Tìm được con còn sống của loài bị coi tuyệt chủng 80 năm, chuyên gia: Đừng đến gần chúng!

Nhờ thông tin từ một tay thợ săn, các nhà khoa học đã tìm thấy loài động vật bị coi là tuyệt chủng hơn 80 năm. Đây cũng là lần đầu tiên họ chụp được hình của chúng.

Trong 1 lần đi khảo sát tại rừng Amazon, các nhà sinh vật học đã chụp được ảnh về 1 loài khỉ vô cùng bí ẩn. Chúng ta đều biết rằng đến nay các nhà khoa học mới chỉ khám phá được 60 đến 70% diện tích của Trái đất. Phần còn lại của hành tinh có thể có rất nhiều loài sinh vật chưa được biết đến. Vậy, loài khỉ mà các nhà sinh vật đã tìm thấy ở Amazon có phải là loài mới hoàn toàn?

80 năm bị coi là tuyệt chủng

Sau 80 năm bị coi là tuyệt chủng, các nhà khoa học đã tìm thấy loài khỉ Saki trong rừng Amazon. (Ảnh: Lazoo)

Sau 80 năm bị coi là tuyệt chủng, các nhà khoa học đã tìm thấy loài khỉ Saki trong rừng Amazon. (Ảnh: Lazoo)

Sau khi kiểm tra và phân tích, các nhà khoa học đã phát hiện rằng đây là loài khỉ đã được xác nhận là tuyệt chủng từ cách đây hơn 80 năm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài vật này được ghi lại hình ảnh. Loài khỉ đó là khỉ Saki mặt trắng hay còn gọi là khỉ bay. Tên khoa học của chúng là Pithecia pithecia, là một chi động vật có vú trong họ Pitheciidae, bộ Linh trưởng. Tất cả những gì chúng ta biết về chúng chỉ là từ những tiêu bản còn lại trong viện bảo tàng. Thế nhưng, trong chuyến đi thực địa tại Amazon do tiến sĩ Laura Marsh làm trưởng nhóm đã tìm thấy loài khỉ này.

Loài khỉ Saki Pithecia pithecia được tìm thấy vào năm 1766 do một nhà thực vật học, bác sĩ kiêm nhà động vật học người Thụy Điển. Ông được biết đến như là cha đẻ của hệ thống phân loại hiện đại ngày nay. Sau đó, kể từ năm 1936 tới năm 1956, người ta đã vài lần tìm thấy loài khỉ này nhưng chúng đều đã chết trước đó.

Hình ảnh của khỉ Saki được vẽ lại sau lần phát hiện đầu tiên. (Ảnh: Lazoo)

Hình ảnh của khỉ Saki được vẽ lại sau lần phát hiện đầu tiên. (Ảnh: Lazoo)

Lần cuối cùng có người nhìn thấy khỉ saki là vào năm 1956. Khi đó, có 2 nhà nghiên cứu tiến vào khu vực phía Tây Amazon và trở ra với xác của 2 con khỉ. Họ đã xác nhận rằng khi tìm thấy chúng chỉ còn là những cái xác, chứ không được thấy chúng hoạt động thế nào ngoài tự nhiên. Do vậy, các nhà khoa học đã làm chúng thành tiêu bản và trưng bày trong viện bảo tàng. Kể từ đó, dù đã cố tìm kiếm họ đã không không tìm bất cứ dấu vết nào của khỉ Saki. Các nhà khoa học đã cho rằng chúng đã bị tuyệt chủng

Mãi cho đến khi một thợ săn vô tình tiết lộ vào đầu năm 2017. Nhờ có thông tin này, tiến sĩ Marsh và nhóm của mình đã thực hiện chuyến khảo sát và xác nhận được sự tồn tại của loài khỉ Saki ngoài tự nhiên.

Loài khỉ đặc biệt

Theo những hình ảnh mà nhóm của tiến sĩ Marsh ghi lại, khỉ Saki sở hữu ngoại hình khá buồn cười với chiếc đầu tròn, gương mặt có phần lông dày màu trắng ở mặt. Chúng có một thân hình vạm vỡ đầy cơ bắp cùng một đuôi rất dài, rậm rạp.

Khỉ Saki nổi tiếng là một loài khỉ nhút nhát trong khu rừng ở Amazon. Chúng có khả năng chuyền từ cành cây này sang cành cây khác vô cùng uyển chuyển giống như đang bay. Do đó, khỉ Saki còn được gọi là khỉ bay. Ngoài rừng Amazon, chúng còn được tìm thấy ở khu vực phía Bắc và miền Trung Nam Mỹ, kéo dài từ phía nam của Colombia, qua Peru, ở miền bắc Bolivia. và vào phần trung bộ của Brasil.

Con đực và con cái của loài khỉ Saki. (Ảnh: Lazoo)

Con đực và con cái của loài khỉ Saki. (Ảnh: Lazoo)

Đặc biệt, loài khỉ Saki giao tiếp với nhau thông qua tiếng hát, huýt sáo, gầm gừ và ré lên. Khỉ Saki đực có lông ở mặt màu trắng, còn khỉ cái có lông mặt màu nâu xám và cơ thể được bao phủ bởi lớp lông ngắn màu xám, nâu và đỏ. Chân của khỉ Saki dài hơn đáng kể so với cánh tay của chúng. Các nghiên cứu cho thấy, khỉ saki đực nặng từ 1,8 đến 2,4kg và trọng lượng của con cái từ 1,35 đến 1,89kg. Cả con đực và cái đều có chiều dài từ 32 đến 40cm. Tuổi thọ của chúng thường đạt tới 15 năm.

Khỉ Saki sống gần như hoàn toàn trên cây cao cách mặt đất khoảng 15m - 20m và hiếm khi xuống đất. Khỉ Saki thường dành nhiều thời gian đu từ cây này sang cây khác. Khỉ đực năng động hơn và hơi lớn hơn so với khỉ cái. Nhờ có những chiếc răng cửa chắc khỏe nên trái cây và hạt giống chiếm tới 90% khẩu phần ăn của loài khỉ này. Ngoài ra, chúng còn bổ sung thức ăn bằng hoa, lá non, kiến, và thỉnh thoảng có cả chim nhỏ và dơi.

Những con khỉ Saki sử dụng mùi hương cơ thể (chủ yếu là con đực) để thiết lập lãnh thổ của chúng. Chúng có các tuyến mùi gần cổ họng và thường cọ xát chúng vào cây. Bên cạnh đó, chúng cũng đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu của mình.

Các nhà khoa học hi vọng rằng con người sẽ không giết hại loài khỉ này. (Ảnh: Lazoo)

Các nhà khoa học hi vọng rằng con người sẽ không giết hại loài khỉ này. (Ảnh: Lazoo)

Russell Mittermeier - chủ tịch hội Bảo tồn Quốc tế cho hay: "Việc phát hiện ra năm loài khỉ Saki được cho là đã tuyệt chủng này cho thấy sự đa dạng của thế giới tự nhiên vô cùng rộng lớn. Tuy nhiên, đây cũng được coi là sự động viên giúp khơi dậy trí tò mò, muốn khám phá nhiều điều mới lạ ở các nhà khoa học".

Đánh giá về phát hiện này, tiến sĩ Marsh cho biết: "Thật đáng tiếc là chúng tôi đã tìm ra khỉ Saki ở thời điểm này. Khi mà chúng rất dễ gặp các nguy hiểm đến từ nạn săn bắn, chặt phá rừng khiến cho môi trường sống bị thu hẹp, số lượng loài suy giảm. Chúng tôi hi vọng rằng mọi người không tới gần để sát hại chúng. Đồng thời, chúng tôi cũng mong rằng các nhà chức trách sẽ sớm có quyết định về việc bảo tồn loài vật này."

*Bài viết được tổng hợp từ Lazoo, Brazzil, The hindu Businessline, Neprimate Conservancy...

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/tim-duoc-con-con-song-cua-loai-bi-coi-tuyet-chung-80-nam-chuyen-gia-dung-den-gan-chung-20220820135113766.htm