Tìm giải pháp căn cơ cho bệnh khảm lá mì

Bệnh khảm lá là dịch bệnh rất nghiêm trọng trên cây mì và hiện đã lây sang 22 tỉnh, thành ở khu vực phía Nam, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cây trồng này. Đây là loại dịch hại rất khó phòng, trừ. Nguyên nhân khiến dịch khảm lá mì lan rộng do người dân thường lấy cây giống trên ruộng trồng vụ trước để trồng lại, trong đó có những cây giống đã nhiễm bệnh.

Sinh viên Trường đại học Nông lâm TP.HCM tham quan các mô hình trồng mì giống nuôi cấy mô sạch bệnh tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (H.Trảng Bom). Ảnh:B. Nguyên

Sinh viên Trường đại học Nông lâm TP.HCM tham quan các mô hình trồng mì giống nuôi cấy mô sạch bệnh tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (H.Trảng Bom). Ảnh:B. Nguyên

Việc tạo ra các nhóm giải pháp đồng bộ nhằm phòng, chống dịch khảm lá tiếp tục bùng phát đang được nông dân, chính quyền và nhà khoa học quan tâm thực hiện. Trong đó, nhóm giải pháp tạo ra nguồn giống sạch bệnh, giống có gen kháng bệnh khảm lá đang được tập trung thực hiện.

* Sản xuất giống mì sạch bệnh

Nhiều tháng qua, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom) thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam phối hợp với Trường đại học Nông lâm TP.HCM triển khai thí điểm mô hình sản xuất giống mì sạch bệnh bằng kỹ thuật nuôi cấy mô và kỹ thuật nhân giống mì trên hệ thống khí canh.

Chương trình này thuộc dự án Phát triển và phổ biến hệ thống sản xuất mì bền vững thông qua quản lý sâu bệnh hại do Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ gồm 4 nội dung: phát triển các tác nhân gây bệnh hại trên cây mì và phát triển hệ thống cảnh báo bệnh trong khu vực: sinh thái quần thể và quản lý côn trùng hại mì; thiết lập hệ thống giống mì để cung cấp hom mì sạch bệnh cho nông dân; chuyển giao công nghệ và khuyến nông.

Đây được cho là các giải pháp cấp bách, hữu hiệu để tạo ra nguồn giống sạch bệnh với sản lượng lớn cung cấp cho nông dân trồng mì, trong đó có nông dân Đồng Nai trong tình trạng dịch khảm lá đang bùng phát trên diện rộng như hiện nay. Chỉ riêng Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có 9.068ha diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá, chiếm khoảng 65% tổng diện tích mì trên địa bàn tỉnh.

ThS Nguyễn Thị Thanh Duyên, giảng viên bộ môn Di truyền giống, khoa Nông học của Trường đại học Nông lâm TP.HCM cho biết, hiện dịch khảm lá gây thiệt hại trầm trọng cho các khu vực trồng mì trên cả nước nói chung, khu vực Đông Nam bộ nói riêng. Phương pháp nuôi cấy mô là phương pháp nhân giống vô tính có thể tạo ra nguồn giống đồng loạt với số lượng lớn, đảm bảo các đặc tính mong muốn. Đây là giải pháp nhanh cung cấp nguồn giống sạch cho nông dân sản xuất, giải quyết vấn đề tức thời tình trạng dịch bệnh khảm lá đang lan nhanh như hiện nay khiến thiếu nguồn giống sạch trong sản xuất.

Ngoài ra, kỹ thuật PCR - chẩn đoán bệnh khảm mì; kỹ thuật nhân giống mì trên hệ thống khí canh... sẽ chuyển giao cho nông dân để góp phần phòng, chống dịch khảm lá hiệu quả hơn. Trong đó, kỹ thuật nhân giống mì trên hệ thống khí canh là một phương thức canh tác mới trong nông nghiệp, trồng cây không sử dụng đất, nước mà trồng trong môi trường không khí có chứa các thể bụi dinh dưỡng. Các bụi thể dinh dưỡng cung cấp cho rễ để cây sinh trưởng và phát triển. So với các phương pháp canh tác khác, khí canh giúp tiết kiệm phân bón, giảm tiêu thụ nước, không cần thuốc bảo vệ thực vật, chiếm ít không gian canh tác...

* Tạo giống mới mang gen kháng bệnh

Tuy Đồng Nai đang tập trung phòng, chống dịch khảm lá mì nhưng dịch này ngày càng lan rộng gây thiệt hại lớn cho nông dân trồng mì. Diện tích bị nhiễm tăng nhanh so với mọi năm và nguy cơ dịch này tiếp tục lây lan là rất lớn. Các địa phương đều đang tập trung phòng, chống dịch này. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp khó khăn do giống nhiễm bệnh cho năng suất và độ bột cao nên người dân vẫn tiếp tục sử dụng các giống bị nhiễm bệnh.

Ông Đinh Kim Bình, Tổ trưởng Tổ hợp tác mì Tân Hiệp (xã Tân Hiệp, H.Long Thành) lo lắng, dịch khảm lá mì đã xuất hiện nhiều năm nay, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nhưng nông dân mãi loay hoay chưa tìm ra cách phòng trừ hiệu quả. Tuy chính quyền địa phương đưa ra giải pháp chọn trồng giống mì kháng bệnh nhưng những giống kháng bệnh hiện hữu vẫn ít được nông dân sử dụng vì hàm lượng bột ít, năng suất không cao khiến lợi nhuận thấp. “Mong các nhà khoa học, cơ quan chức năng sớm nghiên cứu ra giống mì kháng bệnh cho năng suất, độ bột tốt; đặc biệt là đưa ra được loại thuốc đặc trị con bọ phấn trắng để nông dân yên tâm phát triển cây mì mà không lo dịch khảm lá bùng phát” - ông Bình nói.

Theo TS Nguyễn Hữu Hỷ, nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, giải pháp lâu dài quan trọng nhất là phải có giống mì kháng dịch. Thời gian qua, trung tâm đã nhập 41 nguồn gen và 5 ngàn dòng lai mới từ các nước về để lai tạo ra giống mì hoàn toàn kháng bệnh khảm lá. Để đáp ứng yêu cầu có nguồn giống bền vững, trung tâm đã lập vườn lai tại H.Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) cho lai với các giống mì năng suất cao của Việt Nam để tạo ra giống vừa mang gen chống khảm, vừa đạt năng suất cao, độ bột cao, củ đẹp đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân. Dự kiến trong vài năm tới, Việt Nam sẽ có các giống mì kháng khảm lá và có những đặc tính quý hiếm của mì Việt Nam.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202012/tim-giai-phap-can-co-cho-benh-kham-la-mi-3033772/