Tìm động lực và giải pháp thúc đẩy nền kinh tế

Ngày 15-11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy'. GS, TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì hội thảo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các chuyên gia chủ trì hội thảo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các chuyên gia chủ trì hội thảo.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, GS, TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những cải thiện về lượng và chất, tạo đà tăng trưởng cho các năm còn lại trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 2016 - 2020.

Tăng trưởng kinh tế năm 2017 dự kiến đạt 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,21% năm 2016. Tỷ lệ lạm phát được duy trì ổn định dưới 5% đang dần tạo điều kiện để giảm lãi suất, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng phát triển ổn định. Nợ xấu, bội chi ngân sách cũng đang dần được giảm.

Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 27-9 cho thấy, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng từ 4,31 năm 2016 lên 4,4 năm 2017. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam tăng 5 bậc so năm 2016 và tăng 20 bậc so 5 năm trước đây.

Để đạt được kết quả như trên, Chính phủ và các bộ, ngành đã có những nỗ lực rất lớn trong công tác điều hành, bên cạnh sự khởi sắc của khu vực doanh nghiệp cùng những hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Chính phủ đặt mục tiêu trở thành một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhiều chính sách, giải pháp thiết thực và những hành động quyết liệt đã và đang được Chính phủ triển khai nhằm thực hiện mục tiêu này.

Tuy nhiên, bối cảnh phát triển mới cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang mở ra những cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra các thách thức lớn cho nền kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế dựa trên các động lực cũ như tài nguyên, khoáng sản, chi phí lao động thấp, đầu tư và mở rộng tín dụng đã không còn phù hợp. Mô hình tăng trưởng cũ thành công trong giai đoạn đầu của đổi mới nhưng dần trở nên không còn phù hợp, thậm chí đem lại nhiều rủi ro cho nền kinh tế trong giai đoạn mới khi nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đòi hỏi, chúng ta phải đánh giá một cách nghiêm túc, có trách nhiệm những cản trở, rào cản cho tăng trưởng giai đoạn vừa qua và tìm ra những động lực tăng trưởng mới trong dài hạn bên cạnh dư địa điều hành chính sách kinh tế vĩ mô trong ngắn và trung hạn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc phát triển nhanh, bền vững là chủ trương rõ ràng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, là yếu tố tiên quyết để rút ngắn khoảng cách với các nước trên thế giới. Theo đó, tăng trưởng nhanh và bền vững dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập kinh tế quốc tế và ngược lại, tăng trưởng nhanh và bền vững cũng sẽ tăng cường ổn định vĩ mô, hội nhập quốc tế.

Về mặt xã hội, tăng trưởng nhanh, bền vững phải bảo đảm tăng trưởng bao trùm, toàn diện vì con người. Nếu không huy động đông đảo người dân tham gia đóng góp cho tăng trưởng thì sự tăng trưởng sẽ không thành công và thành quả của tăng trưởng cũng không được chia sẻ tới các tầng lớp nhân dân. Lúc đó, tăng trưởng sẽ không có ý nghĩa gì, không bảo đảm được mục tiêu không một ai bị bỏ lại phía sau.

Để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Do đó, cần làm rõ mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam với các nội hàm và cách thức thực hiện. “Trong điều kiện tự do hóa thương mại có vẻ gặp nhiều trở ngại, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội tốt nhưng cũng gây nguy cơ Việt Nam bị bỏ lại xa hơn nếu “lỡ tàu”; kinh tế thế giới có diễn biến khó đoán định, phục hồi không đồng đều. Trong nước thì thiên tai, biến đổi khí hậu đến nhanh hơn và khó lường; dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ không có nhiều khi vừa phải giải quyết các khuyết tật của nền kinh tế đã tích tụ nhiều năm và vừa phải tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Vậy Chính phủ cần phải làm gì?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Để phục vụ cho việc đánh giá đúng nền kinh tế, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn được lắng nghe các chuyên gia góp ý về hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội khi còn thiếu vắng nhiều chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng. Các chỉ tiêu này cũng là công cụ để giám sát quá trình điều hành kinh tế của Chính phủ và thống nhất được nội hàm và nhận thức để các ngành, lĩnh vực, mỗi cá nhân đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý cũng cần phân tích, đánh giá thêm về cơ hội, thách thức của Việt Nam hiện nay; động lực tăng trưởng chủ đạo của Việt Nam là gì, chứ không phải động lực nào cũng thành mũi nhọn; đánh giá môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam từ góc độ của doanh nghiệp và kiến nghị giải pháp để thúc đẩy năng lực quốc gia.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung phân tích làm rõ những chuyển biến kinh tế tích cực, nhất là chuyển biến về chất lượng tăng trưởng trong hai năm qua. Từ đó, đưa ra nhiều giải pháp chính sách chủ yếu cho giai đoạn 2018 - 2020.

Một số chuyên gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện phụ thuộc quá nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và công nghiệp khai khoáng. Mặc dù khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhưng sự liên kết giữa khu vực này với các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế, nên chưa tạo đà cho các doanh nghiệp trong nước phát triển như kỳ vọng. Vì vậy, phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế nhưng phải chọn lĩnh vực mũi nhọn, không dàn trải.

Kinh tế tư nhân tuy đang được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng năng suất lao động của khu vực này còn thấp và vẫn bị đối xử bất bình đẳng so các thành phần kinh tế khác. Đẩy mạnh phát huy nội lực, đặc biệt là tạo động lực mạnh hơn nữa cho kinh tế tư nhân phát triển cùng việc tạo các định chế cần thiết cho kinh tế thị trường và nâng cao năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng.

THÁI LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/34716802-tim-dong-luc-va-giai-phap-thuc-day-nen-kinh-te.html