Tìm cách thoát cảnh được mùa mất giá
Bất cập lớn nhất của ngành nông nghiệp là khâu chế biến và tổ chức thương mại. Nếu không chế biến sâu, tìm kiếm thị trường thì chuyện được mùa mất giá vẫn liên tục xảy ra
Sáng 6-11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường là người đăng đàn đầu tiên trong 3 ngày Quốc hội (QH) chất vấn thành viên Chính phủ.
Tổ chức sản xuất chuỗi liên kết
Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu (ĐB) Phạm Văn Tuân (Thái Bình), Chau Chắc (An Giang), Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) và Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) nêu thực trạng giá nông sản, vật nuôi thường xuyên rơi vào cảnh bấp bênh. Từ đó các ĐB đề nghị bộ trưởng có giải pháp đột phá tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân dù đã được nâng lên 3,5 lần nhưng so với yêu cầu thì vẫn còn thấp. Sản xuất theo chuỗi ở nông thôn đã được quan tâm nhưng chưa định hình rõ ràng, chưa phổ biến. "Chúng ta phải tháo gỡ những nút thắt về tích tụ ruộng đất, xem tái cơ cấu nông nghiệp thực hiện như thế nào, sử dụng ruộng đất ra sao, đưa khoa học - công nghệ vào đồng ruộng hiệu quả thế nào, liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã giúp nông dân sản xuất hiệu quả" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện rất lớn với 45 triệu tấn lương thực, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, sản lượng nhiều loại cây công nghiệp cao nhất thế giới. Tuy vậy, bất cập nhất là khâu chế biến, thương mại yếu. Nếu không đi vào chế biến thì chuyện thừa và thiếu vẫn liên tục xảy ra. Nền kinh tế thị trường thì không ai dự báo được ngày mai, ngày kia nó là cái gì, giá như thế nào!
Lấy ví dụ ở Tây Nguyên có 5 triệu ha đất, có 5 loại cây công nghiệp chủ lực nhưng giai đoạn trước đây phát triển quá nóng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng cần cơ cấu lại ngành lúa gạo, rà soát lại các cây trồng phát triển quá nóng thời gian qua, như hạt tiêu; tập trung chế biến, tránh dư thừa, giảm diện tích kém hiệu quả, kêu gọi doanh nghiệp liên kết chặt chẽ, tổ chức chế biến trên nguyên tắc lợi thế gì thì ta làm, thị trường gì cần ta làm. "Bây giờ bán hàng mới là quan trọng, tổ chức sản xuất không còn là số 1. Có như vậy chúng ta mới bảo đảm được hiệu quả cho sản xuất bền vững" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Gỡ cho được "thẻ vàng" EU
Nhiều ĐB nêu thực trạng đánh bắt cá trái phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của ngành thủy sản và tiếp tục có nguy cơ cao bị châu Âu trừng phạt thương mại.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết trước đây Việt Nam đã có những sai phạm về đánh bắt và khai báo sai, do đó ngày 23-10-2017, Liên minh châu Âu (EU) phạt "thẻ vàng". Thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất. "Khi anh có nhiều sai phạm không khắc phục được thì rút "thẻ đỏ", có nghĩa là EU không nhập thủy sản nữa". Từ đó đến nay, Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực để khắc phục.
Ngày 6-11, EU cử một phái đoàn kiểm tra sang tiếp tục kiểm tra lần 2. Ông Nguyễn Xuân Cường nhận định việc gỡ "thẻ vàng" EU là một việc không đơn giản và rất khó bởi nước ta có hàng triệu ngư dân, 96.606 tàu, trong đó hơn 2.000 tàu lớn với phạm vi hoạt động rộng. Dù quyết liệt, cố gắng nhưng chuyện này không thể thực hiện được trong một sớm một chiều. "Đã trải qua 2 năm chúng ta muốn xử lý dứt điểm vấn đề này nhưng thật sự rất khó khăn" - Bộ trưởng nói.
Phát biểu giải trình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ĐBQH tại các địa phương, đặc biệt là 28 tỉnh, thành ven biển, hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát ngư dân, cùng với lãnh đạo các địa phương triển khai tốt các giải pháp nhằm sớm gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản, từ đó góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu cho thủy sản Việt Nam. "Đây cũng là trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ NN-PTNT và cá nhân tôi trong cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU" - Phó Thủ tướng bày tỏ.
Hôm nay, 7-11, QH tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Trắng tay vì "tàu 67"
ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) cho biết Nghị định 67 năm 2014 khi triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập khiến nhiều ngư dân tiên phong bỗng chốc trắng tay, nợ nần, gia đình tan nát. "Bộ trưởng có những giải pháp gì để hỗ trợ những ngư dân tiên phong với Nghị định 67 hiện đang là những con nợ xấu?" - ông Lê Công Nhường nêu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng Nghị định 67 ban hành năm 2014 trong bối cảnh cần hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích ngư dân vươn khơi xa, vừa phát triển kinh tế vừa duy trì an ninh biển. Đến nay đã phát triển được 1.030 phương tiện công suất lớn trên 800 mã lực. Hiện nay, còn 55 "tàu 67" nằm bờ do đánh bắt không hiệu quả. Từ năm 2018 đến nay, đã chuyển đổi sang loại hình hỗ trợ người dân đủ điều kiện khai thác để đóng tàu. Thủ tướng cũng chỉ đạo 28 tỉnh tổng kết Chương trình 67, từ đó đưa ra các chính sách, phương pháp mới thay thế những gì không phù hợp.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tim-cach-thoat-canh-duoc-mua-mat-gia-20191106224044277.htm