Tìm cơ hội phát triển điện gió tại tỉnh Kon Tum
Thủ tướng Chính phủ vừa có chuyến khảo sát quy hoạch phát triển điện gió ở vị trí xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum và có những chỉ đạo sát sao về việc nghiên cứu, phát triển các dự án điện gió tại tỉnh Kon Tum.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các đơn vị nghiên cứu khả thi phát triển điện gió
Ngày 19/8, thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã khảo sát quy hoạch phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh Kon Tum tại vị trí ở xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy.
Khảo sát khu vực quy hoạch phát triển điện gió, Thủ tướng giao tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát nghiên cứu tính nghiên khả thi của dự án và các vấn đề liên quan trên tinh thần đảm bảo đồng bộ giữa phát triển nguồn, lưới điện, đảm bảo các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối, sử dụng, giá điện để tìm giải pháp tối ưu nhất; triển khai các thủ tục theo quy định, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan và tỉnh Kon Tum tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng; phương án đầu tư phát triển điện gió khả thi; phù hợp với Quy hoạch chung của cả vùng và cả nước; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Tại tỉnh Kon Tum, trong thời gian vừa qua, EVN đã đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu sinh hoạt nhân dân. Giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng điện thương phẩm bình quân đạt 8,18%/năm. Các đơn vị trực thuộc EVN là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã đầu tư phát triển rộng hệ thống lưới truyền tải, phân phối trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Kon Tum được cấp điện từ TBA 220kV Kon Tum (2x125MVA) và 7 trạm biến áp 110kV với tổng dung lượng 304MVA. Trên địa bàn tỉnh còn có Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Ialy, NMTĐ Pleikrong, NMTĐ Thượng Kon Tum và Nhà máy Điện mặt trời Sê San 4 do EVN đầu tư và các nhà máy thủy điện nhỏ khác.
Theo thông tin của Sở Công Thương, toàn tỉnh KonTum hiện có 4 dự án điện gió và mặt trời; trong đó, có 2 dự án điện gió và 2 dự án điện mặt trời.
2 Dự án nhà máy điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch phát triển điện lực VII điều chỉnh với tổng công suất 153,5 MW vào tháng 6/2020 bao gồm: Dự án nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật - Đăk Glei (có công suất 50MW) và Dự án nhà máy điện gió Kon Plông (có công suất 103,5MW).
Cả 2 dự án này đều chưa đưa vào vận hành thương mại (Dự án Nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật-Đăk Glei đã hoàn thành công tác xây dựng, hiện đang hoàn thiện các thủ tục về đất đai; Dự án nhà máy điện gió Kon Plông đang trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng).
Được biết, 2 dự án nhà máy điện mặt trời được bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 249 MWp, gồm: Dự án điện mặt trời Sê San 4 công suất 49MWp, dự án được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực vào tháng 9 năm 2017 và Dự án KN Ialy Kon Tum, có công suất 200MWp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII vào cuối năm 2020. Trong đó, Dự án điện mặt trời Sê San 4 (tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) đã đưa vào vận hành thương mại vào cuối tháng 11 năm 2020; Dự án KN Ialy Kon Tum đang trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.
Thủ tướng khảo sát dự án trọng điểm khác tại Kon Tum, chỉ đạo các việc liên quan
Trong ngày 19/8, Thủ tướng Chính phủ cũng đã khảo sát thực tế địa điểm dự kiến xây dựng sân bay Măng Đen (huyện Kon PLông), nghe báo cáo về việc lập quy hoạch sân bay này, hướng tuyến cao tốc Kon Tum - Quảng Ngãi, định hướng lập quy hoạch, phát triển Khu du lịch quốc gia Măng Đen…
Ngày 20/8, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Tỉnh ủy Kon Tum về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, và các vấn đề khác.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, để Kon Tum nói chung và Măng Đen nói riêng phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, phát triển xanh, thoát nghèo; đồng thời triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phải chú trọng tầm quan trọng của công tác quy hoạch; phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, bám sát thực tế, khả thi, không phá vỡ quy hoạch. Cùng với quy hoạch là tầm quan trọng của hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế và các hạ tầng xã hội khác.
Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn lực tại chỗ là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, gồm con người tại chỗ, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử; đồng thời đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội. Tỉnh Kon Tum chủ động triển khai thực hiện, phát huy tinh thần tự lực, tự cường để vươn lên mạnh mẽ; lập tổ công tác, phân công 1 đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách về việc phát triển Măng Đen.
Nguồn: https://www.kontum.gov.vn/; EVN