'Tìm bạn mới' cho nghề khảo cổ
Khảo cổ học đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu và giữ gìn những giá trị cốt lõi của dân tộc. Để góp phần mang khảo cổ đến gần mọi người, đặc biệt là giới trẻ, tài khoản 'Nghĩa Khảo Cổ' trên TikTok đã thực hiện một loạt video mang tên Nhật ký khảo cổ học.
Câu chuyện của đam mê
Chủ tài khoản “Nghĩa Khảo Cổ” là anh Đỗ Minh Nghĩa, sinh năm 1994, hiện công tác tại Viện Bảo tồn di tích, Bộ VH-TT-DL, đồng thời là hội viên Hội Khảo cổ học Việt Nam. Trước đó, anh Nghĩa tốt nghiệp chuyên ngành Khảo cổ học Trường Đại học KHXH-NV - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tiếp đó, anh Nghĩa tiếp tục học lên Thạc sĩ chuyên ngành Khảo cổ học dưới sự tài trợ của Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (ERC) trong dự án Vietmaica, nghiên cứu về lịch sử và số hóa văn bia Hán Nôm Việt Nam.
Kể từ khi ra trường, công việc của anh Nghĩa tập trung vào khai quật khảo cổ, đồng thời nghiên cứu kiến trúc cổ, bảo tồn di tích, xây dựng hồ sơ xếp hạng và số hóa các di tích. Trong năm 2017, nhóm khảo cổ của anh Nghĩa đã khai quật được Thống gốm hoa nâu An Sinh. Thống gốm này sau đó đã được xếp hạng là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25-12-2021 (đợt 10, năm 2021).
Chia sẻ về lý do chọn dấn thân vào ngành học đầy thử thách này, anh Nghĩa cho biết, anh có đam mê đặc biệt với những giá trị xưa cũ và những câu chuyện thuộc về quá khứ. Vì thế, kể từ lần đầu được tiếp xúc thực tế với ngành trong chuyến khai quật ở di chỉ Khu Đường (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), sự tò mò và phấn khích đã trở thành đòn bẩy cho anh quyết tâm theo nghề. Nhờ những chuyến thực địa đầu tiên, anh Nghĩa hiểu rằng khảo cổ học không chỉ là sách vở, hay thư tịch cổ, mà còn đòi hỏi kiến thức đa lĩnh vực. Hơn hết, với tính chất khắc nghiệt của nghề, nhà khảo cổ buộc phải trui rèn sự kiên nhẫn và sức khỏe thể chất để có thể làm việc trong những điều kiện thiếu thốn.
Trong khuôn khổ rộng lớn của đa dạng các ngành khảo cổ, anh Nghĩa chọn nghiên cứu chuyên sâu về khảo cổ học lịch sử miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là các loại hình di tích như chùa, tháp, đình, đền, miếu… Ở những nơi đó thường có văn bia Hán Nôm ghi chép về tên địa danh, tên người cung tiến tài sản, sự tích nhân vật được thờ, lịch sử trùng tu di tích, hay các sinh hoạt làng xã khác. Anh Nghĩa chia sẻ: “Nhờ văn bia mà chúng ta có thêm thông tin về địa danh thời phong kiến, hay tên gọi của các di vật, các hạng mục công trình, các cấu kiện trong kiến trúc cổ. Vì thế, tôi chọn nghiên cứu văn bia Hán Nôm vì đó là một trong những thư tịch quan trọng trong nghiên cứu khảo cổ học lịch sử”.
Để khảo cổ không còn xa lạ
Từ tháng 4 năm 2023, tài khoản “Nghĩa Khảo Cổ” trên TikTok bắt đầu xuất hiện những video ngắn có tựa đề Nhật ký khảo cổ học, ghi lại một phần quá trình khai quật và tìm hiểu các di tích của anh Nghĩa. Chia sẻ về lý do xây dựng kênh, anh Nghĩa nói: “Mục đích ban đầu chỉ là để ghi lại những kỷ niệm qua các chuyến đi thực tế. Vừa để lưu lại tư liệu làm việc, vừa là một cách để những người thân, bạn bè biết được công việc của tôi. Chính vì vậy nội dung thường ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và đặc biệt là mang đậm tính thực tiễn”.
Có lẽ vì nội dung chân thật, thể hiện quá trình khảo cổ một cách tự nhiên nhất, nên loạt video của anh Nghĩa đã chạm đến cảm xúc của người xem. “Qua những video của Nghĩa, tôi mới hiểu được quá trình khai quật các di tích khó khăn và thử thách đến mức nào. Tôi cũng nhận ra được giá trị của nghề này. Những di tích Nghĩa khai quật vừa quen thuộc, vừa mới lạ, giúp tôi học được thêm rất nhiều điều”, sinh viên Hồng Ngọc (22 tuổi), Trường Đại học Văn hóa TPHCM, chia sẻ.
Sau hơn 100 tập Nhật ký khảo cổ học, nhiều bạn trẻ đã chủ động nhắn tin riêng để động viên anh Nghĩa tiếp tục duy trì kênh, trao đổi học thuật và tư vấn về những dự định tương lai. Khi niềm đam mê của bản thân đã trở thành nguồn cảm hứng cho số đông, ngọn lửa yêu nghề và khát khao chia sẻ, lan tỏa tình yêu khảo cổ học của anh Nghĩa lại càng thêm cháy bỏng. Đó là động lực để anh Nghĩa tiếp tục với các dự án chất lượng hơn, đồng thời cho ra đời những nội dung mới lạ xung quanh công việc khảo cổ.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều tổ chức nghiên cứu nước ngoài tiếp cận, cộng tác, nghiên cứu khảo cổ học ở Việt Nam. Điều này góp phần mở ra những cơ hội học hỏi và phát triển nghề nghiệp cho bạn trẻ yêu khảo cổ. Việc tìm hiểu khảo cổ và giá trị văn hóa tuy thầm lặng, nhưng ý nghĩa của nó sẽ luôn vượt thời gian, để lại dấu ấn cho thế hệ mai sau.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tim-ban-moi-cho-nghe-khao-co-post768044.html