TikTok tiết lộ sự khác biệt giữa người Việt Nam và Indonesia khi 'shopping'
Có hai kiểu hình thái khi mua sắm trực tuyến, đó là dựa trên đánh giá của cộng đồng và dựa trên đặc tính sản phẩm.
Theo báo cáo Shoppertainment 2024 do TikTok công bố mới đây, có đến 79% người tiêu dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) bị ảnh hưởng bởi nội dung không mang tính quảng cáo. Trung bình trong khu vực, chỉ 21% người dùng bị tác động bởi các chương trình khuyến mãi khi cân nhắc quyết định mua hàng; tỷ lệ này cũng dao động theo từng quốc gia: 12% (Hàn Quốc), 27% (Nhật Bản) và 41% (Indonesia).
Người tiêu dùng trong thời đại mới đã có những thay đổi về hành vi mua sắm trực tuyến. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, các góc độ khác như lợi ích sản phẩm, đánh giá thực tế từ người dùng, mô tả sản phẩm cũng có giá trị xuyên suốt quá trình cân nhắc và đưa ra quyết định mua sắm của người xem. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chuyển dịch mối quan tâm về giá trị sản phẩm, thay cho các chủ đề xoay quanh giá cả và khuyến mại như trước đây.
Báo cáo phân biệt hai kiểu hình thái tiêu dùng riêng biệt ở APAC, gồm nhóm tiêu dùng dựa trên đánh giá của cộng đồng (social-oriented) và nhóm dựa trên đặc tính sản phẩm (product-oriented). Tại các thị trường như Việt Nam, Thái Lan và Hàn Quốc, người tiêu dùng có thiên hướng nghiêng về các đánh giá sản phẩm từ cộng đồng hơn. Trái lại, người tiêu dùng tại Nhật Bản và Indonesia có xu hướng quan tâm nhiều tới các nội dung về đặc điểm, thông tin và lợi ích sản phẩm.
Báo cáo còn cho thấy, số người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng sáng tạo nội dung dạng video như TikTok tăng gấp 1,9 lần so với các công cụ tìm kiếm truyền thống. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong khu vực trong 1 - 2 năm tới, khi 93% người tiêu dùng thể hiện mong muốn duy trì hay thậm chí tăng cường trải nghiệm kết hợp mua sắm - giải trí trên các nền tảng sáng tạo nội dung số.
Minh chứng là sự "bùng nổ" của các phiên livestream bán hàng trên TikTok trong thời gian gần đây, không chỉ từ các cá nhân mà còn từ những thương hiệu lớn vốn đã có một trang thương mại điện tử riêng. Chẳng hạn, từ 0h ngày 1/4 đến 0h ngày 2/4, Di Động Việt sẽ có phiên livestream bán hàng giá ưu đãi với hàng nghìn sản phẩm công nghệ. Trước đó, một "ông lớn" như FPT Shop cũng đã tìm tới TikTok để mở nhiều phiên livestream bán hàng vào các dịp đặc biệt.