Capital Partners (Mỹ). Theo các báo cáo, việc sáp nhập có thể cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tiktok-khoi-phuc-dich-vu-nho-ong-trump-cac-thuong-nghi-si-dang-cong-hoa-phan-doi-viec-lach-luat-228432.html