Tìm giải pháp chống ngập cho các đô thị ven biển miền Trung
Mưa cực đoan với mật độ lớn trong thời gian ngắn, dọc theo các con sông liên tục xảy ra sạt lở, lũ lụt với cường độ ngày càng khốc liệt… đang là thách thức không nhỏ đối với tiến trình phát triển đô thị ven biển ở miền Trung.
Ngày 21/10, tại TP Quảng Ngãi, diễn ra Hội nghị giao ban thường niên cụm Nam Trung Bộ năm 2023 với chủ đề “Quản trị rủi ro và phòng chống thiên tai tại các đô thị ven biển”.
Xây kè, làm đường, nhà dân áp sát sông khó tránh ngập lũ
Tại hội nghị, các nhà khoa học, kiến trúc sư và nhà hoạch định chính sách đến từ các bộ, ngành, các hiệp hội cùng lãnh đạo các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đã đưa ra nhiều tham luận, kinh nghiệm trong việc "khắc chế" tình trạng cực đoan của thời tiết nhằm xây dựng các đô thị bền vững.
KTS Lê Quốc Hùng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch miền Nam cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt, sạt lở... ở các đô thị miền Trung. Trong đó, việc quy hoạch chưa phù hợp, công tác quản lý trật tự xây dựng còn những bất cập. Đồng thời, việc triển khai xây dựng các công trình, dự án để chống ngập, chống sạt lở… nhưng tính hiệu quả chưa cao.
Dẫn chứng điều này, ông Hùng cho rằng, hiện tại các đô thị ven biển có sông lớn đi qua, đa phần các địa phương đều xây dựng bờ kè kiên cố. Phía bên trên đỉnh kè là hệ thống đường giao thông và lùi vào bên trong chỉ giới giao thông là nhà dân áp sát ra.
"Một dòng sông có lưu vực chảy rất lớn, sự hình thành các dòng sông thuận theo tự nhiên cùng sự dịch chuyển dòng chảy.
Nhưng chúng ta xây dựng kè và các công trình hạ tầng khác ngay bên cạnh, lưu vực sông bị bó hẹp lại, một khi mực nước từ thượng nguồn đổ về lớn, nước không thoát ra biển kịp thì dâng lên tràn vào các khu dân cư gây ra ngập lụt", ông Hùng phân tích.
KTS Hùng gợi ý cách "chế ngự" thiên tai của người Pháp khi xây dựng đô thị ven sông Seine, đó là người Pháp không làm kè kiên cố, ngược lại không gian hai bên bờ sông xây dựng các công viên cây xanh, thảm cỏ để tạo không gian sống, thư giãn.
Phần đất trống ấy vừa có vai trò là nơi phục vụ nước dâng, vừa là nơi dành cho nước thẩm thấu vào lòng đất.
Đối với những vị trí nhất thiết làm kè, người Pháp chỉ làm kè một bên, bên còn lại vẫn để nguyên trạng địa hình, hoặc chỉnh sửa ít nhằm giữ nguyên phần đất đó khi nước dâng trong thời điểm mưa lớn nước thoát không kịp.
"Còn ở ta, quá trình đô thị hóa chúng ta kè lưu vực sông, nhưng đô thị áp sát sẽ không giúp hạ lưu bình yên. Hình thái đô thị thay đổi quá lớn, trong khi không gian dành cho thoát nước ngày càng thu hẹp lại. Không gian tự nhiên hai bên sông là yếu tố cốt lõi cần được các địa phương quan tâm trong phát triển đô thị.
Quỹ đất này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo ra sự đa dạng sinh học mà còn tăng khả năng thẩm thấu, thoát lũ cho các đô thị rất hiệu quả", KTS Hùng nói.
Cần thích ứng thay vì xây công trình chống ngập 10 năm xảy ra một lần
Ông Trà Thanh Danh - Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi cho rằng, các thành phố, thị xã trong khu vực Nam Trung Bộ có mật độ dân số cao và là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng nhất của địa phương.
Tuy nhiên, mức độ tập trung dân số và sự nhộn nhịp của các hoạt động kinh tế - xã hội khiến các đô thị ngày càng dễ tổn thương trước các thảm họa và biến cố.
Các rủi ro đối với đô thị gồm 3 nhóm, đó là các hiện tượng cực đoan của thiên nhiên, các hiện tượng rối loạn trong hoạt động của bộ máy sản xuất và vận hành đô thị, tội phạm đô thị.
"Việc quản trị rủi ro đô thị cần được đặt trong một tầm nhìn xa hơn so với công tác ứng phó với những gì đã xảy ra và cần gắn bó một cách chặt chẽ với tiến trình đô thị hóa.
Các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ đang tập trung đẩy mạnh phát triển đô thị. Một đô thị phát triển tốt đánh giá sự phát triển toàn diện của địa phương đó.
Một đô thị phát triển tốt góp phần cho khu vực phát triển tốt. Một khu vực phát triển tốt góp phần cho cả nước phát triển tốt.
Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
Để đạt được mục tiêu đó, công tác quản lý rủi ro phải được đặt trong tất cả các kế hoạch phát triển của đô thị, từ hạ tầng kỹ thuật đến xã hội, đến không gian đô thị.
Các biện pháp giải quyết hay kiểm soát rủi ro đô thị tiếp cận trên 4 trụ cột, gồm: Các biện pháp kỹ thuật, các biện pháp về quy hoạch không gian, các biện pháp quản lý và các biện pháp bảo hiểm", ông Danh nói.
Không ngần ngại chỉ ra những bất cập của các đô thị ven biển trong bối cảnh thời tiết cực đoan, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu nói rằng, trong một thế kỷ qua nhiệt độ toàn cầu đã tăng từ 3-4 độ C, riêng Việt Nam tăng 2 độ C.
"Tăng trưởng kinh tế chính là gốc rễ và là yếu tố làm gia tăng thời tiết cực đoan, lũ lụt, thiên tai ngày càng khốc liệt hơn. Và thiên tai cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển KT-XH", TS Huy nhìn nhận
TS Huy cho rằng, các đô thị đang bị tổn thương hầu hết đều gia tăng về hạ tầng, kể cả hạ tầng ứng phó. Song, tính hiệu quả các công trình, nhất là hạ tầng ứng phó với thiên tai chưa hiệu quả như kỳ vọng.
Lý giải điều này, TS Huy chỉ ra các đô thị hiện tại xây dựng ken đặc, quỹ đất dành cho thoát lũ, trữ nước khi có mưa lớn dần hạn chế.
Trong khi đó, hệ thống thoát nước đô thị tại một số nơi chưa hoàn thiện. Nước ngập, ai có tiền nâng nền nhà, nền sân, cứ thế việc "chạy theo" con nước đang đẩy tình trạng nơi này hết ngập thì khu vực gần đó lại lênh láng nước.
"Qua ghi nhận tại nhiều nơi lượng mưa đo được trong một tuần lên tới 700mm, bằng lượng mưa trung bình một năm của TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Mưa xối xả như vậy thì hạ tầng nào chịu đựng được. Từ đó, gây ra ngập úng, lũ lụt", TS Huy nêu thực trạng.
Theo TS Huy, trong quy hoạch xây dựng hạ tầng, các địa phương đã xây dựng kịch bản cho đầu tư hạ tầng tương thích với thời tiết cực đoan hay chưa. Bởi thời tiết cực đoan đã phơi bày nhiều sự thật ở các đô thị.
Do đó, trong giai đoạn này, trong quá trình lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, các địa phương nên cân nhắc xây dựng và đưa kịch bản này vào quy hoạch.
Bên cạnh mưa lũ, TS Huy cũng chỉ ra hình thái thời tiết cực đoan vào mùa hè khi nhiệt độ tăng cao, có nơi tăng lên trên 42 độ C. Thế nên, việc quy hoạch xây dựng đô thị cũng cần tính đến các tiện ích cho người dân khi bước vào mùa hè.
Trong khi đó, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng cho rằng, trong bối cảnh thời tiết cực đoan, nhất thiết cần xây dựng phương án thích ứng thay vì "chống".
Trong đó, xây dựng các mô hình cảnh báo thiên tai thông qua các app hoặc các trang web cập nhật thông tin liên tục từng vị trí, tuyến đường cụ thể đang ngập sâu, đang kẹt xe, đang có hỏa hoạn… để người tham gia giao thông né tránh nhằm hạn chế thấp nhất các rủi ro, thiệt hại.
"Tôi cho rằng việc xây dựng bản đồ rủi ro là cần thiết, tập dần với biến đổi khí hậu để có sự thích ứng, kể cả việc xây dựng hạ tầng.
Chúng ta không thể "chạy theo" diễn biến cực đoan để xây dựng những công trình hạ tầng để chống một đợt mưa lớn cực đoan mà 10 năm mới xảy ra một lần", ông Hùng gợi ý.