Tìm giải pháp bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng
Ngày 15/9, tại Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh, Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế 'Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng'.
Tham dự Hội thảo có đoàn các nước thành viên ABPA (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Campuchia...); đại diện các cơ quan, đơn vị trong nước như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh…
Hội thảo là một hoạt động trọng tâm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.
Đây là diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các đơn vị xuất bản Việt Nam và các nước Đông Nam Á trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế lĩnh vực xuất bản.
Nhiệt liệt chào mừng các đại biểu về dự hội nghị, Thành ủy viên - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Lâm Đình Thắng nhấn mạnh: TP Hồ Chí Minh rất vinh dự được chọn làm nơi đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên Ban Chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á năm 2023 cùng với các hoạt động triễn lãm, hội nghị bên lề… TP Hồ Chí Minh xem đây là trách nhiệm cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và các tổ chức quốc tế, góp sức thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản và văn hóa đọc của nhân dân các quốc gia Đông Nam Á.
Tuyên bố khai mạc hội nghị, PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam kiêm Chủ tịch luân phiên ABPA nhận định: Hiệp hội đã đáp ứng được các nhu cầu giao lưu, hợp tác giữa các nước thành viên; trở thành một kênh trao đổi thông tin, chia sẻ những chính sách mới của ngành Xuất bản mỗi nước cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc. Qua đó, các thành viên có cơ hội học hỏi lẫn nhau, tùy chỉnh áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng nước.
Hội thảo đã tập trung vào những nhóm chủ đề như: Nhận diện những hành vi vi phạm bản quyền trên nền tảng số; đánh giá tình trạng vi phạm bản quyền sách trên các nền tảng số; thực trạng bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á hiện nay: đánh giá thể chế, thiết chế và các giải pháp kỹ thuật bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số hiện nay; chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số của các nước Đông Nam Á…
Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ bản quyền với các quy định bảo vệ bản quyền tại Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật liên quan.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam còn khá phức tạp. Các giải pháp của các cơ quan Chính phủ, của các Hội và của chính doanh nghiệp, chủ sở hữu tác phẩm, tác giả đang gặp rất nhiều khó khăn do những thách thức mới của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số với sự phát triển các hình thức truyền thông và thương mại điện tử trên không gian mạng.
“Hội thảo là một cơ hội để ngành xuất bản chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp nhằm tạo kết quả hiện hữu, thiết thực trong việc bảo vệ bản quyền sách nói chung, bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng nói riêng”- ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho hay.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Indoneisa, Malaysia, Thái Lan, Philippines … cùng các đơn vị xuất bản tại Việt Nam đã nêu lên thực trạng về tình hình vi phạm bản quyền trên không gian mạng hiện nay, cũng như đưa ra những giải pháp, mô hình nhằm bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng.
Ông Arys Hilman Nugraha, Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia, cho biết vi phạm bản quyền sách đã trở thành một vấn nạn lớn trong ngành xuất bản Indonesia. Hơn 75% thành viên của Hiệp hội Nhà xuất bản Indonesia (Ikapi) đã phát hiện sách của họ bị vi phạm bản quyền trên các chợ trực tuyến. Thủ tục khiếu nại và loại bỏ sách lậu khỏi chợ không hề dễ dàng. Các sàn thương mại thậm chí có thể trốn tránh trách nhiệm phân phối các sản phẩm bất hợp pháp.
Ông Atty. Dominador D. Buhain, Chủ tịch Hội Xuất bản Philippines cho biết, tại Philippines, “những tên cướp” - những kẻ bắt chước và sao chép tràn lan các tác phẩm của người khác bất hợp pháp - đang nhắm mục tiêu vào ngành xuất bản.
Để ngăn chặn tình trạng này, Chính phủ Philippines cử một cơ quan phụ trách bảo vệ bản quyền. Cơ quan này nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục ý thức bản quyền và thúc đẩy các khuôn khổ pháp lý tạo ra sự thay đổi lâu dài trong việc giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền.
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á nhiệm kỳ 2022-2023, khẳng định, Việt Nam là một thành viên tích cực của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA), hiện đang là Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội. Việt Nam ý thức được vai trò, tầm quan trọng của ngành Xuất bản, trong đó có vấn đề bảo vệ bản quyền và đang tiếp tục đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành Xuất bản...