Tìm điểm cân bằng

Dự kiến ngày 24.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 25 và sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Một vấn đề được quan tâm trong quá trình thảo luận về dự Luật này trong thời gian qua đó là có nên mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu (DC), điện toán đám mây (Cloud) hay không?

Năm 2020 - 2021, thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam mới đạt khoảng 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển các dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây do nhu cầu ngày càng tăng của doanh nghiệp cùng với sự phát triển của nền kinh tế số.

Theo dự báo của nhiều nhà chiến lược, đến năm 2025, thị trường điện toán đám mây sẽ lớn hơn thị trường viễn thông, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Các tổ chức nghiên cứu chuyên sâu nước ngoài đều đưa ra các dự báo tiềm năng của thị trường điện toán đám mây tại nước ta sẽ đạt 400 - 700 triệu USD vào năm 2025. Nhu cầu dữ liệu gia tăng sẽ kéo theo cơ hội cho trung tâm dữ liệu. Hiện cả nước có khoảng hơn 30 trung tâm dữ liệu do hơn một chục doanh nghiệp nội ngoại, liên doanh đầu tư cung cấp dịch vụ.

Trên thế giới và trong khu vực châu Á, dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây được đánh giá là hai dịch vụ thiết yếu của nền kinh tế số và được các nước quan tâm xây dựng định hướng, chiến lược phát triển. Hiện tại, châu Á - Thái Bình Dương đang có 3 digital hub (nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và trên toàn cầu) là Hong Kong (Trung Quốc), Singapore và Nhật Bản. Các quốc gia này đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư và phát triển trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây.

Một số nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế trong quản lý dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu cho thấy, hầu hết các nước chưa có quy định riêng cho hai loại dịch vụ này mà chỉ quản lý theo khuôn khổ chung của các luật hiện có về truyền thông, thông tin điện tử hoặc giao dịch điện tử.

Đối với các nước đã có quy định quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây thì thường theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế. Các tiêu chuẩn kỹ thuật được đưa ra cũng chỉ tập trung vào khía cạnh an toàn dữ liệu của người dùng. Theo rà soát, hiện nay chỉ có Thái Lan, Ai Cập, Trung Quốc quy định trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây là dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, Thái Lan và Ai Cập cũng không có quy định về hạn chế dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây xuyên biên giới hay về sở hữu vốn đầu tư nước ngoài.

Để phát triển kinh tế số và tăng tính cạnh tranh của thị trường, Việt Nam cần có những chính sách phù hợp và quy định rõ ràng để huy động và khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây. Theo đó, cần đưa hai dịch vụ thiết yếu này vào dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) nhưng nên ở mức độ phù hợp, bảo đảm khuyến khích phát triển công nghệ viễn thông và không ảnh hưởng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, cần quy định cụ thể, rõ ràng về cấp độ quản lý, điều kiện quản lý các dịch vụ này. Nếu không, sẽ làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư vào các dịch vụ lưu trữ dữ liệu và ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp dữ liệu số nói riêng và của cả ngành kinh tế số nói chung.

Nói cách khác, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) cần mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây nhưng quy định phải có độ mở và linh hoạt. Tìm ra điểm cân bằng này là việc phải làm cho được trước khi dự thảo Luật được xem xét thông qua trong Kỳ họp của Quốc hội vào tháng 10 tới.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/tim-diem-can-bang-i340725/