Tìm giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề di cư tự do
Những năm qua, để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng di cư tự do (DCTD) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, các cấp ngành, địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động và triển khai nhiều chương trình, dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư. Tuy nhiên, tình trạng DCTD trong vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn chưa chấm dứt, dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Bởi vậy, để ngăn chặn tình trạng DCTD thì cần một giải pháp căn cơ và cách làm quyết liệt từ các cấp, ngành và các địa phương.
Bài 1: Di cư tự do liệu có tiếp tục gia tăng?
Tình trạng DCTD những năm gần đây từng bước “hạ nhiệt” nhờ các địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng DCTD vẫn là nguy cơ tiềm ẩn bởi nhiều nhu cầu bức thiết của người dân chưa được giải quyết triệt để.
Giảm dần từng năm
Hà Giang là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn; địa hình chủ yếu là đồi núi, thời tiết khắc nghiệt. Thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt... nên nhiều gia đình ở cao nguyên đá thường mơ về cuộc sống đủ đầy ở cao nguyên đất đỏ bazan màu mỡ. Vì thế, trong một thời gian dài, hàng nghìn nhân khẩu ở Hà Giang đã DCTD vào các tỉnh Tây Nguyên để kiếm tìm cuộc sống mới. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2005 - 2018, toàn tỉnh có khoảng 956 hộ với 4.443 khẩu DCTD đến các địa phương khác, chủ yếu là vào Tây Nguyên.
Trước tình trạng đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang đã vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền, vận động người dân không DCTD và triển khai thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của Đảng, Nhà nước, địa phương. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, tình trạng DCTD ở Hà Giang đã giảm mạnh. Nếu như giai đoạn 2005-2010, toàn tỉnh có 702 hộ/3.319 khẩu DCTD, thì giai đoạn 2011-2018 chỉ còn 254 hộ/1.124 khẩu DCTD; 4 tháng đầu năm 2019, tỉnh chỉ ghi nhận 1 hộ DCTD vào Đắk Lắk...
Đây cũng là điểm sáng rõ nét trong bức tranh bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư nhằm hạn chế tình trạng DCTD trên địa bàn cả nước. Số liệu được đưa ra trong Nghị quyết số 22/NQ-CP, ngày 1-3-2020 của Chính phủ về “Ổn định dân DCTD và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường” cho thấy, từ năm 2005 đến tháng 4-2019, cả nước có khoảng 67 nghìn hộ DCTD; phần lớn là DCTD từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh Tây Nguyên.
So với giai đoạn trước, những năm gần đây, tình trạng DCTD đã giảm rõ rệt. Cụ thể, năm 2005 có 2.690 hộ từ các tỉnh phía Bắc DCTD vào Tây Nguyên. Nhưng đến năm 2017 giảm xuống còn 318 hộ; năm 2018 là 238 hộ; 4 tháng đầu năm 2019 là 104 hộ...
Tình trạng DCTD giảm rõ rệt là nhờ hiệu quả của các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; đặc biệt là các dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư. Theo số liệu của Chính phủ nêu trong Nghị quyết số 22/NQ-CP, ngày 1-3-2020, giai đoạn 2005 - 2017, các địa phương đã bố trí ổn định được hơn 42 nghìn hộ DCTD.
Đặc biệt, nhiều địa phương đã vận động được đồng bào DCTD hồi cư. Như tỉnh Hà Giang, từ năm 2013 đến năm 2020, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đón hơn 50 hộ hồi cư. Các hộ hồi cư đã được chính quyền nơi ở cũ tạo điều kiện thuận lợi về nhà ở, đất sản xuất để sớm ổn định cuộc sống.
Hiện, hàng chục nghìn hộ dân DCTD chưa được đăng ký hộ khẩu; đời sống và sản xuất của một bộ phận người dân DCTD còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Nhiều hộ dân DCTD chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, tiềm ẩn gia tăng tình trạng người dân DCTD đi nơi khác và gây mất trật tự an toàn xã hội (Trích Nghị quyết số 22/NQ-CP, ngày 1-3-2020 của Chính phủ về “Ổn định dân DCTD và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường”).
Tiềm ẩn nguy cơ
Báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho thấy, giai đoạn 2012 - 2014, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có 10.156 hộ được hỗ trợ đất ở, gần 18 nghìn hộ được hỗ trợ đất sản xuất, hơn 45,5 nghìn hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, mua sắm máy móc nông cụ sản xuất; xây dựng được 476 công trình nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ nước phân tán cho 249.251 hộ... Những nhu cầu bức thiết được giải quyết nên đã góp phần “hạ nhiệt” tình trạng DCTD trong vùng đồng bào DTTS và miền núi như đã nêu trên.
Còn từ năm 2016 đến nay, việc hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt... được thực hiện theo Quyết định 2085/QĐ-TTg, ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Theo kế hoạch thì sẽ có 68.936 hộ được hỗ trợ đất sản xuất; 313.256 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt; 234.642 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề...
Nhưng đến năm 2020, vốn mới được bố trí để thực hiện chính sách; lại không đủ (chỉ được hơn 1.072 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vốn thực hiện là hơn 4.803 tỷ đồng). Do đó, đến nay, các địa phương mới chỉ thực hiện được cho vay phát triển sản xuất (đã giải ngân được hơn 832 tỷ đồng); còn các hạng mục khác chưa thực hiện được.
Vì vậy, lũy kế và phát sinh thêm, thống kê sơ bộ của Ủy ban Dân tộc cho thấy, vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện vẫn còn 58.123 hộ thiếu đất ở; 303.578 hộ thiếu đất sản xuất; 313.219 hộ thiếu nước sinh hoạt; 122.488 hộ còn ở nhà tạm bợ, dột nát; 96.256 hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất...
Đó là chưa tính tới hiện nay vẫn còn khoảng 24.800 hộ DCTD chưa được sắp xếp, bố trí ổn định dân cư. Ngoài ra, dưới tác động của biến đổi khí hậu, khu vực miền núi ngày càng xảy ra các loại hình thiên tai cực đoan (lũ quét, sạt lở đất...), làm gia tăng tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cũng như đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sinh kế của người dân khu vực này.
Do vậy, để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng DCTD thì cần một giải pháp căn cơ cũng như việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương.