Tìm giải pháp bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ

Một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham quan mô hình trồng rừng đạt chứng chỉ FSC của Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên. Ảnh: ANH NGỌC

Thời gian qua, công tác quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ còn một số khó khăn, bất cập. Để tìm giải pháp tháo gỡ cho vấn đề này, mới đây, Sở NN-PTNT tổ chức hội thảo quản lý rừng phòng hộ trong bối cảnh chính sách quản lý rừng bền vững.

Theo Sở NN-PTNT, tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp ở Phú Yên hơn 276.045ha, trong đó đất có rừng khoảng 205.910ha, gồm rừng tự nhiên gần 126.970ha và rừng trồng khoảng 78.940ha. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được các đơn vị chủ rừng quan tâm, qua đó tác động tích cực đến việc nâng tỉ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cũng được tỉnh chú trọng.

Ở Phú Yên hiện có 5 ban quản lý rừng phòng hộ và 2 ban quản lý rừng đặc dụng, diện tích mà các đơn vị này quản lý khoảng 100.300ha. Lâm phần do các đơn vị này quản lý hầu hết liền vùng, nhưng địa bàn quản lý rất rộng lớn, địa hình hiểm trở nên gặp khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ.

Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT), cho biết: Để tăng cường công tác quản lý, Phú Yên đã giao khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và đến nay đã giao khoán được hơn 88.080ha. Nhờ vậy, từ năm 2014-2019, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện khoảng 515 vụ vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng, trong đó đã xử lý hình sự 26 vụ, còn lại đã xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn tình trạng phá rừng, việc phát triển trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng chưa nhiều, mô hình tổ chức quản lý chưa thống nhất, đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên sâu chưa nhiều, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư bài bản, trang thiết bị còn thiếu, chính sách đầu tư bảo vệ rừng còn một số bất cập…

Theo ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Trung tâm quy hoạch thiết kế NN-PTNT kiêm Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu, đơn vị hiện quản lý khoảng 13.900ha rừng, trong đó rừng phòng hộ khoảng 7.570ha, rừng sản xuất khoảng 5.550ha, còn lại là diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Đối với số diện tích rừng sản xuất, đơn vị đang xin chủ trương thực hiện liên kết, hợp tác đầu tư phát triển rừng và đăng ký chứng chỉ rừng hướng tới mục đích quản lý bền vững.

Tuy nhiên, chi phí để được cấp chứng chỉ rừng hiện nay quá cao, đây là một trong những khó khăn đối với các ban quản lý rừng phòng hộ. Mặt khác, các ban quản lý rừng phòng hộ hoạt động theo mô hình tài chính sự nghiệp, vì thế chính sách hợp tác, liên kết cần có hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng tài sản công của Nhà nước mà ở đây là rừng, đất rừng.

Chia sẻ về các giải pháp quản lý rừng phòng hộ, ông Võ Văn Dự, Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, để ngăn chặn hiệu quả việc phá rừng, các ban quản lý rừng cần có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, nhất thiết phải chuyển quan điểm từ phân tán lực lượng sang tập trung lực lượng đủ mạnh, thống nhất chỉ huy để bảo vệ rừng theo từng tuyến, từng lưu vực. Đồng thời tăng tần suất tuần tra rừng và đầu tư, sử dụng thiết bị công nghệ trong quản lý rừng.

Ngoài ra, các ban quản lý rừng cần quan tâm hợp tác với chính quyền địa phương, tạo công ăn việc làm từ hoạt động liên doanh, liên kết và lâm sinh để người dân khu vực gần rừng có thêm thu nhập. Những trường hợp thực hiện khoán bảo vệ rừng cần quy định cụ thể chế độ tuần tra có sự giám sát của ban quản lý rừng.

“Đối với ban quản lý rừng phòng hộ, nếu không xây dựng được cơ chế tự chủ nguồn tài chính, sớm tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc và những bất cập đang gặp phải thì rất khó để thoát ra khỏi tình trạng luẩn quẩn hiện nay và cũng không thể thực hiện được các hình thức liên doanh, liên kết để phát triển rừng theo hướng bền vững”, ông Dự nói.

Năm 2020, ngành Lâm nghiệp Phú Yên đặt mục tiêu tất cả ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; toàn bộ lâm phần diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nói trên phải được xác định rõ ranh giới và cắm mốc ngoài thực địa.

“Sở NN-PTNT kiến nghị tỉnh cần lựa chọn một số loài động thực vật để có giải pháp bảo tồn nhằm đa dạng sinh học rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cần sớm và từng bước triển khai tự chủ về tài chính, thông qua tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và phát triển du lịch sinh thái rừng. Phú Yên khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp tục đầu tư, liên kết để phát triển rừng mang tính bền vững hơn”, ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nói.

Sở NN-PTNT đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách đầu tư mới cho các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để trình Chính phủ, với mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 50% các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh được cung cấp thiết bị và áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, giám sát, bảo vệ rừng.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Lý Nguyên

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/235500/tim-giai-phap-bao-ve-phat-trien-rung-dac-dung-rung-phong-ho.html