Tìm cách cứu đàn bò rừng lai

Dự án lai bò rừng cấp quốc gia thất bại trong khi người dân địa phương tạo được giống bò F2 mà không cần các nhà khoa học

Sáng 5-10, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đã bàn giao đàn bò tót lai đang nuôi dưỡng tại thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) cho Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận).

Số bò tót lai được bàn giao gồm 3 con bò đực và 1 con cái lai F1 thể trạng bình thường; 2 con đực và 2 con cái lai F1 gầy còm; 2 con cái F1 gầy yếu, suy dinh dưỡng, nghi nhiễm ký sinh trùng; 1 con bò lai F2 đang mang thai thể trạng ổn định. Hai bên đã xác định rõ trách nhiệm, trong đó Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng cam kết đã hoàn tất trách nhiệm về mặt tài chính kể từ ngày 5-10 trở về trước. Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài sản được bàn giao; tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn gien bò tót lai quý hiếm sau khi bàn giao.

Đàn bò rừng lai được bàn giao vào ngày 5-10

Đàn bò rừng lai được bàn giao vào ngày 5-10

Ông Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận, cho biết UBND tỉnh Ninh Thuận và UBND tỉnh Lâm Đồng liên kết đầu tư thực hiện đề tài: "Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót (Bos gaurus) và bò nhà (Bos taurus) tại vùng rừng giáp ranh 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng" giai đoạn 2012-2014 do Vườn Quốc gia Phước Bình và Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng thực hiện. Sau đó, các kết quả nghiên cứu và tài sản của đề tài được triển khai đề tài cấp nhà nước: "Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa" để tiếp tục kế thừa phát triển nghiên cứu sâu và rộng hơn. Tổng kinh phí của dự án là 6,8 tỉ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng, từ tháng 11-2015 đến tháng 10-2018. Dự án kết thúc nhưng không tạo ra được bò lai F2, trong khi người dân ở đây lại lai tạo được 3 bò lai F2.

Để tiếp tục nghiên cứu về giống bò lai, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt "Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gien cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025", trong đó có dự án "Bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gien bò tót lai F1 giai đoạn 2021-2025".

Sau khi UBND tỉnh Ninh Thuận có quyết định phê duyệt "Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gien cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025" sẽ thành lập hội đồng thẩm định thuyết minh và kinh phí; trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt thuyết minh, kinh phí dự án để triển khai thực hiện. Dự kiến, chương trình sẽ hoàn thành trong tháng 12-2020.

Ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình, cho biết đàn bò tót lai là tài sản quý của nhà nước, vì vậy dù khó khăn đến đâu thì đơn vị cũng cố gắng khắc phục để phục hồi sức khỏe cho đàn bò. Về lâu dài, sẽ nuôi dưỡng đàn bò theo mô hình "bán tự nhiên" rộng từ 5-10 ha. "Chức năng của vườn là bảo tồn nguồn gien, như "nguyên liệu nền" tạo điều kiện để các nhà khoa học nghiên cứu, phát triển. Mong các nhà khoa học tiếp tục các công trình nghiên cứu để cho ra thế hệ bò lai F2, F3 bởi trong thực tế, người dân địa phương đã làm được" - ông Vân chia sẻ.

Bài và ảnh: Như Thừa

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tim-cach-cuu-dan-bo-rung-lai-20201005214638975.htm