Tìm cách cứu cây xanh gãy, đổ

Theo thống kê, tại Hà Nội có hơn 25.000 cây xanh gãy, đổ do bão số 3, trong đó có nhiều cây cổ thụ. Hiện nay, TP Hà Nội đang nỗ lực giải tỏa, phân loại, tìm cách cứu cây theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Theo đó, những cây có thể cứu được thì cố gắng cứu, chăm sóc; những cây không thể cứu mới cưa bỏ. Công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn do trời liên tục mưa nhưng các lực lượng vẫn đang được triển khai tích cực, khẩn trương.

Mặc dù trời vẫn còn mưa nhưng ngày nào bà Vũ Minh Ngọc ở phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm cũng dậy thật sớm để ra cập nhật tình hình khắc phục cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở phía sau đền Bà Kiệu (mặt phố Lò Sũ, quận Hoàn Kiếm) đã bị gió bão quật đổ. Bà Vũ Minh Ngọc cho biết: “Đền Bà Kiệu là ngôi đền cổ có giá trị đặc biệt về lịch sử cũng như tín ngưỡng. Hình ảnh của ngôi đền luôn gắn với hình bóng cây đa cổ thụ có tuổi đời cao nhất nhì ở Hà Nội. Trải qua bao thăng trầm, cây đa này vẫn vững chãi. Vậy mà cơn bão số 3 quét qua cây lại gục ngã, thật xót xa”. TS Nguyễn Doãn Văn, Giám đốc Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội cho biết: “Chúng tôi phối hợp với lực lượng chức năng liên tục cắt gọn, dọn dẹp khu vực quanh cây đa và đền Bà Kiệu. Theo đề nghị của UBND quận Hoàn Kiếm, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội sẽ thực hiện kéo lại cây đa về chỗ cũ nhằm lấy lại cảnh quan vốn có của khu vực này”.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh hỗ trợ cắt tỉa cây gãy, đổ tại phố Phan Đình Phùng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh hỗ trợ cắt tỉa cây gãy, đổ tại phố Phan Đình Phùng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Còn đối với giới trẻ có đam mê chụp ảnh, cây cổ thụ bên cạnh Nhà thờ Lớn Hà Nội và danh thắng ở đây là một trong những địa điểm chụp ảnh đẹp khi Hà Nội vào thu, vì vậy khi cây bị gãy, đổ, khiến nhiều người rất tiếc nuối. Hiện cây đổ đã được cắt gọn cành. Ông Phan Hoàng Hà, bảo vệ quán cà phê ở số 20 phố Nhà Thờ cho biết: “Cây này đã gắn liền với người dân nơi đây gần 40 năm nên mọi người đều mong muốn cây sẽ được dựng và giữ lại để chăm sóc”.

Những ngày này, khắp phố phường Hà Nội vẫn còn nhiều nơi ngổn ngang cây xanh gãy, đổ. Nhiều nơi, cây xanh ngã, đổ do bão chỉ kịp cắt tỉa qua, đẩy gọn vào ven đường lấy lối đi vì chưa có đủ người và phương tiện thu dọn, đánh chuyển. Chiều 10-9, tại phố Phan Đình Phùng, quận Hoàn Kiếm, phóng viên gặp một số thành viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh được điều động ra Hà Nội để hỗ trợ thu dọn, cắt tỉa các cây xanh gãy, đổ. Họ nằm trong số 48 cán bộ, công nhân chia làm 2 nhóm ra Bắc để hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão tại Hà Nội và Hải Phòng. Các trang thiết bị, dụng cụ làm việc như máy cưa, dây leo... đều do đơn vị chủ động chuẩn bị để linh động làm việc.

Trao đổi với chúng tôi, một thành viên của Công ty cho biết: “Vào chiều tối 9-9, khi vừa hạ cánh, đoàn công tác của chúng tôi đã tiến hành dọn dẹp, xử lý hàng chục cây xanh gãy, đổ trên đường Phan Đình Phùng. Ngày nào công việc cũng kéo dài đến hơn 23 giờ giữa thời tiết mưa lớn. Do số lượng cây gãy, đổ nhiều, có kích thước lớn nên công tác hỗ trợ thu dọn, cắt tỉa sẽ còn mất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn. Chuyến công tác này của tôi không có thời gian cụ thể, đơn vị đi với tinh thần “hết việc mới về”, sẽ hỗ trợ địa phương dọn dẹp thông thoáng đường phố, cắt tỉa các cây xanh gãy, đổ gây nguy hiểm cho người dân, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông trên địa bàn TP Hà Nội”.

Áp dụng kinh nghiệm xử lý cây xanh gãy đổ tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Đặng Ngọc Quý, Phó giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế chia sẻ: “Công ty tôi đã cử 15 nhân viên giàu kinh nghiệm ra Hà Nội hỗ trợ ứng cứu cây xanh. Bên cạnh việc tập trung xử lý cây ở tình trạng nguy hiểm đè vào nhà dân, xe cộ, công trình kiến trúc nhằm bảo đảm an toàn đi lại, sinh hoạt, chúng tôi cũng nhanh chóng ứng cứu nhanh những cây còn khả năng phục hồi để nâng cao cơ hội sinh tồn. Đối với những cây già, mức độ thiệt hại nặng, chúng tôi mới chặt hạ triệt để, trồng dặm cây mới, nhằm tạo cân bằng cảnh quan, môi trường cho đô thị”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Huy Cường, chuyên gia cây xanh thuộc Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam cho biết: “Theo tôi, chủ trương cứu được nhiều cây nhất có thể là hoàn toàn hợp lý và khả thi. Những cây nghiêng, bật gốc, chúng ta chỉ cần tỉa bớt cành, đào lại hố, dựng lên, phun thuốc kích rễ là cây có thể ra rễ, ra cành sớm. Sau cơn bão số 3, trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều cây cổ thụ (đa, si, bồ đề). Đây đều là những cây quý, có giá trị về lịch sử. Những cây này đều có thể dựng trồng lại, do cây rất dễ sống”.

Còn ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: “Đơn vị sẽ cố gắng giữ tối đa cây để trồng lại. Tuy nhiên, những cây này phải bảo đảm đủ các tiêu chuẩn và an toàn. Đối với các cây không đủ tiêu chuẩn sẽ buộc phải chặt hạ. Trên tinh thần khẩn trương khắc phục, chính quyền Thủ đô đã huy động thêm các lực lượng khác như quân sự, công an, thanh niên tình nguyện và cả người dân tham gia dọn dẹp cây gãy, đổ”.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG - VÂN HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tim-cach-cuu-cay-xanh-gay-do-794305