Tìm đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực
Cần phát triển sản phẩm mang tính đặc trưng của Sóc Trăng
Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn (tỉnh An Giang) Tạ Minh Sơn cho biết, để làm được sản phẩm đã cực nhưng để bán sản phẩm thì cực gấp bội lần và muốn phát triển sản phẩm bền vững thì cực gấp 100 lần. Vì vậy, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh tỉnh Sóc Trăng cần thay đổi tư duy, hàng hóa phải có xuất xứ nguồn gốc (cơ sở pháp lý), bởi nó là điều kiện để lưu thông hàng hóa, nhất là nhóm thực phẩm được người tiêu dùng quan tâm. Bên cạnh đó, chủ động tích cực tham gia các hội nghị xúc tiến cung cầu, trong đó chú trọng khâu trưng bày sản phẩm phải đạt 3 bước: đảm bảo khách hàng nhìn gian hàng là đạt 30%, chạm tay vào sản phẩm là đạt 50% và hỏi về sản phẩm là đạt 100%, chứng tỏ khách hàng đã quan tâm đến sản phẩm của mình. Đặc biệt, tận dụng lợi thế mang tính đặc trưng riêng của địa phương để phát triển dòng sản phẩm gần nhau, tạo lợi thế riêng trên thị trường, tiềm thức người tiêu dùng. Xây dựng, phát triển bao bì sản phẩm cũng phải mang nét riêng của tỉnh, đảm bảo người tiêu dùng nhìn thấy là biết của Sóc Trăng.
Vì vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh nên quan tâm thiết kế bao bì độc đáo về hình ảnh, màu sắc để tạo nét riêng, đặc sắc cho sản phẩm của mình. Ngoài ra, để sản phẩm có thị trường tiêu thị ổn định thì doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh phải làm tốt công tác tiếp thị, nhìn thấu người tiêu dùng muốn gì để đi theo họ chứ đừng bao giờ bắt họ đi theo những gì mình muốn, nếu làm như thế thì sản phẩm sẽ mãi mãi không phát triển bền vững.
Tăng cường liên kết, kết nối từ sản xuất - phân phối đến người tiêu dùng
Đại diện lãnh đạo Saigon Co.op, đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ Co.opmart, ông Trần Trung Hiếu - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng cho rằng, để tăng cường liên kết, kết nối từ sản xuất - phân phối đến người tiêu dùng, cần đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của Sóc Trăng lên sàn thương mại điện tử của tỉnh, thành phố, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh và trong cả nước trao đổi, mua bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Đối với ngành Công Thương cần làm tốt vai trò “Kết nối, dẫn dắt” thông qua tổ chức các chương trình kết nối, tăng cường xúc tiến thương mại, truyền thông và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giao lưu, phát triển thị trường tại các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước, qua đó có những điều chỉnh kịp thời về cơ cấu và năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, triển khai các hoạt động hỗ trợ nhận thức về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hàng hóa đến với doanh nghiệp, nhằm đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm tuân thủ quy chuẩn, chất lượng tốt nhất, an toàn nhất. Riêng đối với doanh nghiệp mới khởi nghiệp, doanh nghiệp mới trong phát triển sản phẩm cần đáp ứng tiêu chí về chất lượng, mẫu mã, giá cả và năng lực cung ứng. Quan tâm đến công tác nghiên cứu thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, giám sát, kế hoạch kiểm tra định kỳ, tem nhãn có đúng quy định không; hình ảnh sản phẩm…
Ngoài ra, ông Hiếu chia sẻ thêm về điều kiện để đưa hàng vào hệ thống siêu thị Co.opmart của Saigon Co.op là cần có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, các kết quả kiểm nghiệm định kỳ, hồ sơ công bố chất lượng, mẫu nhãn sản phẩm, nguồn gốc nguyên liệu và một số hồ sơ có liên quan khác… cùng với đó là các điều kiện sản xuất, như: cơ sở sản xuất, vùng trồng, trang thiết bị, con người. Siêu thị Co.opmart ưu tiên chọn của những nơi cung cấp có chứng nhận GlobalGAP, VietGAP, hàng Việt Nam chất lượng cao, OCOP… nên các sản phẩm của Sóc Trăng có cơ hội rất lớn nếu đáp ứng các yêu cầu trên.
Hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân xây dựng thương hiệu nông sản
Chia sẻ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân xây dựng thương hiệu nông sản trong cả nước, trong đó có tỉnh Sóc Trăng, bà Bùi Hoàng Yến - Phụ trách Tổ công tác phía Nam - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học, tổ chức đào tạo… nâng cao nhận thức của nông dân, xã viên hợp tác xã, chủ doanh nghiệp và cả công chức, viên chức trong hệ thống chính trị về vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu đối với giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ nói chung và nông sản nói riêng. Phối hợp với các bộ, ngành, cơ sở nghiên cứu đào tạo trong nước và các tổ chức chuyên ngành quốc tế xây dựng và triển khai một cách hiệu quả các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực về xây dựng, quản trị và phát triển giá trị thương hiệu cho nông sản Việt Nam phù hợp với từng ngành hàng, từng đối tượng hưởng lợi và cho từng khu vực thị trường cụ thể. Xây dựng các chiến dịch quảng bá phù hợp với từng ngành hàng, cho từng khu vực thị trường cụ thể với thời gian xác định. Và để triển khai được các giải pháp này, bà Bùi Hoàng Yến cho biết, cần đầu tư nguồn ngân sách và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để cùng thực hiện.
Qua các ý kiến của các chuyên gia, đầu mối tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trong tỉnh sẽ có “định hướng” riêng cho mình trong sản xuất, phát triển và tiêu thụ sản phẩm hướng tới cùng với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của ngành Công Thương. Tin rằng, các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh Sóc Trăng sẽ có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững, được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng.