Tìm cơ hội kinh doanh trong khó khăn

Song hành cùng việc phòng chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp cần thay đổi phương thức kinh doanh để tăng khả năng chống chịu, biến nguy cơ thành cơ hội.

Thói quen tiêu dùng thay đổi, doanh nghiệp chuyển hướng

Chị Phạm Thùy Linh, chủ 3 cửa hàng bán thực phẩm tại Hà Nội cho biết, từ khi có dịch COVID-19, lượng khách đến cửa hàng có ngày chỉ lèo tèo một vài khách. Nắm bắt tâm lý tiêu dùng, chủ cửa hàng này đã đẩy mạnh quảng cáo trên mạng xã hội, website bán hàng trực tuyến như Tiki, Shopee, Lazada... dễ tiếp cận người mua và áp dụng nhiều chương trình khuyến mại như miễn phí ship trong bán kính 3 km, mua 2 tặng 1... Nhờ vậy, cửa hàng vẫn duy trì đơn hàng đều đặn.

Xu hướng mua hàng online đã khiến nhiều cơ sở thay đổi phương thức kinh doanh. Ảnh: ĐL.

Xu hướng mua hàng online đã khiến nhiều cơ sở thay đổi phương thức kinh doanh. Ảnh: ĐL.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, để ứng phó với tình huống xấu nhất, các doanh nghiệp dệt may đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ Ấn Độ, Bangladesh, Braxin... để bù đắp sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc đang bị cấm biên.

Tại thị trường nội địa, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng đã chuyển hướng tập trung sản xuất mặt hàng khẩu trang bằng vải dệt kim kháng khuẩn của Công ty TNHH – MTV Dệt Kim Đông Xuân, kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường, người tiêu dùng...

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nhận định, dịch COVID-19 có tác động tiêu cực đến kinh tế của thế giới và Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế cả năm của Việt Nam phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2020 so với mục tiêu đề ra có thể giảm 0,5 – gần 1 điểm phần trăm tăng trưởng. Do đó, bài toán đặt ra đối với tiểu thương và doanh nghiệp hiện nay là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa giảm thiểu bất lợi cho sản xuất kinh doanh để thích ứng với thị trường.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch hội đồng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, để đảm bảo phát triển bền vững, doanh nghiệp phải tìm ra các chiến lược lâu dài. Đợt dịch bệnh này chính là lời cảnh báo đối với các doanh nghiệp không chịu đa dạng hóa thị trường, lệ thuộc nhiều vào một thị trường là Trung Quốc.

“Các doanh nghiệp Việt Nam lâu nay thường tính ngắn hạn, chỉ tập trung vào một thị trường có lợi là
Trung Quốc, nên khi việc xuất nhập khẩu vào thị trường này gặp khó khăn, các doanh nghiệp rơi ngay vào bế tắc. Do đó, các doanh nghiệp phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường, thay đổi phương thức kinh doanh, không nên “bỏ trứng vào một giỏ”; đồng thời, có các biện pháp nâng cao giá trị sản phẩm, hạn chế sản xuất thô, tìm hướng xuất khẩu chính ngạch... để giảm thiểu thiệt hại khi có rủi ro”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam chia sẻ.

Người dân xếp hàng mua khẩu trang vải kháng khuẩn tại cửa hàng Vinatex, 25 Bà Triệu, Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Người dân xếp hàng mua khẩu trang vải kháng khuẩn tại cửa hàng Vinatex, 25 Bà Triệu, Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Cùng quan điểm, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, mặc dù Việt Nam đã lên nhiều kịch bản để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, nhưng trong bất kể hoàn cảnh nào, doanh nghiệp cũng phải nâng cao năng lực quản trị rủi ro.

“Chiến lược kinh doanh nào cũng phải liệt kê được những loại hình rủi ro và cách thức giải quyết, chứ
không phải chờ đến khi nó xảy ra để bị động. Đây là bài học kinh nghiệm không chỉ từ khống chế dịch bệnh, mà sẽ còn nhiều cú sốc khác nữa, nên quản trị rủi ro phải được đặt lên hàng đầu”, TS
Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, bên cạnh những bất lợi, thì dịch COVID-19 cũng đem đến những cơ hội cho doanh nghiệp, khi Việt Nam có nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao hơn năng lực, đa dạng hóa thị trường, chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật...

Về dài hạn, các bộ, ngành, cũng như doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại thị trường để không phụ thuộc quá vào một thị trường của khu vực, tái cấu trúc lại nguồn nguyên liệu để cho các ngành sản xuất trong nước ổn định hơn, mở rộng nguồn nguyên liệu này, thậm chí sản xuất ngay nguyên liệu từ trong nước.

Tin, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/tim-co-hoi-kinh-doanh-trong-kho-khan-20200227160319132.htm