Tìm đối sách giải bài toán áp lực tỷ giá

Chịu áp lực từ thông tin thuế quan từ chính quyền Hoa Kỳ, tỷ giá đồng USD/VND liên tục tăng mạnh. Không chỉ cơ quan chức năng, mà chính doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại đang cùng tìm cách ứng phó với những khó khăn trước mắt.

Tỷ giá tăng và nỗi lo của doanh nghiệp

Ngày 9/4, trên thị trường chính thức, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng 38 đồng lên mức kỷ lục 24.936 VND/USD. Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 23.689 - 26.183 VND/USD. Đây là mức tỷ giá trung tâm cao nhất lịch sử kể từ khi cơ chế này được NHNN áp dụng từ đầu năm 2016.

Tính từ đầu năm tới nay, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 601 đồng, tương đương 2,4%. Neo theo tỷ giá trung tâm, tỷ giá USD bán ra tại các ngân hàng đều tăng lên mức sát trần 26.182 đồng. Tương tự, trên thị trường tự do, hầu hết các điểm thu đổi ngoại tệ đều niêm yết tỷ giá USD ở mức 26.150 đồng ở chiều mua và 26.250 đồng ở chiều bán, tăng khoảng 100 đồng ở cả hai chiều.

Giá USD trong nước tăng mạnh trong những phiên gần đây bất chấp việc đồng bạc xanh suy yếu trên thị trường quốc tế. Theo các chuyên gia, nguyên nhân xuất phát từ động thái áp thuế quan 46% với Việt Nam của chính quyền Hoa Kỳ. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) nhận định các lo ngại về rủi ro thuế quan có thể khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký và giải ngân chậm lại. Ngoài ra, các hoạt động xuất khẩu (đặc biệt xuất khẩu tới thị trường Mỹ) có thể chậm lại và thậm chí chịu thiệt hại. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở thời điểm hiện tại khá hạn chế. Điều này gây áp lực lên tỷ giá.

"Trong bối cảnh các yếu tố bất định và chưa có kết quả cuối cùng về các quyết định áp thuế quan, tỷ giá sẽ biến động nhiều hơn trong ngắn hạn", VCBS nhận định. Tương tự, bộ phận nghiên cứu thị trường của ACB cũng cho rằng áp lực tăng của tỷ giá vẫn còn rất lớn do tâm lý giao dịch của thị trường trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ các bất ổn thương mại toàn cầu, và dự báo mức mục tiêu của tỷ giá liên ngân hàng trong tháng 4 có thể là 26.000 đồng.

Từ phía doanh nghiệp, những phản ứng từ chính sách thuế quan đang gây tác động kép, vừa lo tỷ giá tăng, vừa lo xuất khẩu giảm. Bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết là ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn vào Hoa Kỳ, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lo lắng không biết các hợp đồng đã ký kết sẽ phải tính toán lại như thế nào với mức thuế đối ứng mới. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã dừng ngay việc ký hợp đồng và tạm dừng xuất khẩu, điều này dẫn đến việc họ phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng.

Cùng chung nỗi lo, ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết trong ngắn hạn, xuất khẩu dệt may đi Mỹ sẽ giảm. "Từ Quý II, chúng tôi dự báo đơn hàng đi Mỹ sẽ giảm. Kỳ vọng đàm phán của Chính phủ hiện nay và những xoay chuyển của các doanh nghiệp trong ngành sẽ giảm thiểu rủi ro", ông Cầm kỳ vọng.

Ngân hàng cung cấp giải pháp phòng ngừa tỷ giá để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngân hàng cung cấp giải pháp phòng ngừa tỷ giá để hỗ trợ doanh nghiệp.

Cùng chung tay tháo gỡ

Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu xuất khẩu của Việt Nam giảm đột ngột, cung ngoại tệ sẽ giảm, theo đó gây áp lực lên tỷ giá. Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu tính toán mới 3 tháng đầu năm, nhập khẩu của Việt Nam lên tới 100 tỷ USD, trong khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam thấp hơn con số này nên sẽ gây áp lực đối với thị trường ngoại hối. Tỷ giá tăng ảnh hưởng đến lạm phát, nền kinh tế và ảnh hưởng đến túi tiền của mọi người. Không chỉ vậy, dòng vốn FDI có nguy cơ bị chững lại, thậm chí rút đi cũng khiến lượng ngoại tệ này chịu áp lực giảm.

Mặc dù ở chiều lạc quan, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy cho rằng chúng ta vẫn còn các nguồn USD từ kiều hối, và Chính phủ sẽ có những chính sách để thu hút nguồn USD mới ngoài thị trường của Mỹ để cân bằng cán cân thanh toán xuất nhập khẩu, tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia lo ngại áp lực tỷ giá và lạm phát đang tăng sau chính sách mới về thuế quan của Mỹ, khiến việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ gặp nhiều rủi ro. Bởi vì lãi suất thấp có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá và làm tăng áp lực lạm phát.

Trước những khó khăn này, một số chuyên gia nhìn nhận đây cũng là thời điểm để Việt Nam sắp xếp lại cơ cấu ngành hàng, tăng cường năng lực sản xuất và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp. Hơn thế, đây là cơ hội để nền kinh tế nước ta điều chỉnh linh hoạt, đáp ứng tốt hơn trước những thay đổi nhanh chóng trên trường quốc tế. Chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phải gấp rút tìm kiếm giải pháp để giảm thiểu thiệt hại. Dù tình hình có phần bất lợi, nhưng đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc và nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn.

Cũng xác định là phải chủ động tự tìm cách, nhưng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ nhanh chóng vào cuộc để thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng khác như thị trường EU, Trung Đông... tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật nhằm đạt mục tiêu vượt qua những thách thức, biến động của thị trường toàn cầu. Trong khi đó, để gỡ khó, đại diện Tập đoàn Dệt may kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành cần có giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa của hơn 100 triệu dân Việt Nam, việc này nhằm bù đắp được các nhu cầu bị tiêu hụt tại thị trường Mỹ và thúc đẩy tăng trưởng GDP trong nước.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, giảm tiếp mức thuế VAT dưới 8% với các doanh nghiệp trong nước hoặc tăng giảm trừ gia cảnh với thuế cá nhân của người tiêu dùng; chưa tăng tiền điện và một số chi phí liên đới khác... Đặc biệt, để các doanh nghiệp bình tĩnh và ổn định sản xuất trong bối cảnh hiện tại thì NHNN và các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách chưa cắt room tín dụng trong năm nay.

Được biết, về phía ngân hàng, xác định mối quan hệ sống còn cùng doanh nghiệp, chính ngân hàng cũng đang tìm cách gỡ cho khách hàng của mình. Một số ngân hàng đang hỗ trợ khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách cung cấp các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá thông qua các hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi ngoại tệ, giúp doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch tài chính. Trong khi đó, lãnh đạo cơ quan điều hành là Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá diễn biến tỷ giá phức tạp, khó lường thể hiện rõ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sắc thuế, ngày đầu tiên tỷ giá tăng lên thêm 0,6%, nhất là khi đối tác thương mại áp dụng trả đũa chắc chắn thị trường tài chính tiền tệ diễn biến phức tạp hàng ngày, hàng giờ.

"NHNN sẽ theo dõi rất sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với thời gian và liều lượng hợp lý, đặc biệt cân nhắc hài hòa sự đánh đổi tỷ giá với mục tiêu giảm lãi suất", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/tim-doi-sach-giai-bai-toan-ap-luc-ty-gia-i764792/