Tìm 'đỏ mắt' không mua được một con dao cắt khoai tây: nút thắt hay thế mạnh của Việt Nam?
Chỉ cần một thiết bị nhỏ bé đeo ở đầu ngón tay nhưng vô cùng hữu ích, đã giúp người chế biến ớt không bị rát tay. Chia sẻ một câu chuyện thú vị về công nghệ của người Trung Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan muốn gợi mở để các nhà khoa học Việt Nam cũng có thể nghiên cứu và phát triển những công nghệ tương tự, giúp nông dân giải phóng sức lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Diễn đàn “Kết nối sản phẩm khoa học công nghệ nông nghiệp với doanh nghiệp, HTX, người dân” tổ chức tại Hà Nội ngày 10/7 đã trở thành nơi hội tụ của những tấm lòng nhiệt huyết với nông nghiệp Việt Nam. Từ những câu chuyện đầy cảm hứng, nhiều ý tưởng sáng tạo sẽ được phát triển và ứng dụng để giúp nông dân Việt Nam không chỉ sống tốt trên đồng ruộng của mình mà còn tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Khoa học giúp nông dân giải phóng sức lao động
Ông Hà Ngọc Trọng, Giám đốc một công ty chế biến nông sản ở Vĩnh Phúc, kể về câu chuyện củ khoai tây nhập khẩu vào Việt Nam, có giá không dưới 50.000 đồng/kg và đều được sử dụng rộng rãi trong chế biến các món ăn tại nhà hàng, khách sạn và một số món ăn nhanh. Nhưng khoai tây trồng ở Việt Nam hiện chỉ dùng để nấu ăn trong các bữa ăn gia đình với giá cao nhất bán trên thị trường khoảng 25.000 đồng/kg.
Hay như việc doanh nghiệp phải tìm "đỏ mắt" trong Nam, ngoài Bắc nhưng không thể mua được một con dao cắt khoai tây đạt chuẩn để đáp ứng đơn đặt hàng khắt khe từ Hàn Quốc. Từ câu chuyện này, ông Trọng cho rằng, con đường phát triển nông sản hiệu quả là phải ứng dụng công nghệ chế biến để nông dân và HTX có thể sống ngay trên chính đồng ruộng của mình. Ông cũng mong muốn các nhà khoa học, các trường và viện nghiên cứu sẽ chủ động liên lạc với doanh nghiệp để giải quyết vấn đề này.
Ông Trần Trung Đức, Giám đốc HTX chuối Viba (Hòa Bình), kể về những công nghệ mà HTX của ông đã áp dụng như bảo quản trái cây bằng etylen, trồng chuối cấy mô, bảo quản bơ đông lạnh. Ban đầu, HTX của ông Đức phải tìm mua máy nén khí etylen từ nước ngoài, nhưng sau này mới biết rằng ở Việt Nam đã có sẵn loại máy này. "Điều đó cho thấy sự thiếu kết nối giữa các nhà khoa học và HTX, dẫn đến việc nhiều sản phẩm khoa học chưa được truyền thông và phổ biến rộng rãi", đại diện HTX Viba chia sẻ.
Trước lời giãi bày gan ruột của doanh nghiệp, HTX, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ băn khoăn về việc tại sao cả một đất nước không thể đáp ứng được nhu cầu về một con dao gọt khoai tây, và đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là nút thắt hay thế mạnh của Việt Nam.
“Nếu sản xuất dao không phải là thế mạnh của chúng ta, thì chúng ta nên tập trung vào những lĩnh vực khác mà nông nghiệp Việt Nam có lợi thế. Bởi vì nếu đầu tư vào sản xuất hàng ngàn, hàng vạn con dao, liệu chúng ta có thể cạnh tranh được trên thị trường hay không?” Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đặt câu hỏi.
Chia sẻ về vấn đề tương tác giữa các nhà khoa học với người dân và HTX, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, ở Việt Nam không thiếu các nghiên cứu khoa học, nhưng do thiếu sự kết nối, nên người dân và HTX vẫn chưa tiếp cận được. Các nghiên cứu khoa học có nhiều, nhưng vẫn còn thiếu minh bạch, chưa được công bố rộng rãi, dẫn đến việc HTX và nông dân không thể tiếp cận, thậm chí gây mất niềm tin và chưa hình thành được thị trường đúng nghĩa.
Do đó, cần tạo ra không gian để các nhà sản xuất và nhà khoa học có thể gặp gỡ nông dân, HTX và doanh nghiệp, thay vì để họ hoạt động đơn lẻ như hiện nay. Khi có sự tương tác hai chiều, doanh nghiệp, HTX và nông hộ sẽ dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận thông tin khoa học công nghệ, từ đó áp dụng các sản phẩm công nghệ một cách phù hợp vào thực tiễn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng việc người Trung Quốc nghiên cứu ra một thiết bị nhỏ bé đeo ở đầu ngón tay để hỗ trợ chế biến ớt mà không bị rát tay, hay như quả cam của Mỹ có thể để tới 6 tháng mới chuyển màu. Ông nhấn mạnh rằng, khoa học có thể bao gồm những công trình vĩ đại, nhưng cũng có thể là những sáng kiến đơn giản, có hàm lượng kiến thức không lớn nhưng lại giúp nông dân và HTX giải phóng sức lao động và làm việc dễ dàng hơn. "Đó mới là khoa học ứng dụng", ông nhấn mạnh.
Cần dự báo về xu hướng thị trường
Từ phía doanh nghiệp, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu thị trường một cách nghiêm túc để ứng dụng và chuyển giao công nghệ hiệu quả. Bà Liên chia sẻ ví dụ về ngô, thế giới không chỉ sản xuất ra những loại ngô có nhiều màu sắc, hình dáng mà còn có cả ngô có mùi dứa, hay các thực phẩm chức năng được chế biến từ ngô.
Tại Việt Nam, giống cà chua thường được nông dân và HTX trồng ngoài đồng nhưng dễ bị héo xanh và nhiễm bệnh. Mặc dù có một số giống cà chua ít bệnh đã được trồng ở Đà Lạt, nhưng chúng chỉ phù hợp với điều kiện nhà kính. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cà chua phục vụ cho chế biến, trong khi yêu cầu đối với cà chua chế biến là phải ít bệnh và có thịt quả cứng.
“Do đó, nhìn xa hơn, cần có những dự báo về xu hướng và thị trường để thực hiện các nghiên cứu khoa học thiết thực”, bà Trần Kim Liên cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc HTX chuối Viba nhấn mạnh rằng, hiệu quả của công nghệ nằm ở khâu chuyển giao. Điều này không chỉ phụ thuộc vào hợp đồng giữa HTX và các nhà khoa học, mà còn phải xem xét đến nhu cầu thị trường và người tiêu dùng, vốn luôn thay đổi. Do đó, HTX và các nhà khoa học cần phải có một quá trình dài để nghiên cứu, cải tiến và đưa công nghệ thích ứng với từng thời kỳ, từng giai đoạn.
Gs.Ts Võ Đại Hải, Viện Khoa học Lâm nghiệp, cho rằng để cung và cầu trong thị trường khoa học gặp nhau, cần phải số hóa các sản phẩm khoa học để người dân và HTX có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tin tưởng trong hợp tác chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, cần thay đổi cách tiếp cận đối với sản phẩm công nghệ. Trước đây, các doanh nghiệp thường tìm đến các nhà khoa học, nhưng hiện nay cần phải làm ngược lại. Khi các nhà khoa học tiếp xúc trực tiếp với nông dân và HTX, họ sẽ hiểu rõ nhu cầu thực tế và có thể triển khai nghiên cứu, sản phẩm phù hợp hơn.
Đặc biệt, trong hợp tác liên kết chuyển giao công nghệ, việc đặt chữ tín lên hàng đầu là rất quan trọng. Nếu không, sau khi HTX ký hợp đồng với các trường, viện, sẽ rất khó có được sự hợp tác trong tương lai.