Tìm cơ hội đến sân chơi bóng bàn quốc tế

Tháng 9 này thực sự bận rộn với bóng bàn Việt Nam khi nhiều tay vợt tham dự các giải quốc tế thuộc hệ thống thi đấu chuyên nghiệp của Liên đoàn Bóng bàn thế giới từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Cơ hội thi đấu quốc tế rõ ràng là nhiều cho các tay vợt Việt Nam nếu biết huy động nguồn lực xã hội hóa.

Nhộn nhịp thi đấu

Những ngày này, tại Hải Dương đang diễn ra Giải bóng bàn quốc tế Côn Sơn lần thứ hai. Giải đấu do tỉnh Hải Dương tổ chức cũng nhằm tạo cơ hội thi đấu quốc tế cho các VĐV Việt Nam.

Trong đó, 8 địa phương, ngành có phong trào bóng bàn mạnh nhất cả nước hiện nay đều cử VĐV tham dự gồm Hải Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân đội, Công an nhân dân T&T, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Đồng Nai. Quan trọng nhất là giải còn có 4 đoàn quốc tế góp mặt là Quảng Tây, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore. Cả 4 đoàn đều đến từ những nền bóng bàn hàng đầu thế giới cũng như khu vực Đông Nam Á, đủ để các tay vợt Việt Nam có cơ hội nhìn nhận rõ đai đẳng của bản thân trên đấu trường quốc tế.

Giải đấu cũng được coi là cơ hội để góp phần giải bài toán thi đấu quốc tế vốn nan giải bấy lâu nay cho bóng bàn Việt Nam. Đấy là bài toán mà Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam các nhiệm kỳ trước đây đều không giải được do hạn chế trong huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, nhiều lúc phải trông vào nỗ lực từ chính các địa phương, các Liên đoàn Bóng bàn địa phương.

Nhưng nếu chỉ trông vào những giải đấu như giải quốc tế Côn Sơn chắc chắn sẽ không đủ cho các tay vợt Việt Nam có thể khẳng định chỗ đứng trên bảng xếp hạng thế giới cũng như nâng cao trình độ. Bởi tất cả chuyên gia hiện nay đều công nhận rằng, chỉ có thi đấu quốc tế liên tục mới là giải pháp tốt nhất để nâng cao trình độ cho VĐV. Và muốn được như vậy phải có nguồn kinh phí để VĐV đi thi đấu quốc tế. Đến gần đây, đã có những dấu hiệu tích cực về việc góp mặt nhiều hơn tại những sân chơi quốc tế của các tay vợt Việt Nam.

Đầu tháng 9 này, tay vợt nam số 1 Việt Nam Nguyễn Anh Tú là tay vợt Việt Nam đầu tiên trong năm 2024 thi đấu ở hệ thống giải của tổ chức điều hành các giải đấu bóng bàn chuyên nghiệp thế giới (WTT), do Liên đoàn Bóng bàn thế giới thành lập từ năm 2019. Theo đó, Nguyễn Anh Tú dự lượt giải WTT Contender 2024 ở Almaty (Kazakhstan). Giải đấu quy tụ các tay vợt hàng đầu thế giới nên không khó hiểu khi ngay trong lượt trận đầu của nội dung đơn nam, Nguyễn Anh Tú thua 1-3 trước Maciej Kolodziejczyk (Áo). Đáng chú ý, tài trợ và hỗ trợ cho chuyến thi đấu quốc tế này của Nguyễn Anh Tú là một doanh nghiệp (công ty Viet ED).

Trong khi đó, những tay vợt trẻ đang lên của bóng bàn Việt Nam là Nguyễn Như Quỳnh, Đỗ Mạnh Lương cũng sẽ thi đấu 2 lượt giải WTT diễn ra tại Thái Lan, Lào. Riêng tại Lào, ngoài Như Quỳnh, Mạnh Lương, bóng bàn trẻ Việt Nam sẽ có thêm một số tay vợt khác đăng ký tham dự. Kinh phí cho 2 tay vợt Nguyễn Như Quỳnh và Đỗ Mạnh Lương tham dự các giải của WTT- ITTF là do Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam vận động xã hội hóa cũng như nguồn kinh phí từ đơn vị địa phương chủ quản.

Các tay vợt trẻ Việt Nam cần nhiều cơ hội thi đấu quốc tế. Ảnh: VTTF.

Các tay vợt trẻ Việt Nam cần nhiều cơ hội thi đấu quốc tế. Ảnh: VTTF.

Cần thêm nhiều nguồn lực

Trong khẳng định của mình, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam nhiệm kỳ lần thứ 7 (2024-2029) cũng cho hay, việc huy động nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp để giúp VĐV được đi thi đấu quốc tế liên tục sẽ là ưu tiên trong cả nhiệm kỳ của Liên đoàn.

Thực tế, trước đây, việc đưa VĐV đi tập huấn thi đấu nước ngoài cũng được các địa phương như Hà Nội, Hải Dương thực hiện khá tốt. Đặc biệt, các chương trình tập huấn kết hợp thi đấu dài hạn tại Trung Quốc dành cho các tay vợt bóng bàn Hà Nội đã mang lại hiệu quả đáng kể, cung cấp cho bóng bàn Việt Nam nhiều tay vợt giỏi từ Lê Huy, Nguyễn Nam Hải (nay đang là Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam), Nguyễn Anh Tú... Sau khi Hà Nội không thực hiện các chuyến tập huấn dài hạn kết hợp thi đấu ở nước ngoài vì những vấn đề về cơ chế, thủ tục hành chính cũng là lúc thể thao Hà Nội, trong đó có bóng bàn, hầu như không sản sinh ra được những VĐV thực sự là đầu tàu trong nội dung thi đấu của mình ngay ở cấp độ toàn quốc.

Trong khi đó, nỗ lực khác đưa VĐV đi tập huấn, thi đấu quốc tế (chủ yếu mang tính giao hữu) cũng chỉ đến từ nỗ lực cá nhân của một số HLV, doanh nghiệp như câu chuyện VĐV bóng bàn trẻ quốc gia đi tập huấn tại Trung Quốc cách đây ít năm, hay gần đây có việc một số tay vợt hàng đầu Việt Nam đi Mỹ...

Cho nên, ngay từ lúc này, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cũng đang cố khắc phục điểm yếu này để giúp VĐV có nhiều dịp thi đấu quốc tế nhất có thể. Tất nhiên, nguồn kinh phí vẫn phải đến từ địa phương, ngành quản lý VĐV cùng với gia đình VĐV và đương nhiên là Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam thông qua huy động, kêu gọi doanh nghiệp đồng hành hoặc từ chính kinh phí của Liên đoàn. Nhưng chắc chắn, vai trò của Liên đoàn sẽ phải lớn hơn trước đây rất nhiều trong việc tìm nguồn kinh phí giúp VĐV tập huấn, thi đấu quốc tế.

Cũng phải kể thêm đến những tín hiệu khác gần đây khi đơn vị chủ quản Câu lạc bộ bóng bàn Công an nhân dân T&T đã khẳng định trong thời gian tới sẽ đưa VĐV của CLB đi tập huấn, thi đấu nước ngoài nhiều hơn. Từ đó, giúp khẳng định vị thế hàng đầu cả nước cũng như đóng góp nhiều VĐV giỏi cho đội tuyển quốc gia. Đó cũng là điều cần thiết khi thực hiện mục tiêu chung là nâng tầm cho bóng bàn Việt Nam.

Mong có kế hoạch thi đấu dài hạn

Cho đến hết tháng 9/2024, kế hoạch thi đấu quốc tế dự các giải đấu thuộc hệ thống WTT của VĐV Việt Nam đã ổn định. Tuy nhiên, đến cuối năm vẫn chưa có lịch dự các giải đấu khác của hệ thống WTT.

Điều này lại phụ thuộc vào nguồn kinh phí mà Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam huy động được. Nên rất cần đến việc huy động, kêu gọi doanh nghiệp cùng tạo nên nguồn kinh phí bảo đảm cho những VĐV trọng điểm của Việt Nam có thể tính được lịch thi đấu quốc tế trong cả năm thay vì tháng.

Minh Khuê

Minh Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/tim-co-hoi-den-san-choi-bong-ban-quoc-te-i743654/