Tìm giải pháp 'cứu' hành tinh xanh

Hội nghị cấp cao về khí đốt và năng lượng quốc tế vừa diễn ra tại Pháp thu hút sự tham dự của đông đảo quan chức các nước, lãnh đạo các tập đoàn, tổ chức quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường năng lượng.

Bình luận quốc tế

Đây là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách thảo luận về hạn chế sử dụng năng lượng phát thải các-bon, thúc đẩy phát triển bền vững, trong bối cảnh thế giới nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu hiện ở mức nguy cấp.

Hội nghị về khí đốt và năng lượng quốc tế năm nay có sự góp mặt của hàng loạt “tên tuổi lớn” trong ngành dầu khí, như các tập đoàn Total, Cheniere, EDF, Edison, EON, Gas Natural Fenosa, Gazprom, General Electric, Cơ quan Năng lượng quốc tế… Hội nghị diễn ra trong bối cảnh lượng khí thải toàn cầu đang tiến tới mức cao kỷ lục và chưa có dấu hiệu dừng lại. Kết quả phân tích mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy, nếu cả thế giới chung tay hành động ngay từ lúc này, thì vẫn có cơ hội giảm lượng khí thải các-bon trong 12 năm tới và có thể giữ được tốc độ tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới mức 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Nhiều giải pháp công nghệ mới hiện đang giúp người dân có thể sử dụng năng lượng sạch ở mức giá thấp hơn, do vậy thế giới cần hạn chế dùng các loại năng lượng hóa thạch và chuyển sang năng lượng tái tạo. Đó cũng là mục tiêu mà ngành công nghiệp khí đốt và năng lượng hiện nay hướng tới. Tình trạng khẩn cấp của biến đổi khí hậu đặt ra yêu cầu thay đổi sâu sắc trong việc sử dụng năng lượng, nhằm giảm lượng khí thải nhà kính và đạt được mục tiêu trung hòa các-bon.

Sự thay đổi này dựa trên hai yếu tố giảm tiêu thụ năng lượng và khử các-bon cho năng lượng tiêu thụ. Để đạt được mục tiêu thứ hai, ý tưởng điện khí hóa là điều cần thiết cho một “hành tinh trung hòa các-bon” và ý tưởng này đã được ủng hộ mạnh mẽ trong ngành năng lượng châu Âu. Các chuyên gia khẳng định, điện được sản xuất bằng năng lượng tái tạo, mà không phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, có hiệu quả hơn nhiên liệu hóa thạch và mang lại lợi nhuận kinh tế.

Báo cáo về “Triển vọng năng lượng thế giới 2019” do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố khẳng định, nếu muốn tháo ngòi nổ “quả bom hẹn giờ biến đổi khí hậu”, thế giới phải nỗ lực nhiều hơn nữa để phát triển năng lượng một cách bền vững nhằm đáp ứng tốc độ gia tăng dân số, cũng như giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nếu không có thay đổi trong các chính sách năng lượng hiện nay, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng mỗi năm tăng 1,3%, đến năm 2040, tình trạng căng thẳng sẽ diễn ra trong tất cả các phân đoạn trên thị trường năng lượng; và bài toán về khí thải sẽ vẫn không có lời giải. Theo IEA, phát triển bền vững sẽ giúp giảm nhanh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch được cắt giảm nhưng vẫn có thể đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số như dự báo. Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi vai trò mạnh mẽ của các nhà hoạch định chính sách.

Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu cam kết kiềm chế mức tăng nhiệt độ dưới 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, một báo cáo mang tính bước ngoặt của Liên hợp quốc đưa ra tháng 10-2018 lại kết luận rằng, lượng khí thải CO2 phải giảm đáng kể, tới 45% vào năm 2030 và “về không” vào năm 2050, nếu muốn duy trì mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng an toàn, không quá 1,5oC. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo, phần lớn những cam kết quốc gia trong Thỏa thuận

Paris chưa tương xứng, để có thể loại bỏ hậu quả tồi tệ nhất của tình trạng trái đất nóng lên. Trong khi nhiều nước nỗ lực đạt mục tiêu đã đề ra, thì vẫn có tới 136 nước thiếu cam kết và hành động đủ mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, trong danh sách này, có cả các nước có lượng khí thải lớn hàng đầu thế giới.

Biến đổi khí hậu có thể khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 7.900 tỷ USD vào năm 2050 do hạn hán, lũ lụt và các vụ mùa thất thu ngày càng gia tăng làm cản trở tốc độ tăng trưởng và đe dọa hạ tầng cơ sở. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đề xuất, các quốc gia có lượng phát thải các-bon nhiều nhất thế giới nên đánh thuế phát thải ở mức cao (75 USD/tấn).

Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm “cứu” hành tinh xanh, trước khi quá muộn. Song để thực thi và đạt được các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris, thế giới cần nhanh chóng biến cam kết thành hành động quyết liệt, với ý chí chính trị cao nhất từ mỗi quốc gia.

BẢO ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/42349202-tim-giai-phap-%E2%80%9Ccuu%E2%80%9D-hanh-tinh-xanh.html