Tìm giải pháp cung ứng điện và gỡ vướng mặt bằng dự án điện tại Vĩnh Phúc
Ngày 6/10/2023, tại Vĩnh Phúc, đã diễn ra Hội nghị đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Vĩnh Phúc và bàn giải pháp gỡ vướng dự án điện.
Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng các đơn vị liên quan.
Triển khai nhiều dự án cấp điện
Những năm gần đây, với nhiều cơ chế chính sách hợp lý, cùng sự đổi mới, cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư ngày càng chuyển biến tích cực, đã giúp Vĩnh Phúc trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư, nhất là vào khu công nghiệp.
Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 29 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 35 lượt dự án, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 467,87 triệu USD và 5.881,3 tỷ đồng.
Tính đến ngày 15/9/2023, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc là 468 dự án, gồm 107 dự án đầu tư DDI với tổng vốn đầu tư 32.454,25 tỷ đồng; 361 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6.266,94 triệu USD. Hiện có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc.
Công nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, cuộc sống của người dân cũng được nâng lên. Nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn Vĩnh Phúc không ngừng tăng qua từng năm.
Báo cáo của EVN cho thấy, hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc được cấp điện từ TBA 220kV Vĩnh Yên (2x250MVA), Vĩnh Tường (1x250MVA) và các đường dây 110kV liên kết với lưới điện TP. Hà Nội và tỉnh Phú Thọ. Mức mang tải trung bình của các TBA 220kV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 70-75%, tuy nhiên, trong một số thời điểm nắng nóng, mức mang tải của các MBA 220kV có thể lên đến 95%. Lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 12 trạm biến áp với tổng công suất đặt là 1.327MVA.
Tỉnh Vĩnh Phúc có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao của miền Bắc, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 14,27%/năm, giai đoạn 2021-2022, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,23%/năm. Sản lượng điện thương phẩm năm 2023 dự kiến đạt hơn 4 tỷ kWh, tăng 4,18% so với năm 2022.
Để đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Vĩnh Phúc và khu vực lân cận trong thời gian tới, EVN và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang triển khai công tác đầu tư xây dựng hàng loạt công trình.
Cụ thể, Dự án Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên và mở rộng ngăn lộ 500kV tại TBA 500kV Vĩnh Yên (dự kiến khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2027). EVN kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc bổ sung đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 để bố trí quỹ đất thực hiện dự án. Không thay đổi hướng tuyến đã thỏa thuận, đảm bảo các quy hoạch khác không chồng lấn lên hướng tuyến của dự án.
Dự án Trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên và đường dây đấu nối, hiện tại, phần TBA chưa có mặt bằng để triển khai thi công, phần đường dây đấu nối phải điều chỉnh hướng tuyến theo yêu cầu của địa phương.
Dự án TBA 220kV Bá Thiện và đường dây 220kV Việt Trì – Tam Dương – Bá Thiện, đến nay mặt bằng trạm chưa được bàn giao (đã kiểm kê xong), đường dây phải thực hiện điều chỉnh hướng tuyến tại một số đoạn tuyến.
Dự án Lắp máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Bá Thiện, chưa thi công do chưa có mặt bằng TBA 220kV Bá Thiện.
Lắp máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Vĩnh Tường (Dự án đã khởi công tháng 11/2022, dự kiến hoàn thành quý IV/2023), Dự án đang thi công, đáp ứng tiến độ dự kiến.
Trạm biến áp 220kV Mê Linh và đấu nối đường dây 220kV Mê Linh - Bá Thiện (dự kiến khởi công dự án quý III/2026, đóng điện quý IV/2027), hiện tại, Bộ KH&ĐT đang thẩm định Chủ trương đầu tư của dự án để trình TTCP xem xét phê duyệt.
Trạm biến áp 220kV Tam Dương và đấu nối (dự kiến dự án khởi công quý IV/2025, dự kiến hoàn thành đóng điện quý IV/2026), Dự án đang trong giai đoạn trình, duyệt Chủ trương đầu tư. Đường dây 500kV Tây Hà Nội - Vĩnh Yên (dự kiến khởi công quý II/2027, hoàn thành đóng điện quý III/2028) đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Đối với dự án lưới điện phân phối 110kV, giai đoạn từ tháng 9/2023 – 2025, EVNNPC đang đầu tư 18 dự án lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư là 1.852 tỷ đồng.
Còn nhiều vướng mắc trong đầu tư
Tại hội nghị, lãnh đạo EVN cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện công tác đầu tư xây dựng, EVN và các đơn vị thành viên gặp phải các khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, đối với Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/05/2023, tuy nhiên hiện mới chỉ có cơ sở tiếp tục thực hiện các dự án chuyển tiếp từ Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đối với Quy hoạch tỉnh, EVN đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các đơn vị liên quan cập nhật, bổ sung và hiệu chỉnh các nội dung góp ý của EVN vào Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc.
Về chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư thực hiện dự án, theo Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, với các dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) các công trình lưới điện mà có đề nghị Nhà nước giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu thì đều phải trình chủ trương đầu tư lên UBND cấp tỉnh (với các dự án trên địa bàn 01 tỉnh) hoặc Thủ tướng Chính phủ (với các dự án trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên). Trong quá trình Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT), một trong các điều kiện hồ sơ được thông qua là dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư theo quy định tại Luật số 61.
Nhiều dự án gặp khó khăn trong thỏa thuận tuyến đường dây, vị trí TBA như: Dự án Trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên và đường dây đấu nối, TBA 220kV Bá Thiện và đường dây 220kV Việt Trì – Tam Dương – Bá Thiện, Trạm biến áp 220kV Mê Linh và đấu nối đường dây 220kV Mê Linh - Bá Thiện, Đường dây 500kV Tây Hà Nội - Vĩnh Yên.
Trong bồi thường giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn như: Dự án Trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên và đường dây đấu nối, TBA 220kV Bá Thiện và đường dây 220kV Việt Trì – Tam Dương – Bá Thiện
Để thực hiện được chương trình đầu tư các dự án điện theo quy hoạch được duyệt, hoàn thành nhiệm vụ cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, EVN, EVNNPT đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên trong công tác đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch.
Liên quan đến các dự án cụ thể, Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, các đơn vị của ngành điện trong công tác lập, trình, thẩm định Quy hoạch tỉnh và xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc (trong đó có danh mục các dự án điện, kế hoạch sử dụng đất,...) trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có căn cứ thực hiện, trong đó đề xuất các có cơ chế để thuận tiện trong quá trình triển khai, hạn chế phải điều chỉnh quy hoạch.
Đề ngị UBND tỉnh hỗ trợ EVNNPT và các đơn vị ngành điện trong công tác chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đối với các dự án lưới điện theo quy định của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14.
Đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện tạo điều kiện và hỗ trợ EVNNPT và các đơn vị ngành Điện trong công tác thỏa thuận hướng tuyến đường dây và vị trí TBA, bồi thường GPMB theo mục tiêu tiến độ yêu cầu, đảm bảo đủ quỹ đất cho các công trình điện để thực hiện đầu tư theo quy hoạch được duyệt.
Cần sớm có giải pháp tháo gỡ
Tại buổi làm việc, ông Vũ Chí Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Phát triển điện lực tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá việc phối hợp giữa ngành Điện và UBND tỉnh trong thời gian qua được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, trong quá trình làm phát sinh một số khó khăn vướng mắc thuộc trách nhiệm của cả phía ngành Điện và UBND tỉnh.
“Việc đảm bảo cung ứng điện cho tỉnh trong giai đoạn tới là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, bởi có điện mới thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút được đầu tư. Vì vậy tỉnh Vĩnh Phúc cam kết sẽ vào cuộc quyết liệt để gỡ vướng mắc cho dự án điện”, ông Vũ Chí Giang nhấn mạnh.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc – Lê Duy Thành cảm ơn EVN, EVNNPT và Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) trong thời gian qua đã quan tâm đầu tư nhiều dự án điện trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu điện với chất lượng ngày càng cao, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp.
Xác định điện phải đi trước một bước, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn chủ động, tạo điều kiện trong việc phát triển các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung, chủ động, linh hoạt trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án lưới điện đang triển khai trên địa bàn; thường xuyên báo cáo các vướng mắc của từng dự án để lãnh đạo UBND tỉnh giải quyết kịp thời, dứt điểm.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Công Thương chủ trì đầu mối phối hợp với các đơn vị ngành Điện xây dựng kế hoạch chi tiết, tổng thể các dự án, những khó khăn vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết để tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh giải quyết, nhất là những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Sở TN&MT Vĩnh Phúc tham mưu tất cả những vấn đề vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai, xác định giá đất… Các sở, ngành khác thực hiện với trách nhiệm cao nhất trong chức năng nhiệm vụ của mình.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy của tỉnh Vĩnh Phúc phải xác định giải quyết vướng mắc đối với các dự án điện là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng nên tập trung nguồn lực cố gắng giải quyết dứt điểm vướng mắc của địa phương trong tháng 10/2023.
Về phía UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành khẳng định tỉnh Vĩnh Phúc cam kết cố gắng tập trung chỉ đạo ở mức cao nhất, đồng thời UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ kiểm điểm tiến độ các dự án điện vào sáng thứ 2 hàng tuần.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị EVN, các đơn vị thành viên tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với tỉnh Vĩnh Phúc, để giải quyết dứt điểm, kịp thời các khó khăn vướng mắc nhằm phát triển điện lực, đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn tỉnh.