Tìm 'đòn bẩy' cho xuất khẩu gạo
Hoạt động xuất khẩu gạo đã và đang gặp rất nhiều khó khăn khi giá giảm sâu. Các bộ, ngành, doanh nghiệp đang nỗ lực tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động này.

Việt Nam sắp có lô hàng gạo xuất khẩu sang Bangladesh.
Giá giảm sâu, xuất khẩu gạo gặp khó
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mới đây, chính quyền Bangladesh đã thông tin rằng sẽ nhập khẩu 100.000 tấn gạo trắng từ Việt Nam theo thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ nhằm bổ sung nguồn cung và ổn định thị trường lương thực trong nước, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hợp đồng xuất khẩu này được ký kết theo hình thức chính phủ với chính phủ (G2G) và do Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) cung cấp. Giá bán được chốt ở mức 474,25 USD/tấn, cao hơn so với mặt bằng giá gạo trắng thông thường trên thị trường quốc tế, phản ánh sự ổn định về chất lượng cũng như uy tín của gạo Việt Nam.
Đây là tin vui cho gạo Việt Nam trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu gạo đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 547.408 tấn gạo trong tháng 1 với trị giá thu về 324,89 triệu USD, tăng 10,6% về lượng nhưng giảm 5,6% về trị giá so cùng kỳ năm ngoái do giá giảm mạnh.
Giá gạo xuất khẩu bình quân trong tháng 1 đạt 594 USD/tấn, giảm 4,9% so với tháng 12/2024 và giảm tới 14,6% (102 USD/tấn) so với tháng 1/2024.
Lý do khiến xuất khẩu gạo giảm mạnh về giá là do nguồn cung trên thị trường gia tăng. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổng nguồn cung gạo toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 được dự báo đạt mức kỷ lục 712,15 triệu tấn, giảm 215.000 tấn so với dự báo trước đó nhưng cao hơn 9,2 triệu tấn so với năm trước, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng.
Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 cũng được dự báo đạt mức kỷ lục 530,5 triệu tấn, cao hơn 284.000 tấn so dự báo trước đó và tăng 7 triệu tấn so với niên vụ 2023-2024. Với dự báo này, cán cân cung-cầu gạo toàn cầu sẽ chuyển từ thâm hụt sang thặng dư khoảng hơn 2 triệu tấn trong niên vụ hiện tại.
Bên cạnh đó, từ cuối năm 2024, Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, khiến nguồn cung trên thị trường gia tăng.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, xuất khẩu gạo năm 2024 đạt kỷ lục một phần nhờ đơn giá cao hơn những năm trước. Gạo Việt Nam đạt đơn giá xuất khẩu bình quân 627 USD/tấn (trước đây dưới 600 USD/tấn), tăng khoảng 9% so năm 2023.
Gạo Việt Nam đã xuất khẩu đến khắp thế giới với khoảng 150 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp cũng đã tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bên cạnh các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia...
Tuy nhiên, từ cuối năm 2024, Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, lượng gạo Ấn Độ dồi dào tạo ra sức ép trên thị trường, khiến giá gạo có xu hướng giảm. Trong đó, giá gạo Việt Nam bị ảnh hưởng. Nhìn chung, việc giá gạo tăng giảm trên thị trường là điều hết sức bình thường.

Cần nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới.
Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo
Theo báo cáo cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo năm 2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Bộ Công thương, ước sản xuất cả năm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 3,778 triệu ha, năng suất bình quân ước 63,4 tạ/ha; sản lượng ước đạt 23,965 triệu tấn.
Trong số trên, tiêu thụ nội địa và sử dụng làm giống, thức ăn chăn nuôi... với khoảng 8,9 triệu tấn. Lúa hàng hóa ước khoảng 15,085 triệu tấn, tương đương 7,542 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu. Như vậy, nguồn cung dành cho hoạt động xuất khẩu khá dồi dào.
Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Bộ Công thương tập trung đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các tháng có sản lượng thu hoạch lớn là tháng: 2, 3, 4, 7, 8 và tháng 9 trong năm 2025 để ứng phó với diễn biến thị trường.
Đồng thời, đề xuất Bộ Công thương tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng các thị trường xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo xuất khẩu hết lượng gạo hàng hóa, đồng thời bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất cơ chế quản lý hệ thống thương lái thu mua lúa theo hướng chuyên nghiệp, có đăng ký kinh doanh, thương lái ký hợp đồng với nông dân sản xuất trên cơ sở hợp đồng ký với doanh nghiệp xuất khẩu về chủng loại giống, chất lượng lúa và các thương lái được hưởng các chính sách hỗ trợ như doanh nghiệp.
Mới đây, Bộ Công thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 01/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025 sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, đề ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Đối với vấn đề giá gạo, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, áp lực giảm giá vẫn bao trùm thị trường gạo trong những tháng tới, đặc biệt trong bối cảnh sản lượng thu hoạch của các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ và Thái Lan đang ở mức cao.
Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định của MXV, hạt gạo Việt Nam từ lâu đã giữ vị thế quan trọng trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu, với phân khúc thị trường riêng biệt và nguồn cầu ổn định. Khi các khách hàng lớn quay trở lại, giá gạo nước ta nhiều khả năng sẽ phục hồi mạnh mẽ.
Về phía các doanh nghiệp, bên cạnh nỗ lực tận dụng các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu của các cơ quan chức năng, theo các chuyên gia, giải pháp để thoát khỏi tình trạng hiện nay là phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường cho xuất khẩu gạo.
Cùng với thị trường như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến thị trường Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các doanh nghiệp cần tập trung không chỉ vào phân khúc gạo cao cấp, mà còn mở rộng sang các thị trường tiềm năng mới là khu vực Trung Đông. Đồng thời, nỗ lực tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã có để mở rộng thị trường.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tim-don-bay-cho-xuat-khau-gao-post861224.html