Tìm cách gỡ khó cho người nuôi tôm hùm

Ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ xuất khẩu tôm hùm qua thị trường Trung Quốc đến 90% sản lượng, song phía bạn đưa ra nhiều quy định khiến xuất khẩu bế tắc, người nuôi tôm điêu đứng

Tại hội nghị về phát triển bền vững nghề nuôi biển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đã đề cập những khó khăn hiện nay của nghề nuôi tôm hùm.

Hàng loạt rào cản

Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết năm 2022, sản lượng tôm hùm nuôi đạt xấp xỉ 3.000 tấn. Năm 2023, sản lượng tôm hùm ước đạt 4.000 tấn. Tôm hùm tập trung chủ yếu tại các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận được xuất khẩu tươi sống. Trong đó, thị trường chủ yếu là Trung Quốc - chiếm từ 75% đến 90%. Tuy nhiên, phía Trung Quốc thời gian gần đây liên tục đưa ra nhiều rào cản cho việc xuất khẩu, khiến ngư dân điêu đứng.

Bà Nguyễn Thị Ánh Quyên - hộ nuôi tôm hùm 36 năm tại tỉnh Khánh Hòa - rơm rớm nước mắt, cho biết: "Kể cả khi đại dịch COVID-19 thì chưa bao giờ ngành nuôi tôm hùm lại bế tắc như lúc này. Vì quá nhiều rào cản quy định, kỹ thuật khiến ngư dân loay hoay, từ việc kiểm dịch khi nhập khẩu tôm giống quá lâu khiến tôm giống dễ chết, khó phát triển đến các quy định xuất khẩu ngay cả khi đi tiểu ngạch".

Người nuôi lo lắng khi tôm bị tồn đọng do chưa thể xuất khẩu

Người nuôi lo lắng khi tôm bị tồn đọng do chưa thể xuất khẩu

Ông Võ Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản - Du lịch Vân Phong, cho biết hợp tác xã có 32 xã viên, đang tồn đọng gần 100 tấn tôm hùm thịt do chưa đáp ứng được giấy tờ, truy xuất nguồn gốc. Điều này gây khó cho xã viên trong thanh toán tiền đầu tư. "Chúng tôi đề xuất các đơn vị liên quan làm việc với phía Trung Quốc để có thể sớm hoàn thiện được giấy tờ thủ tục" - ông Thái đề nghị.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam, cho biết theo Quy định 248 và 249, phía Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp phải thiết lập hệ thống quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ quy định về nhãn mác, tên hàng hóa, tên khoa học phải cung cấp thêm thông tin về phương thức sản xuất, khu vực sản xuất, địa chỉ cụ thể vùng nuôi…

Mới đây, ngày 10-11, Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật - Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) tiếp tục thông báo: Tôm hùm bông là loài thủy sản nằm trong danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ, do đó phía Trung Quốc yêu cầu xuất khẩu tôm hùm bông phải thực hiện đăng ký theo biểu mẫu mới để tiến hành rà soát và tổ chức kiểm tra trực tuyến hoặc trực tiếp đối với cơ sở nuôi trước khi công nhận danh sách được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, tôm hùm bông nuôi phải đáp ứng 2 yêu cầu: Thứ nhất, không được đánh bắt trực tiếp từ biển và phải có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng; thứ hai, tôm hùm không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên và con giống phải là thế hệ F2.

Giải pháp nào?

Bà Vương Thị Oanh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, cho rằng phía Trung Quốc chỉ mới áp dụng truy xuất nguồn gốc từ tháng 5 vừa qua, do đó cần thúc đẩy đàm phán để tiếp tục xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần kết nối thúc đẩy thị trường mới và tiêu thụ nội địa, lượng tôm tiêu thụ ở trong nước cũng rất nhiều.

Về nguồn gốc tôm giống, nhu cầu hằng năm ước 45 - 50 triệu con tôm giống đưa vào nuôi và phụ thuộc nhiều vào nguồn tôm nhập khẩu từ Indonesia, Philippines… Theo ông Võ Văn Gia, Viện phó Viện Nuôi trồng thủy sản 3, viện đã tạo ra ấu trùng tôm hùm bông đến giai đoạn 9. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, hiện nay khi đến giai đoạn 10, có nhiều ấu trùng chết. Để trở thành con giống tôm hùm bông thương phẩm, ấu trùng sẽ phải đến giai đoạn 12.

Ông Lê Bền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng với những yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu, giải pháp là phải xây dựng các cụm công nghiệp nuôi trồng trên biển, tạo tiền đề cho nuôi biển xa bờ. Qua đó, giải quyết được vấn đề môi trường, đầu tư ban đầu cho các hộ nuôi nhỏ lẻ. Để thực hiện được giải pháp này, cần xử lý được vấn đề gốc rễ là giao diện tích mặt nước.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế về nuôi biển. Từ nay đến năm 2030, việc nuôi biển đang phấn đấu đạt sản lượng 1,45 triệu tấn. Tuy nhiên, nếu không kịp thời tháo gỡ những khó khăn, thách thức đã nhận diện được thì những tiềm năng, lợi thế đó sẽ không thể phát huy hết.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi biển. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng quy hoạch, quy định giao mặt nước biển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân an tâm đầu tư phát triển; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tập trung nâng cao năng lực, chất lượng con giống, quy trình nuôi, chế độ dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh…

Xuất khẩu tôm hùm giảm 46%

Hiện nay, Việt Nam có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm vào thị trường Trung Quốc (trong tổng số 57 cơ sở bao gói thủy sản sống được xuất khẩu sang thị trường này). Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD, giảm hơn 46% so với cùng kỳ năm 2022.

Bài và ảnh: KỲ NAM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/tim-cach-go-kho-cho-nguoi-nuoi-tom-hum-20231129221310338.htm