TikTok vẫn đối diện nguy cơ bị cấm tại Mỹ sau phiên điều trần của CEO trước Quốc hội
Phần đông các nhà lập pháp tại Mỹ đều cho rằng ứng dụng TikTok nên bị cấm tại quốc gia này bởi họ không đánh giá cao các nỗ lực chứng minh của nền tảng thuộc ByteDance, một công ty Trung Quốc.
CEO TikTok Shou Zi Chew đã phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa từ các nhà lập pháp Mỹ trong ngày 23/3 về những cáo buộc liên quan tới mối quan hệ của công ty với chính phủ Trung Quốc, theo Asia Nikkei.
Cathy McMorris Rodgers, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ (House Energy and Commerce Committee), cho biết: “Chúng tôi tin rằng TikTok sẽ không chấp nhận các giá trị của Mỹ, các giá trị về tự do, nhân quyền và sự đổi mới. Nền tảng của các bạn nên bị cấm”.
CEO TikTok mở đầu phiên điều trần của mình bằng cách nói rằng ông sinh ra và lớn lên ở Singapore, sau đó được giáo dục tại Anh và Mỹ. Ông giới thiệu những nỗ lực của TikTok nhằm bảo vệ người dùng Mỹ và lập luận rằng ứng dụng này, cùng với công ty mẹ Trung Quốc ByteDance, thuộc sở hữu của các nhà đầu tư toàn cầu, không phải do Bắc Kinh kiểm soát.
Ông Chew nói rằng TikTok chưa bao giờ nhận hoặc tuân theo bất kỳ yêu cầu nào từ Bắc Kinh và bản thân ông cũng chưa bao giờ thảo luận với các quan chức chính phủ Trung Quốc kể từ khi đảm nhận vai trò CEO vào năm 2021.
Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc đã nói trong một cuộc họp báo cùng ngày diễn ra phiên điều trần của CEO TikTok tại Mỹ rằng Trung Quốc “phản đối mạnh mẽ” việc buộc phải bán TikTok và việc bán hoặc thoái vốn TikTok sẽ liên quan đến việc xuất khẩu công nghệ và điều này phải tuân phải theo luật pháp Trung Quốc.
Trích dẫn một báo cáo của The Wall Street Journal về tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Rodgers nói với CEO TikTok: “Chính phủ Trung Quốc tin rằng họ có tiếng nói cuối cùng đối với TikTok. Tôi không tin vào khẳng định của ông rằng ByteDance và Tiktok không có liên quan tới chính phủ Trung Quốc”.
Daniel Russel, phó chủ tịch phụ trách an ninh và ngoại giao quốc tế tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết tuyên bố của chính phủ Trung Quốc rằng họ sẽ ngăn chặn việc bán TikTok ở Mỹ “không liên quan nhiều đến việc bảo vệ các thuật toán và công nghệ của Trung Quốc”.
Ngoài việc cáo buộc TikTok hoạt động như một công cụ cung cấp thông tin sai lệch từ phía Trung Quốc, các nhà lập pháp Mỹ trong phiên điều trần cũng bày tỏ lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu của người dùng và nội dung có hại trên nền tảng này.
CEO TikTok cho biết các vấn đề về quyền riêng tư và kiểm duyệt nội dung không chỉ xảy ra với ứng dụng xem video ngắn của ByteDance. Chew cho biết: "Chúng tôi tin rằng điều cần thiết là các quy tắc minh bạch rõ ràng áp dụng rộng rãi cho tất cả các công ty công nghệ. Quyền sở hữu không phải là cốt lõi để giải quyết những lo ngại này".
Một tuần trước phiên điều trần, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), một cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính chuyên đánh giá các giao dịch đa quốc gia, đã yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok. Nếu không làm như vậy, TikTok có thể phải đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ.
Các nhà lập pháp Mỹ không đánh giá cao nỗ lực của TikTok
TikTok đang làm việc trên một chương trình có tên Project Texas mà công ty cho biết sẽ tăng cường bảo mật dữ liệu cho người dùng ở Mỹ, bao gồm cả việc chuyển tất cả dữ liệu của người dùng Mỹ sang hệ thống Oracle Cloud. Hơn nữa, quyền truy cập vào dữ liệu của người dùng Mỹ của các nhân viên tại Trung Quốc "phải tuân theo một loạt biện pháp kiểm soát an ninh mạng và các giao thức phê duyệt ủy quyền do nhóm bảo mật có trụ sở tại Mỹ giám sát".
Các nhà lập pháp Mỹ đã không bị thuyết phục với những động thái này. “Tôi vẫn tin rằng chính quyền Bắc Kinh vẫn sẽ kiểm soát và có khả năng thực thi những gì các bạn làm. Vì vậy, ý tưởng về Project Texas này đơn giản là không thể chấp nhận được”, Nghị sĩ Đảng Dân chủ Frank Pallone nói.
CEO TikTok từ chối trả lời các câu hỏi về tình hình tài chính của TikTok do tư nhân nắm giữ, bao gồm cả phần doanh thu được giữ lại bởi ByteDance và các khoản thù lao của chính ông.
"Giám đốc điều hành Shou Zi Chew của chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để trả lời các câu hỏi của Quốc hội Mỹ, nhưng thật không may, phiên điều trần ngày hôm đó bị chi phối bởi quan điểm chính trị và không thừa nhận các giải pháp thực tế đã được tiến hành thông qua Project Texas", TikTok cho biết trong một tuyên bố.
Vào đầu tháng 3, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã giới thiệu Đạo luật Hạn chế sự xuất hiện của các mối đe dọa an ninh gây rủi ro cho công nghệ thông tin và truyền thông (RESTRICT), cho phép tổng thống có quyền đóng cửa các ứng dụng do nước ngoài sở hữu như TikTok vì lý do an ninh quốc gia.
Gillian Diebold, nhà phân tích chính sách tại Trung tâm Đổi mới Dữ liệu có trụ sở tại Washington, cho biết: “Điều khác biệt ở lần này so với năm 2020 là đây được coi là những nỗ lực của cả hai đảng, vì cả hai phe đều ủng hộ Đạo luật Hạn chế”.
TikTok vẫn có những người ủng hộ nhất định. Trong phiên điều trần, PEN America, American Civil Liberties Union, Knight First Amendment Institute tại Đại học Columbia và hàng chục tổ chức tự do ngôn luận khác đã gửi thư tới Quốc hội phản đối lệnh cấm TikTok.
Ngoài ra, một nhóm những người sáng tạo nội dung trên TikTok và Hạ nghị sĩ Jamaal Bowman từ New York đã tổ chức một cuộc họp báo bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Mỹ để phản đối lệnh cấm TikTok một ngày trước khi diễn ra phiên điều trần.