TikTok tiếp tục gặp rắc rối ở Mỹ

Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) ngày 2/8 đã đệ đơn kiện dân sự chung đối TikTok - ứng dụng chia sẻ video ngắn của công ty ByteDance (Trung Quốc).

Biểu tượng Tiktok tại văn phòng ở Culver City, California, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Biểu tượng Tiktok tại văn phòng ở Culver City, California, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Cụ thể, TikTok bị kiện vì đã thu thập dữ liệu cá nhân của hàng triệu trẻ em dưới 13 tuổi mà không có sự đồng ý của phụ huynh, vi phạm nghiêm trọng Đạo luật Bảo vệ quyền riêng tư trẻ em trực tuyến (COPPA).

Đây là hành động pháp lý mới nhất của Mỹ nhắm vào TikTok, vốn đang phải đối mặt với một đạo luật của Mỹ yêu cầu công ty mẹ ByteDance bán lại TikTok hoặc sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ.

Trong đơn kiện, bên nguyên đơn cáo buộc TikTok đã thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân của trẻ em, bao gồm cả địa chỉ thư điện tử (email), ngay cả khi tài khoản được tạo ở chế độ "Trẻ em". Cùng với đó, TikTok đã không tuân thủ các yêu cầu của phụ huynh khi muốn xóa bỏ tài khoản và dữ liệu của con em mình.

Đơn kiện viện dẫn quy định của COPPA cấm các trang thông tin điện tử thu thập thông tin cá nhân của trẻ em dưới 13 tuổi mà không có sự cho phép của cha mẹ. Chủ tịch FTC Lina Khan nhấn mạnh: "TikTok đã cố tình và liên tục vi phạm quyền riêng tư của trẻ em, đe dọa sự an toàn của hàng triệu trẻ em".

Tuy nhiên, người phát ngôn TikTok Alexander Haurek phủ nhận các cáo buộc và khẳng định TikTok đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, đặc biệt là trẻ em. Tik Tok khẳng định công ty sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ quyền lợi của họ.

Năm 2019, Mỹ đã đệ đơn kiện đối với một ứng dụng có tên là Musical.ly căn cứ theo COPPA. ByteDance sau đó đã mua và sáp nhập ứng dụng này vào TikTok. Theo các quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ, vụ kiện đó khiến TikTok phải thực hiện các bước để tuân thủ đạo luật về quyền riêng tư của trẻ em.

Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật yêu cầu TikTok phải tìm một người mua không phải là người Trung Quốc trước thời điểm giữa tháng 1/2025, nếu không sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ. Luật này bắt nguồn từ lo ngại của Washington về an ninh quốc gia khi TikTok có tới 170 triệu người dùng tại Mỹ.

TikTok đã đệ đơn kiện tại một tòa án liên bang Washington, cho rằng luật này vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất. Mỹ bác bỏ lập luận này, khẳng định luật pháp giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia. ByteDance cho biết họ không có kế hoạch bán TikTok, và công ty này đã đệ đơn kiện để ngăn chặn luật trên.

Ngày 2/8, một nhóm gồm 21 tiểu bang và hơn 50 nhà lập pháp Mỹ đã ủng hộ Bộ Tư pháp trong việc bảo vệ luật yêu cầu ByteDance phải bán tài sản của TikTok tại Mỹ trước ngày 19/1/2025 hoặc phải đối mặt với lệnh cấm. Hồ sơ tòa án do Bộ trưởng Tư pháp bang Montana và Virginia dẫn dầu nêu rõ: "TikTok là mối nguy đối với an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người dùng".

Dự kiến, Tòa án quận Columbia sẽ tổ chức tranh luận về thách thức pháp lý vào ngày 16/9.

Trước đó, ngày 17/7, Tòa án sơ thẩm của Liên minh châu Âu (EU) đã bác đơn kháng cáo của ByteDance về việc EU xác định TikTok là một "người gác cổng” phải tuân thủ Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA).

DMA chính thức có hiệu lực vào tháng 3/2024 nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng trên thị trường kỹ thuật số. Theo đó, EU đưa 6 công ty vào diện “người gác cổng” phải tuân thủ DMA gồm Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple, Meta, Microsoft và ByteDance.

Hồi tháng 5/2024, EU bổ sung nhà cung cấp dịch vụ đặt phòng du lịch Booking.com, đăng ký tại Hà Lan, vào danh sách các công ty công nghệ lớn chịu quy định quản lý nghiêm ngặt hơn.

Theo DMA, những công ty trên cần cho phép các ứng dụng tin nhắn của họ tương tác với những đối thủ để người dùng quyết định cài sẵn ứng dụng nào trên thiết bị của họ và không được phép ưu tiên dịch vụ của công ty hơn các đối thủ khác.

Trong đơn kháng cáo đưa ra tháng 11/2023, công ty ByteDance cho rằng việc xác định TikTok là “người gác cổng” sẽ làm suy yếu mục tiêu của DMA vì việc này bảo vệ những công ty đang chiếm ưu thế hơn so với những đối thủ cạnh tranh mới hơn như TikTok, vốn chưa có vị thế trên thị trường.

Trong tuyên bố, tòa án có trụ sở tại Luxembourg quyết định bác đơn kháng cáo của công ty ByteDance, khẳng định công ty chưa chứng minh được đầy đủ các luận cứ đưa ra. Các thẩm phán tuyên bố Ủy ban châu Âu (EC) hoàn toàn có quyền xem xét ByteDance nằm trong danh sách trên.

Theo phán quyết, TikTok có số người dùng tăng nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt được quy mô bằng 50% của Facebook và Instagram. TikTok có tỷ lệ tương tác đặc biệt cao, nhất là giới trẻ dành nhiều thời gian sử dụng ứng dụng này hơn so với các mạng xã hội khác. Các thẩm phán cũng nhấn mạnh ứng dụng chia sẻ video này nhanh chóng củng cố vị thế trên thị trường những năm sau đó, bất chấp các dịch vụ video ngắn cạnh tranh ra đời. TikTok có thể kháng cáo lên Tòa án Công lý châu Âu trong vòng 2 tháng 10 ngày.

Phản ứng về phán quyết, người phát ngôn của TikTok cho biết công ty tỏ ra thất vọng với quyết định của tòa án châu Âu và khẳng định đã thực hiện các biện pháp để tuân thủ những nghĩa vụ liên quan của DMA trước thời hạn tháng 3/2024. Theo người phát ngôn, TikTok sẽ đánh giá các bước tiếp theo.

Minh Hằng/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tiktok-tiep-tuc-gap-rac-roi-o-my-20240803123013206.htm