TikToker gây phẫn nộ vì dội nước bẩn lên người, cho bé 7 tháng tuổi ăn gà cay để xin tiền
Lợi dụng lòng hảo tâm của người dùng mạng xã hội, một số TikToker lớn tuổi tại Indonesia đã thể hiện sự khổ sở, thiếu thốn của mình trên video livestream và thực hiện những hành động kỳ dị nhằm thu các món quà ảo để đổi ra tiền thật. Việc này được coi là hình thức 'ăn xin online', đang khiến công chúng Indonesia vô cùng bức xúc.
Trong thời đại mà hầu như hoạt động nào cũng có thể được thực hiện online thì giờ đây, việc ăn xin cũng vậy. Theo trang South China Morning Post, đã xuất hiện một số người "ăn xin trực tuyến" ở Indonesia: Họ có ngoại hình khổ sở, thực hiện những hành động kỳ dị - được cho là theo yêu cầu của khán giả - để nhận quà qua tính năng tặng quà trên TikTok.
Cụ thể, khi xem livestream của các tài khoản có từ 1.000 người theo dõi trở lên, người xem có thể gửi tặng chủ kênh các món quà ảo để đổi thành tiền mặt. Và thế là xảy ra hiện tượng một số người ở Indonesia - thường là phụ nữ lớn tuổi - livestream bản thân trong bộ dạng nghèo khổ, lấy nước sông bẩn đổ lên người trong hàng giờ liền, còn khán giả thì tặng quà để giúp đỡ. Việc này khiến nhiều người thắc mắc là những phụ nữ đó tự nguyện hay bị ai đó ép buộc làm như vậy để kiếm tiền.
Một số video livestream này được phát ở tài khoản TikTok mang tên Sultan Akhyar (hiện đã bị xóa). Người này cho biết, ban đầu, ông cùng bạn bè làm mấy video "tắm bùn" để kiếm thêm thu nhập từ người theo dõi trên TikTok. Sau đó, những người hàng xóm của Sultan đã đề nghị được tham gia để kiếm tiền và thế là mấy bà bắt đầu livestream những video đổ nước bẩn lên người như trên. Bà Raimin, một trong số hàng xóm của Sultan cho biết bà đã livestream 5 lần, kiếm được 2 triệu rupiah (khoảng 3 triệu đồng) mỗi lần.
Một kiểu "xin tiền online" gây phẫn nộ khác là của một phụ nữ ở South Sulawesi (Indonesia): Cô này kiếm quà bằng cách livestream cảnh mình cho đứa con 7 tháng tuổi uống cà phê hòa tan thay vì sữa, rồi cho bé ăn cơm chiên và gà cay... Tuy cô ta khai với cảnh sát rằng chỉ giả vờ cho con ăn uống như thế để quay video, nhưng các video của cô vẫn bị gỡ.
Những video như trên bị phản đối dữ dội ở Indonesia, quốc gia có lượng người dùng TikTok cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Hiện các video này đã bị gỡ bỏ theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Tin học Indonesia. Ngoài ra, các nhà chức trách Indonesia nhắc người dùng mạng xã hội rằng, mặc dù về cơ bản là ai cũng muốn giúp người khác, nhưng nên giúp đúng người đúng chỗ; với những người "ăn xin online" như trên thì không nên tặng quà qua mạng, vì như vậy càng khiến nhiều người tiếp tục làm "trò lố" để xin xỏ mà thôi.