Tìm giải pháp cho công trình thủy lợi nghìn tỷ không có đất tưới
Liên quan đến công trình thủy lợi Ia Mơr, tỉnh Gia Lai chưa có đất tưới, Bộ NN-PTNT trực tiếp đi khảo sát tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.
Liên quan đến , tỉnh Gia Lai được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng chưa có đất tưới, thực hiện chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, ngày 21/9, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu trực tiếp đi khảo sát để cùng với địa phương tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Dự án Công trình thủy lợi Hồ chứa nước Ia Mơr, liên tỉnh Gia Lai- Đắk Lắk được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án đầu tư năm 2005 với diện tích công trình và lòng hồ hơn 3.600ha.
Dự án gồm 2 hợp phần: Hồ chứa nước Ia Mơr có diện tích khoảng 3.000ha; Hồ chứa nước Plei Pai và đập dâng Ia Lốp có diện tích khoảng 6.00ha. Cụm công trình này phục vụ nước tưới cho tỉnh Gia Lai là hơn 10.000ha và tỉnh Đăk Lăk là khoảng 4.000ha.
Giai đoạn 1 của dự án được phê duyệt tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng và hiện nay đã hoàn thiện hợp phần công trình Hồ chứa nước Plei Pai và đập dâng Ia Lốp, cung cấp nước tưới cho 2.000ha đất nông nghiệp.
Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng và đã hoàn thiện cụm công trình đầu mối Hồ Ia Mơr, cung cấp nước tưới cho 4.000ha đất nông nghiệp tại tỉnh Đăk Lăk.
Tuy nhiên, gần 8.000ha đất vùng tưới tại tỉnh Gia Lai lại chưa được sử dụng. Hiện nay, diện tích này chủ yếu là rừng và đất lâm nghiệp, đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình chuyển đổi.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Dự án Hồ chứa nước Ia Mơr đã được Bộ nghiên cứu từ năm 1998, có 3 mục tiêu chủ yếu gồm: an ninh quốc phòng trên biên giới; di dân, tái định cư; và là kho nước khổng lồ của Tây Nguyên, phục vụ tưới cho khoảng 14.000ha. Về cơ bản, dự án đang phát huy hiệu quả trên vùng biên giới hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tại tỉnh Gia Lai gặp vướng trong việc chuyển đổi đất rừng đối với gần 8.000ha. Qua khảo sát trực tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng có một số số việc cần làm ngay để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, phát huy hiệu quả dự án.
“Trước hết tỉnh Gia Lai cần phải cùng chúng tôi sẽ khảo sát lại toàn bộ hiện trạng của gần 8.000ha này như thế nào. Năm 2010 và trước đó, hiện trạng của khu này là rừng nghèo kiệt, chủ yếu là rừng khộp nên đã đồng ý chuyển đổi. Nhưng bây giờ qua hơn chục năm có thể đã thay đổi. Sau khi điều tra xong, tỉnh sẽ trình một dự án tổng thể, trong đó nói rõ chuyển đổi như thế nào, chuyển đổi làm gì, phải có bản quy hoạch sử dụng đất cụ thể. Lúc đó, căn cứ vào đề án cụ thể, chúng tôi cùng các bộ ngành liên quan sẽ trình Chính phủ”- Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết./.