Tìm cách thích nghi với học trực tuyến

Thiếu thiết bị, đường truyền yếu, phần mềm chưa phù hợp… là ba trong số nhiều nguyên nhân đang kéo giảm chất lượng dạy-học trực tuyến. Tuy nghiên, theo các chuyên gia, không thể mãi coi học trên internet là giải pháp tạm thời mùa dịch, mà phải chuyển nó thành xu thế để tìm mọi cách thích nghi, làm cho tốt hơn mỗi ngày.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) trong một giờ dạy trực tuyến cho học sinh. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) trong một giờ dạy trực tuyến cho học sinh. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Chấp nhận thử thách

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT TPHCM, hiện có hơn 5% học sinh các cấp không đảm bảo đủ điều kiện để tham gia học trực tuyến. 62.100 học sinh từ tiểu học đến THPT đang thuộc diện hộ chính sách, khó khăn. Trong đó, có hơn 11.000 học sinh thuộc diện hộ nghèo, hơn 17.000 học sinh thuộc diện hộ cận nghèo và hơn 32.000 học sinh thuộc diện khó khăn khác.

Áp lực của việc dạy-học trực tuyến vô cùng lớn. Ngành GD&ĐT TPHCM đang tập trung nhiều giải pháp để kịp thời hỗ trợ những học sinh khó khăn về trang thiết bị, đường truyền, sách giáo khoa… Cùng với đó là việc bổ sung dạy học trên truyền hình cho học sinh khối 1 và 2 theo nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới. Các trường, đặc biệt là bậc tiểu học, đã và đang bố trí giáo viên thực hiện quay hình tiết học và đăng tải trên website của trường, tạo thêm kho tư liệu để học sinh, phụ huynh tham khảo.

Không riêng gì Việt Nam, khảo sát gần đây từ Kaspersky cho thấy, 55% trẻ em trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì đại dịch COVID-19. Có tới 74% trẻ không thích nghi được với việc học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình. 57% học sinh thấy bài giảng khó hiểu hơn so với việc học trên lớp.

Theo chuyên gia tư vấn giáo dục Nguyễn Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, thời gian giãn cách kéo dài quá lâu ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, cũng như quá trình chuẩn bị cho việc học trực tuyến tại TPHCM trong năm học này. Môi trường học tập thay đổi hoàn toàn, từ trao đổi qua lại tại lớp đến “một chiều” đã khiến học sinh cảm thấy khó tập trung trong thời gian dài.

Đa phần phụ huynh chưa nghiên cứu kỹ cách sử dụng các phần mềm dạy-học trực tuyến để hướng dẫn, hỗ trợ các con, nên nhiều học sinh còn lóng ngóng, chưa thích nghi với môi trường học tập mới. Đó là chưa kể, con học trực tuyến trong khi cha mẹ vẫn phải làm việc online, sẻ chia trang thiết bị cũng là bài toán khó với nhiều gia đình.

TS. Nguyễn Thanh Hải, Viện Nghiên cứu giáo dục STEM, ĐH Missouri (Mỹ) khẳng định, không chỉ Việt Nam, mà ngay cả Mỹ, khi dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, việc tổ chức dạy-học trực tuyến cũng gặp không ít khó khăn: “Khó khăn lớn nhất là tâm lý của người học. Các em học sinh phải chuyển đổi từ môi trường học bình thường sang học tại nhà, mọi thứ rất khác, vì vậy rất cần thời gian chuẩn bị tâm thế. Cả giáo viên cũng không ngoại lệ. Học sinh, giáo viên cần được hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho sự thay đổi này. Bên cạnh đó, tài liệu dành cho dạy trực tuyến đòi hỏi sự thay đổi, đầu tư rất nhiều so với dạy trực tiếp”.

Từng bước gỡ khó

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, khi dịch bệnh kéo dài, dù muốn hay không, nhà trường, gia đình, học sinh phải tìm cách thích nghi với xu thế học trực tuyến. Để đảm bảo chất lượng cho việc dạy trực tuyến, trước tiên, kho học liệu của các trường và giáo viên phải đủ, đa dạng và bám sát chương trình sách giáo khoa. Khi kho học liệu phong phú, giáo viên sẽ dễ dàng hơn trong việc thiết kế bài giảng. Bản thân giáo viên cũng phải thay đổi cách tổ chức và phương pháp dạy thông qua việc giảm thời gian thuyết trình bài giảng, tăng việc tương tác, bổ sung thêm hình ảnh trực quan, clip, hỗ trợ học sinh liên hệ thực tế và tóm tắt nội dung trọng tâm trong từng phần.

Thế nhưng, theo bà Nguyễn Thị Phương Hoa, sẽ không đi đến đâu nếu thiếu bàn tay của phụ huynh: “Phụ huynh phải đồng hành, nghiên cứu chương trình và bài học của con cùng với giáo viên. Hai bên cùng nhau tìm cách tổ chức việc học thật hứng thú, hiệu quả”.

Một số chuyên gia nhận định, rào cản lớn nhất hiện nay chính là hạ tầng công nghệ và thiết bị để học sinh học trực tuyến trong giai đoạn giãn cách kéo dài. Các phần mềm miễn phí đa phần được thiết kế phục vụ cho nhu cầu hội họp, làm việc nhóm, nên không dễ để trẻ tương tác nếu thiếu sự kèm cặp, hỗ trợ của người lớn. Thời gian học trực tuyến nhiều nơi phân bổ chưa hợp lý khiến trẻ khó tập trung, tiếp thu kiến thức ngay trong tiết học online.

Với nhóm học sinh lớp 1, lớp 2, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc Chương trình tổ chức Teach For Viet Nam cho rằng, các trường và giáo viên cần được giao thêm quyền chủ động để có sự điều chỉnh phù hợp. Và các địa phương có thể triển khai dạy học trực tuyến thì nên duy trì, không nên chuyển sang ưu tiên học qua truyền hình. Lỗi xếp nhiều giờ học live meeting, lỗi sĩ số lớp trực tuyến quá đông, chỉ cần ban giám hiệu “bật đèn xanh”, các giáo viên sẽ điều chỉnh phù hợp. Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, thay vì dạy suốt 2 giờ cho 40 học sinh, giáo viên có thể chia mỗi nhóm 10 học sinh và tổ chức học trong 30 phút. Khi bài giảng được rút gọn thành 30 phút, giáo viên giảng 4 nhóm cùng một bài sẽ bớt mất sức hơn dạy suốt 2 giờ đồng hồ với số lượng học sinh đông gấp 4 lần.

Bà Huyền cũng cho rằng, kiến thức của lớp 1, lớp 2 không nhiều và phức tạp tới mức giáo viên và học sinh phải “vật lộn” cùng nhau 2 giờ mỗi ngày. Như vậy, học sinh nào out mạng ca trước có thể vào ca sau học lại nếu thích. Phụ huynh thay vì phải ngồi cạnh con 2 giờ thì chỉ ngồi cạnh 30 phút cũng đủ để theo dõi việc học.

“Theo tôi không nên tăng việc dạy học trên truyền hình, giảm dạy học trực tuyến ở lớp 1, lớp 2 cho cả những nơi có thể làm trực tuyến. Đừng cào bằng và làm giảm vai trò tự chủ của trường học cùng giáo viên. Trẻ lớp 1, lớp 2 rất cần tương tác với giáo viên và các bạn. Học truyền hình đâu có tương tác được gì, nó là giao tiếp một chiều. Một đứa trẻ 6-7 tuổi coi một giáo viên lạ hoắc giảng bài trên tivi thì không thể có kết nối và đương nhiên không thể chú tâm và nhập tâm vào bài học được”, Giám đốc Chương trình tổ chức Teach For Viet Nam phân tích thêm.

Cùng với sự nỗ lực của các trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh, nhiều chuyên gia cho rằng rất cần sự hỗ trợ đồng bộ của các cấp để từng bước khắc phục khó khăn trong việc tổ chức dạy-học trực tuyến trong bối cảnh hiện nay.

TS. Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, tại Mỹ, từ năm 2020, việc hỗ trợ thiết bị, dụng cụ học tập đã được tổ chức đến tận nhà mỗi học sinh, giúp giải quyết khó khăn cốt lõi. Mỗi học sinh được phát một ipad có cài sẵn một số ứng dụng cụ thể, giới hạn thời gian sử dụng, phục vụ chủ yếu cho việc học trực tuyến. Giáo viên được đến trường/lớp để tổ chức lớp học trực tuyến nhằm giúp học sinh hào hứng hơn. Sau giờ lên lớp trực tuyến buổi sáng, buổi chiều giáo viên dành thời gian để tư vấn tâm lý, giao tiếp qua mạng với học sinh để duy trì kết nối.

Mô hình “Learning Pod” hay “Micro-schools”, tức các nhóm nhỏ học với nhau đã được linh động tổ chức tại Mỹ trong mùa dịch. Mỗi nhóm như vậy sẽ do một giáo viên hoặc sinh viên phụ trách, học sinh học trong không gian đảm bảo chuẩn giãn cách và được hỗ trợ tốt nhất cho việc tiếp thu kiến thức bài học.

Bà Đỗ Hồng Dinh, Giám đốc kinh doanh IoT Tập đoàn Công nghệ Intel cho hay, tại Malaysia, Chính phủ hỗ trợ và triển khai học trực tuyến với các giải pháp đồng bộ. Theo đó, kế hoạch học trực tuyến được thiết kế cho từng lứa tuổi và quốc gia này thống nhất một phần mềm chung cho việc dạy-học trực tuyến trên cả nước. Sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng dạy trực tuyến, giáo viên sẽ là người hướng dẫn lại cho phụ huynh để hai bên cùng kết hợp hỗ trợ học sinh tham gia học trực tuyến theo cách hiệu quả nhất.

Malaysia cũng phân loại thu nhập của phụ huynh để cung cấp thiết bị miễn phí cho học sinh và đưa ra các gói khuyến mãi internet băng thông rộng. Nước này cũng giảm chi phí điện (15%) hàng tháng hỗ trợ người dân.

Từ thực tế triển khai qua các đợt dịch trước, các chuyên gia cho rằng, ngành GD&ĐT TPHCM cũng như các tỉnh thành phố trên cả nước cần có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế, tránh sự thay đổi “cào bằng”.

Việc học tập kinh nghiệm của các quốc gia đi trước cũng vô cùng cần thiết nhằm hạn chế sự thất thoát, tập trung vào những vấn đề cốt lõi giúp duy trì và nâng cao thế mạnh của việc học trực tuyến, một xu thế không thể bỏ qua trong thời đại công nghệ số./.

Gia Mỹ

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/tim-cach-thich-nghi-voi-hoc-truc-tuyen/446659.vgp