TikToker đăng tải thông tin sai sự thật: Mối đe dọa ngầm cho các doanh nghiệp

TikTok và các mạng xã hội khác hiện đang là những công cụ quảng cáo mạnh mẽ, giúp các nhãn hàng kết nối với người tiêu dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển vượt bậc của các nền tảng này, một vấn đề đáng lo ngại cũng đã xuất hiện, đó là việc nhiều TikToker đăng tải thông tin sai sự thật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp và nhãn hàng.

Nhiều Tiktoker bị xử phạt vì đăng tin sai sự thật

Mới đây, Công an TP Hà Nội phối hợp cùng Công an huyện Thường Tín ra quyết định xử phạt chủ tài khoản kênh TikTok “Mẹ Bé Xanh” vì hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Cụ thể, tài khoản TikTok “Mẹ Bé Xanh” đã đăng tải video chứa thông tin sai lệch về sản phẩm Gạc răng miệng Dr.Papie. “Mẹ Bé Xanh” cho rằng sản phẩm có chứa Baking Soda (NaHCO3) gây hại tới sức khỏe trẻ sơ sinh, có thể gây xói mòn men răng và gây biếng ăn, không nên dùng liên tiếp 1 tuần. Thực tế đây là thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng đang sử dụng sản phẩm, do đó nhãn hàng Dr.Papie đã ủy quyền cho luật sư làm việc với cơ quan chức năng về hành vi sai phạm này.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang làm việc với Nguyễn Ngọc Hải.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang làm việc với Nguyễn Ngọc Hải.

Sau quá trình điều tra và làm rõ với đầy đủ các bằng chứng khoa học chứng minh thành phần NaHCO3 trong Gạc răng miệng Dr.Papie không gây bất kỳ ảnh hưởng có hại nào cho sức khỏe người dùng.

Tháng 5/2024, Nhãn hàng Lineabon D3K2 (được công ty Cổ phần Dược phẩm An Minh nhập khẩu trực tiếp từ Slovenia (Châu Âu) và độc quyền phân phối tại Việt Nam đã đưa ra cảnh báo về các thông tin sai sự thật gây hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tới uy tín nhãn hàng Lineabon D3K2!

Nội dung cảnh báo cụ thể như sau: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi phải thông báo về điều này tới toàn bộ khách hàng của LineaBon D3K2 để quý khách hàng và quý đối tác nâng cao tinh thần cảnh giác trước các tin giả, tin sai sự thật và yên tâm sử dụng sản phẩm LineaBon D3K2. Ngày hôm nay 28/5/2024, chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi của khách hàng phản ánh sự lo ngại, hoang mang, sợ hãi sau khi xem clip đăng tải trên kênh TikTok “Dyn Dyn Dưa Dưa” ngày 27/5/2024 về nội dung “Lý do không dùng D3K2 LineaBon”.

Trong clip này có chứa nhiều nội dung sai sự thật, chúng tôi cần lên tiếng để quý khách hàng có căn cứ khoa học hiểu rõ…”. Ngoài ra, Lineabon D3K2 đã ủy quyền cho luật sư đại diện làm việc ở cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc TikToker đăng tải thông tin “Lý do không dùng D3K2 Lineabon”.

Trước đó, vào khoảng giữa tháng 1/2024, sự việc nam TikToker Vũ Minh Lâm tố “bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn” cũng gây xôn xao dư luận. Cụ thể, trong bài viết của nam Tiktoker này có đoạn: “Bà đứng phắt dậy, mắng nhân viên: “Ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?”; Nhân viên bảo: “Anh ấy hay ăn ở đây, bình thường vẫn ngồi thế này”. Bà càng được đà: “Không bán được, đã thế thì tôi đứng”… bữa ăn nghẹn ứ ở cổ - thật khó nuốt. Lâm thì quen rồi còn bạn Ly… nước mắt bắt đầu rơi”.

Tuy nhiên qua camera an ninh tại quán cho thấy, không gian quán phở này có chiều ngang khá hẹp, lượng thực khách đông. Khi Lâm đến, các nhân viên ở quán đã nhanh chóng thu dọn đồ để xe lăn của nam TikToker này có thể di chuyển vào bàn ăn, ngay phía sau chủ quán.

Nếu như trước đó cư dân mạng nổi cơn thịnh nộ với bà chủ quán “nhẫn tâm” và thương chàng TikToker Vũ Minh Lâm bao nhiêu thì không lâu sau đó họ lại đồng loạt “quay xe” sau khi tận mắt xem những hình ảnh trích xuất từ camera.

Trước sức ép của dư luận, ngày 27/4, nam TikToker Vũ Minh Lâm đã đăng tải bài viết với nội dung xin lỗi trên trang cá nhân của mình. Theo đó, nam TikToker thừa nhận bản thân “yếu kém và thiếu hiểu biết trong việc xử lý vấn đề” từ đó dẫn đến những sự việc không đáng có. Cùng với đó, Lâm cũng mong nhận được sự bao dung, tha thứ từ mọi người.

Bài viết cũng kèm theo một đoạn video. Trong đoạn video ngoài hình ảnh ghi lại cuộc sống thường ngày còn có hình ảnh nam TikToker này đến quán ăn và xin lỗi bà Thu - người chủ quán phở đã bị Lâm tố “đuổi ra khỏi quán” trước đó.

Không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhãn hàng mà có TikToker còn đăng tải thông tin xuyên tạc vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức. Đơn cử như trường hợp TikToker Nguyễn Ngọc Hải với tài khoản TikTok là “@nhathaibiettuot” có gần 900.000 lượt người theo dõi. Nam TikToker đăng tải: “...Quay trở lại vì sao ở Sài Gòn lại nhiều trộm cắp đến như vậy, thì điểm cốt lõi nhất là do văn hóa...”; “...Nên Sài Gòn là một nơi cực kỳ lý tưởng của những tội phạm hoạt động...”.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang khẳng định đây là những nội dung thông tin sai sự thật nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đăng tải thông tin trên mạng xã hội gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên, các tổ chức và quần chúng nhân dân.

Cơ quan này đã xác định được Nguyễn Ngọc Hải là người sử dụng tài khoản TikTok “@nhathaibiettuot” để đăng tải các nội dung trên. Qua buổi làm việc với Nguyễn Ngọc Hải, người này đã thừa nhận hành vi vi phạm và nhận thức rõ tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi của mình gây ra. Kết quả, nam TikToker này đã bị xử phạt 7,5 triệu đồng, đồng thời yêu cầu gỡ bỏ các bài viết trên và cam kết không tái phạm.

Thiếu trách nhiệm với cộng đồng

Cùng với sự phát triển của các xu thế thương mại điện tử, KOC (Key Opinion Consumer - người tiêu dùng chủ chốt) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh thu của các nhãn hàng trên các nền tảng số. Theo nghiên cứu của NielsenIQ Việt Nam, lực lượng này có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng và hành trình mua sắm của người tiêu dùng tại Việt Nam. Khoảng 50% người tiêu dùng cho biết quyết định mua hàng của họ bị ảnh hưởng bởi các influencer, KOL (Key Opinion Leader), và KOC.

Tiktoker Vũ Minh Lâm đến xin lỗi chủ quán phở.

Tiktoker Vũ Minh Lâm đến xin lỗi chủ quán phở.

Những thống kê trên đã cho thấy đội ngũ KOC, KOL tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng, đến xu hướng tiêu dùng như thế nào. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp, nhãn hàng cũng chạy “đua” để quảng cáo, định hướng, sử dụng đội ngũ này nhằm tăng doanh số bán hàng. Theo thống kê của eMarketer tính đến tháng 7/2022, các nhãn hàng đã bỏ ra 774 triệu USD để chi trả cho các quảng cáo KOC trên TikTok.

Tại Việt Nam, tùy thuộc vào sự nổi tiếng của mình, KOC chỉ cần có từ vài trăm follow đã có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ quảng cáo, bán hàng cho các nhãn. Nhưng mọi thứ đều có hai mặt, thu nhập vượt trội trở thành nguyên nhân khiến nhiều Tiktoker sẵn lòng nhận quảng cáo mà không quan tâm đến hậu quả.

Để có lượng người theo dõi cao và nhận được quảng cáo, một số Tiktoker thường tạo ra các nội dung “bẩn” để câu view, câu like. Nguy hiểm hơn, nhiều TikToker, KOL đã đưa ra các thông tin khoa học một cách sai lệch, phiến diện, đánh trúng vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng để “lên xu hướng”, nhận sự tương tác cao. Thậm chí, nhiều đối tượng từ những thông tin lệch lạc này dẫn dắt hậu quả, mầm bệnh rồi hù dọa, hướng người tiêu dùng đến sử dụng một sản phẩm khác của đối thủ. Đây là câu chuyên không phải hiểm gặp mà giới kinh doanh vẫn hay thường truyền tai nhau về “truyền thông bẩn”, cạnh tranh không lành mạnh.

Một trong những kịch bản quen thuộc của các KOC chuyên làm “truyền thông bẩn” là các video đội lốt cung cấp thông tin tưởng chừng khoa học, nghe rất hợp lý nhưng lại không hoàn toàn đúng sự thật. Thực tế nhiều trường hợp, các cá nhân đều không có chuyên môn y dược, không có kiến thức nhưng lại đăng tải video chia sẻ kinh nghiệm, phương thức hay phương pháp điều trị bệnh. Nhiều cá nhân không phải chuyên gia, nhà khoa học không có kiến thức nhưng lại phân tích bảng thành phần sản phẩm, nguyên nhân gây bệnh,… với các kiến thức chắp vá, góp nhặt từ Google.

Đánh trúng tâm lý lo âu của đám đông, các video có nội dung xấu, độc dễ dàng được lên “xu hướng”, các chuyên gia gắn mác này cũng từ đó lên như diều gặp gió. Rồi các cá nhân nhanh chóng thu hút lượng “theo dõi” lớn, trở thành người có ảnh hưởng đến công chúng, cộng đồng và cũng đem lại cho họ nguồn thu nhập “khủng”. Từ đây, do kiếm tiền quá dễ, ngày càng xuất hiện nhiều TikToker ảo tưởng, đội lốt khoa học làm “truyền thông bẩn”, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng, bất chấp tất cả vì tiền.

Càng nguy hiểm hơn nếu những sản phẩm quảng cáo bẩn, chiến dịch “truyền thông bẩn” để trục lợi, kiếm tiền hướng đến các đối tượng trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Hoặc cũng có những TikToker với nhận thức chưa đầy đủ, hoặc thậm chí cả những chuyên gia cũng vô tình mắc “bẫy truyền thông bẩn” của nhãn hàng, tiếp tay cho các nội dung xấu độc tràn lan trên thị trường.

Thời gian gần đây, nhiều nhãn hàng bỗng dưng phải hứng chịu hậu quả từ những thông tin sai sự thật của một số TikToker. Thậm chí, có nhãn hàng đã phải kêu cứu và khởi kiện họ lên cơ quan chức năng vì hành vi của họ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhãn hàng, xâm phạm quyền lợi hợp pháp và tác động tiêu cực đến đông đảo người tiêu dùng đang sử dụng sản phẩm.

Tại một cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, đối với phần lớn người dân, mức xử phạt vi phạm hành chính từ 6 đến 8 triệu đồng cho một lần vi phạm là hình thức có tác động lớn. Tuy nhiên, đối với một bộ phận, thì mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe.

Cụ thể, ông Lê Quang Tự Do lấy ví dụ về những người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOLs, những người kinh doanh online… khi dùng chiêu trò tung tin giả để câu view, thu hút sự chú ý để bán được nhiều hàng hóa hơn, thì với mức xử phạt từ 6 đến 8 triệu là không đủ sức răn đe. Qua nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế, đối với bộ phận này, cũng không có mức xử phạt chung nào để có đủ sức răn đe, bởi vì, với những người nhận được hợp đồng quảng cáo trị giá hàng tỷ đồng, thì việc họ có bị mức xử phạt hàng trăm triệu, họ cũng chấp nhận.

Việc thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng của các doanh nghiệp mà còn có thể gây ra tổn thất tài chính lớn. Khi người tiêu dùng bị dẫn dắt bởi các thông tin không đúng, họ có thể từ chối sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của nhãn hàng, dẫn đến doanh thu bị giảm sút. Thậm chí, trong một số trường hợp nghiêm trọng, doanh nghiệp còn phải đối mặt với các vụ kiện tụng pháp lý, gây thiệt hại không nhỏ về mặt tài chính và uy tín.

Ngoài ra, việc xử lý khủng hoảng truyền thông cũng trở nên phức tạp hơn trong thời đại mạng xã hội. Một khi thông tin sai sự thật đã lan truyền, việc kiểm soát và sửa chữa nó đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Các doanh nghiệp phải đầu tư vào các chiến lược truyền thông, quan hệ công chúng để lấy lại lòng tin từ khách hàng.

Trước tình trạng này, các doanh nghiệp cần có chiến lược bảo vệ danh tiếng của mình trên mạng xã hội. Việc hợp tác với các KOL và TikToker cần phải được quản lý chặt chẽ, đảm bảo rằng những người này hiểu rõ trách nhiệm của mình và cung cấp thông tin chính xác cho cộng đồng.

Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội như TikTok cũng cần có những chính sách nghiêm ngặt hơn để kiểm soát nội dung, ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai lệch. Đặc biệt, cần có các biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với những tài khoản vi phạm, nhằm đảm bảo một môi trường truyền thông lành mạnh và tin cậy.

Phong Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/tiktoker-dang-tai-thong-tin-sai-su-that-moi-de-doa-ngam-cho-cac-doanh-nghiep-i741879/