Tim của người hiến tặng mắc COVID-19 có thể sử dụng an toàn để cấy ghép
Dữ liệu từ một nghiên cứu mới đây đã cho thấy tim của những người hiến tặng dương tính với COVID-19 có thể an toàn để cấy ghép như tim của những người không mắc COVID-19.
Bệnh nhân bị suy tim nặng rất cần một trái tim mới để thay thế, nhưng điều này có thể phải trì hoãn do những người hiến tặng tiềm năng có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là dữ liệu từ một nghiên cứu mới đây đã cho thấy tim của những người hiến tặng dương tính với COVID-19 có thể an toàn để cấy ghép như tim của những người không mắc COVID-19.
Cấy ghép an toàn từ tim của người hiến tặng mắc COVID-19
Nghiên cứu mới sẽ được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hội tim mạch Mỹ vào ngày 5-7/11 tại Chicago (Mỹ), đã phân tích các trường hợp được ghép tim trong vòng 30 ngày đầu tiên sau phẫu thuật cấy ghép từ cơ sở dữ liệu cấy ghép tạng của Mỹ. Cơ sở dữ liệu này bao gồm thông tin về tất cả các trường hợp cấy ghép tim ở người trưởng thành Mỹ từ tháng 2/2021 đến tháng 3/2022.
Trong tổng số 3.289 người hiến tim, có 84 người dương tính với COVID-19. Nhóm nghiên cứu nhận thấy, cả 2 nhóm người nhận tạng ghép (từ người hiến tim bị mắc và không mắc COVID-19) đều có tỷ lệ tử vong trong bệnh viện và trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật tương tự nhau. 2 nhóm người nhận tim ghép cũng có tỷ lệ biến chứng như nhau, bao gồm: các biến chứng phổi hoặc thải loại tạng ghép.
Đối với người nhận tim từ người hiến tặng không mắc COVID-19, thời gian nằm viện trung bình là 17 ngày, trong khi thời gian này là 15 ngày đối với những người nhận tim từ người hiến tặng mắc COVID-19.
Tình trạng thải loại tạng ghép xảy ra ở 2,4% người nhận tim từ người hiến tặng dương tính với COVID-19, trong khi tỷ lệ này là 1% ở người nhận tim từ những người hiến tặng không mắc COVID-19.
Khoảng 97% những người nhận tim từ người hiến tặng không mắc COVID-19 còn sống sau cấy ghép, trong khi tỷ lệ này là 96,1% ở người nhận tim từ người hiến tặng mắc COVID-19.
Kết quả cũng cho thấy, trong số 4 bệnh nhân tử vong sau khi nhận tim từ người hiến tặng dương tính với COVID-19, không có ai tử vong do các nguyên nhân hô hấp hoặc nhiễm trùng.
Triển vọng nguồn tim cấy ghép nhưng cần nghiên cứu dài hạn hơn
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi từng nghĩ rằng tử vong do các nguyên nhân liên quan đến hô hấp hoặc phổi sẽ là vấn đề đáng ngại ở những người nhận tim từ người hiến tặng mắc COVID-19. Tuy nhiên, chúng tôi đã không tìm thấy sự khác biệt nào như vậy và trên thực tế, kết quả nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng ban đầu cho thấy tim của người hiến tặng dương tính với COVID-19 có thể sử dụng an toàn như tim của người hiến tặng không mắc COVID-19".
Theo khuyến nghị của Hội Tim mạch Mỹ, việc cấy ghép tim được áp dụng cho những bệnh nhân bị suy tim giai đoạn cuối (giai đoạn D). Ở giai đoạn này, người bệnh khó thở, mệt mỏi và phù nề gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, khiến bệnh nhân phải nhập viện thường xuyên.
Tác giả nghiên cứu Samuel Kim, tại Trường đại học y David Geffen thuộc Đại học California, Los Angeles (Mỹ) cho biết: "Kết quả nghiên cứu mới cho thấy chúng ta có thể đẩy mạnh việc chấp nhận những người hiến tặng dương tính với COVID-19 trong thời điểm nhiều bệnh nhân đang rất cần tim để ghép".
Tại Mỹ, theo thống kê của Hội tim mạch Mỹ, có 1.676 người được ghép tim vào năm 1988, và con số này tăng lên 3.658 người vào năm 2020. Hiện có khoảng hơn 3.400 người Mỹ đang chờ được ghép tim.
Tiến sĩ Eldrin Lewis, chuyên gia cấy ghép tim tại Đại học Stanford ở California (Mỹ), cho biết: "Kết quả nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng cho thấy kết quả tương tự nhau tại thời điểm 30 ngày sau cấy ghép giữa những bệnh nhân nhận tim từ người hiến tặng mắc và không mắc COVID-19, nên nguy cơ tiềm ẩn có vẻ thấp hơn dự đoán".
"Điều này cũng có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu tạng ghép và giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, vì đa phần bệnh nhân suy tim sẽ bị tiến triển nặng hơn trong khi chờ đợi được cấy ghép tim" – Tiến sĩ Lewis nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia: "Vì nhu cầu về ghép tim ngày càng tăng nên tình trạng thiếu tạng ghép có sẵn liên tục diễn ra. Đại dịch COVID-19 đã khiến mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn với tỷ lệ người hiến tặng có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 ngày càng tăng. Một số trung tâm can thiệp đã bắt đầu sử dụng tim của người hiến tặng dương tính với COVID-19 để cấy ghép trong những tháng gần đây và cho những kết quả khả quan".
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, quy mô nghiên cứu mới này vẫn còn nhỏ. Do vậy, cần tiến hành thêm các nghiên cứu dài hạn hơn để đánh giá xem bệnh nhân nhận tim từ những người hiến tặng dương tính với COVID-19 sẽ tiến triển ra sao vào giai đoạn sau 30 ngày phẫu thuật cấy ghép.