Tim Cook giữ một 'cẩm nang' đặc biệt về ông Trump
Sau khi Trump tái đắc cử, nhiều CEO muốn học theo chiến lược tiếp cận Tim Cook vị tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên. Nhưng không phải ai cũng áp dụng được.
Suốt nhiều năm, qua những bữa tối được dàn dựng khéo léo và các cuộc họp cá nhân, CEO Apple Tim Cook đã làm được điều mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác không thể: xây dựng mối quan hệ cá nhân với Donald Trump.
Wall Street Journal đánh giá thành công này là kết quả của một chiến lược khôn ngoan, tập trung vào các lợi ích chung giữa Apple và các ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông Trump.
Hiện nay, khi nội các mới của ông Trump đang thành hình và các vòng quyền lực mới dần lộ diện tại Washington, các CEO từ khắp các lĩnh vực kinh tế đang chạy đua để tạo dựng mối quan hệ với chính quyền mới. Nhiều người hy vọng có thể học hỏi từ “cuốn cẩm nang” mà Cook đã viết ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Chiến lược 1-1 của Tim Cook
Vào nhiệm kỳ đầu của ông Trump, CEO Apple đã tiên phong một cách tiếp cận độc đáo để giao thiệp với tổng thống. Thay vì gửi các giám đốc phụ trách quan hệ chính phủ hoặc thuê các nhà vận động hành lang, Cook trực tiếp tiếp cận Trump thông qua các cuộc gọi điện thoại và bữa ăn riêng. Chiến lược của ông là tập trung vào một vấn đề cụ thể trong mỗi cuộc gặp, giúp các cuộc thảo luận tránh lan man và đi vào trọng tâm.
Năm 2017, khi Trump đang chuẩn bị kế hoạch cắt giảm thuế, Cook cam kết rằng Apple sẽ tăng cường đầu tư vào Mỹ nếu được phép chuyển 250 tỷ USD tiền mặt ở nước ngoài về nước với mức thuế suất ưu đãi. Sau đó, Trump đã viện dẫn cam kết của Apple làm ví dụ khi quảng bá kế hoạch cắt giảm thuế của mình.
Đến năm 2019, Apple đối mặt với nguy cơ phải chịu mức thuế 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Cook đã đích thân thuyết phục ông Trump. Ông giải thích rằng thuế quan sẽ đẩy giá iPhone lên cao và tạo lợi thế cho các đối thủ nước ngoài như Samsung.
Vài ngày sau, chính quyền Trump thông báo sẽ giảm quy mô kế hoạch áp thuế, bao gồm cả việc miễn trừ cho các thiết bị điện tử như iPhone. Đổi lại, Apple đã giữ lại kế hoạch sản xuất dòng máy tính Mac Pro tại Austin, Texas, thay vì chuyển sang Trung Quốc như dự tính ban đầu.
Trong năm đó, Trump đã xuất hiện cùng Cook tại nhà máy sản xuất ở Austin. Sau đó, vị tổng thống đăng bài trên X, nói rằng ông đã “khai trương” một nhà máy sản xuất lớn của Apple.
Ông Trump đã nhiều lần công khai ca ngợi Cook vì cách tiếp cận trực tiếp này. “Đó là lý do ông ấy là một CEO xuất sắc, vì ông ấy gọi cho tôi, còn những người khác thì không”, Trump nói vào năm 2019.
Ngay cả trước khi Trump tái đắc cử tổng thống vào năm 2024, Cook đã nối lại mối quan hệ với ông. Trong một tập podcast vào tháng 10, Trump tiết lộ rằng Cook đã gọi điện để bàn về các vấn đề pháp lý ngày càng gia tăng của Apple tại châu Âu. Tiêu biểu nhất là những khoản phạt khổng lồ vì vi phạm luật cạnh tranh của EU. Trump nói rằng ông đã trấn an Cook: “Tôi sẽ không để họ lợi dụng các công ty của chúng ta”.
Khó bắt chước Tim Cook
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể sao chép được “cuốn cẩm nang” của Cook. Là thương hiệu toàn cầu và sức ảnh hưởng mạnh mẽ, Táo khuyết có vị thế đặc biệt mà ít công ty nào sánh được.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận rằng nếu Trump không có sẵn mối quan hệ với một CEO nào, việc gặp gỡ trực tiếp ông hiện nay rất khó khăn. Nếu công ty được nhiều người biết đến, họ sẽ có lợi thế. Đơn cử như những ngày gần đây, CEO Kelly Ortberg của Boeing đã nói chuyện với Trump, thảo luận về các chính sách thương mại và thuế quan.
Theo nguồn tin thân cận, vị CEO là người chủ động tiếp cận trước. Ông đã gọi điện để chúc mừng Trump tái đắc cử. Nhưng Ortberg không có quan hệ cá nhân trước đó với Trump. Vị tổng thống từng chỉ trích Boeing trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Tim Cook không chỉ dựa vào sự giao thiệp trực tiếp mà còn xây dựng quan hệ với các nhân vật trung gian như con rể Jared Kushner và con gái Ivanka Trump. Tuy nhiên, việc hợp tác với một tổng thống gây tranh cãi như Trump cũng mang lại những rủi ro.
Ron Williams, cựu CEO của công ty bảo hiểm y tế Aetna, cảnh báo rằng bất kỳ mối quan hệ nào với chính quyền cũng cần cân nhắc cẩn trọng. “Khi bạn xây dựng mối quan hệ với ai đó, bạn có lợi thế, nhưng điều đó không có nghĩa là nó luôn mang lại điều bạn muốn”, ông nói với Wall Street Journal.
Williams nhận thấy rằng việc trở thành nguồn thông tin và dữ liệu cho các quan chức chính phủ có thể sẽ có ích. Khi điều hành Aetna, ông đã cung cấp bối cảnh thực tế về chính sách y tế cho các quan chức chính phủ, giải thích ý nghĩa của những đề xuất nhằm đơn giản hóa các vấn đề phức tạp.
Do đó, để xây dựng những mối quan hệ như vậy, cần có thời gian và một chiến lược rõ ràng. Williams nhấn mạnh rằng các CEO cần xác định liệu họ nên nhắm đến các cuộc gặp ở cấp nội các hay với các ủy ban tại Hạ viện.
Hiện tại, một số CEO đang xem xét các chiến lược thay thế, như dựa vào các nhóm thương mại hoặc các nhà vận động hành lang có mối liên hệ với vòng tròn quyền lực của Trump. Nhiều công ty cũng đang cân nhắc việc đưa ra các ý tưởng trực tiếp tới “Bộ Hiệu quả Chính phủ” (DOGE). Cơ quan mới thành lập này được lãnh đạo bởi Elon Musk và doanh nhân công nghệ sinh học Vivek Ramaswamy.
Theo Wall Street Journal, không phải CEO nào cũng có thể “một đối một” với Trump như Cook. Là một người ủng hộ thương mại tự do, Chủ tịch FedEx Fred Smith cho biết ông đã nói chuyện “rất lớn tiếng” với Trump về chủ đề toàn cầu hóa và thuế quan.
“Tôi không thể lay chuyển ông ấy. Ông ấy nói rằng nhập khẩu là thâm hụt hoặc thua lỗ và xuất khẩu là có lãi. Nhưng tôi đã chỉ ra vấn đề cho ông ấy thấy và ông ấy rất tử tế. Trump thực sự là một người rất tốt khi gặp mặt trực tiếp”, Smith nói
Nói với Wall Street Journal, Ron Williams cho rằng để xây dựng quan hệ bền vững, cần gặp gỡ nhiều lần và đầu tư thời gian để tạo sự tin tưởng. “Trừ khi bạn là Tim Cook, bạn cần gặp những người này 3-4 lần trước khi họ thực sự biết bạn là ai. Bạn phải đầu tư thời gian vào việc xây dựng các mối quan hệ và câu hỏi đặt ra là bạn làm điều đó ở đâu?”, ông nói.
Về phần Cook, sau chiến thắng bầu cử năm 2024 của Trump, CEO Apple đã công khai chúc mừng và ám chỉ rằng mối quan hệ của họ sẽ tiếp tục. “Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với ông và chính quyền mới”, Cook viết trên mạng xã hội.
Nguồn Znews: https://znews.vn/cuon-cam-nang-lam-viec-voi-trump-cua-tim-cook-post1513491.html