Tìm giải pháp 'đại chúng hóa' sản phẩm đầu tư
Hợp tác giữa các công ty quản lý quỹ với các doanh nghiệp Fintech (công nghệ tài chính) góp phần đưa các sản phẩm đầu tư tiếp cận rộng rãi hơn tới người dân, nhưng chỉ thêm Fintech là chưa đủ.
Đa dạng kênh phân phối sản phẩm đầu tư
Hệ thống phân phối chứng chỉ quỹ trên thế giới hiện nay khá đa dạng, tùy thuộc theo đặc thù về nhu cầu đầu tư, quy định pháp luật của từng quốc gia mà công ty quản lý quỹ có thể phát triển kênh phân phối phù hợp. Các đối tác phân phối truyền thống thường là các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty tư vấn quản lý gia sản (wealth manager), đại lý…, cho đến các hình thức hiện đại hơn như nền tảng đầu tư online của các công ty Fintech, ví điện tử…
Tại Việt Nam, việc xây dựng hệ thống phân phối chứng chỉ quỹ mở mới chỉ tập trung tại chính công ty quản lý quỹ và một số công ty chứng khoán, đại lý phân phối. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, với sự phát triển nhanh của công nghệ, công ty quản lý quỹ cũng đã áp dụng các hình thức bán hàng qua nền tảng online, mang lại sự thuận tiện cho nhà đầu tư.
Nói về các ứng dụng đầu tư chứng chỉ quỹ mở có thể kể đến Fmarket - một trong những ứng dụng phân phối chứng chỉ quỹ mở đầu tiên trên thị trường, được ví von như siêu thị quỹ tại Việt Nam. Theo giới thiệu của đơn vị này, trên ứng dụng có hơn 40 sản phẩm quỹ với hơn 150.000 người dùng, giá trị mua qua ứng dụng trên 1.500 tỷ đồng. Mô hình kinh doanh của Fmarket không mới ở trên thế giới, bởi đã có rất nhiều công ty triển khai như TD Ameritrade, Vanguard.., nhưng có thể nói, ở Việt Nam, Fmarket là một trong những đơn vị tiên phong.
Ngoài ra, có thể kể đến Momo - ví điện tử “quốc dân” với hơn 31 triệu người dùng. Đơn vị này hợp tác với nhiều định chế tài chính, trong đó có các quỹ đầu tư, nhằm cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích, từ thanh toán, các dịch vụ thu hộ, đến các chứng chỉ quỹ… tới khách hàng. Momo giúp kết nối nhu cầu đầu tư và là giải pháp thanh toán cho người dùng trong giao dịch mua/bán chứng chỉ quỹ mở do công ty quản lý quỹ quản lý, cho phép thanh toán trực tiếp bằng nguồn tiền ví momo.
Một nền tảng khác gần đây cũng gây chú ý trên thị trường là VNSC by Finhay. Nền tảng này hiện đang có số lượng lớn người dùng là các nhà đầu tư bán chuyên, với hạn chế về thời gian và kiến thức khi đầu tư. VNSC by Finhay góp phần đa dạng hóa các lựa chọn cho người dùng, giúp họ dễ dàng tiếp cận kênh đầu tư chứng chỉ quỹ với số vốn không lớn, được quản lý bởi các tổ chức chuyên nghiệp.
Ngoài các Fintech trên, trên thị trường hiện cũng có rất nhiều ứng dụng tài chính khác được phát triển như tikop - hướng đến các cá nhân, nhà đầu tư nhỏ quan tâm đầu tư, là ứng dụng tiết kiệm Fintech tại Việt Nam. Hay ứng dụng Momi với nhiều tính năng, hỗ trợ khách hàng chọn mua các sản phẩm bảo hiểm online, đầu tư chứng chỉ quỹ, quản lý hợp đồng bảo hiểm…
Lẽ dĩ nhiên, ở góc độ công ty quản lý quỹ, để được nhà đầu tư đón nhận, tiên quyết vẫn là tạo dựng uy tín và niềm tin với khách hàng, tăng cường chia sẻ giúp cho nhà đầu tư cá nhân hiểu hơn về các sản phẩm quỹ với những lợi thế vượt trội so với tự đầu tư. Song song đó là bài toán cung cấp thêm nhiều sản phẩm quỹ ra thị trường, tăng tính đa dạng và có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu, khẩu vị rủi ro của khách hàng.
Việc cố gắng đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài và quản trị rủi ro cho khách hàng được cho là các yếu tố tiên quyết để quỹ đầu tư hút được vốn từ nhà đầu tư đại chúng. Cùng với đó là chất lượng dịch vụ đi kèm, các tiện ích từ hệ thống giao dịch.
Đối với kênh phân phối, ngoài các kênh truyền thống, các công ty quản lý quỹ cũng tích cực trong việc mở rộng hợp tác với các đối tác công nghệ để nhà đầu tư có thể tiếp cận dễ dàng hơn với sản phẩm quỹ, hợp tác với các đối tác nước ngoài để đưa quỹ nội địa đến với nhà đầu tư nước ngoài.
Chờ đợi sự tham gia của ngân hàng
Việc cấp giấy phép phân phối chứng chỉ quỹ cho ngân hàng là cách để thị trường Việt Nam có hệ thống phân phối sản phẩm đầu tư mạnh như các quốc gia khác.
Theo ông Nguyễn Nghĩa Tuấn, Phó giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM), hiện nay vẫn đang thiếu vắng quy định cụ thể về eKYC (xác minh danh tính của khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ điện tử), dẫn đến việc vận hành sản phẩm qua các kênh online vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư trong nước vẫn chưa thực sự quen thuộc với khái niệm đầu tư thông qua quỹ, mà chủ yếu muốn tự đầu tư trên thị trường chứng khoán, minh chứng là thanh khoản giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán chủ yếu vẫn đến từ nhà đầu tư cá nhân.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Hoài Thu, CFA, Tổng giám đốc Khối Đầu tư chứng khoán, VinaCapital, để ngành quỹ mở tại Việt Nam có thể phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn, có thể cân nhắc áp dụng một số giải pháp.
Đầu tiên, có thể xem xét cho phép các ngân hàng được tham gia phân phối chứng chỉ quỹ sau khi thỏa mãn một số điều kiện, giống như cách hầu hết các nước trên thế giới đang áp dụng.
Đây cũng là quan điểm đồng nhất của nhiều nhà quản lý quỹ đầu tư trên thị trường. Việc cấp giấy phép phân phối chứng chỉ quỹ cho ngân hàng là cách để thị trường Việt Nam có hệ thống phân phối sản phẩm đầu tư mạnh như các quốc gia khác.
Thực tế hiện nay, nhiều ngân hàng có tệp khách hàng đa dạng, nhu cầu đầu tư lớn và để đáp ứng nhu cầu khách hàng, các ngân hàng kết hợp cùng công ty chứng khoán, giới thiệu khách hàng có nhu cầu có thể mua chứng chỉ quỹ qua công ty chứng khoán. Vì vậy, các công ty chứng khoán có ngân hàng mẹ có lợi thế khá tốt trong hoạt động này.
Bên cạnh đó, bà Hạnh cho rằng, cần tổ chức đào tạo và cấp chứng nhận tư vấn quỹ mở cho đội ngũ chuyên viên ngân hàng, môi giới chứng khoán, bảo hiểm… Việc này sẽ giúp đảm bảo rằng những người tư vấn sản phẩm quỹ mở phải có đủ kiến thức, hiểu biết về thị trường và tài chính cá nhân, nhờ đó sẽ tư vấn hiệu quả và mang lại thêm lợi ích cho nhà đầu tư cá nhân, cũng như lợi ích chung cho toàn thị trường.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, theo bà Hạnh, là việc tích hợp quỹ mở vào các quỹ hưu trí phổ thông dành cho cá nhân, tương tự như ở Hồng Kông (Trung Quốc) hay Singapore. Người dân tham gia các quỹ hưu trí này vừa được hưởng ưu đãi thuế, vừa được tiếp cận các giải pháp đầu tư hiệu quả trong dài hạn. Các quỹ hưu trí này còn giúp nâng cao kiến thức của người dân về đầu tư tài chính, quỹ mở, nhờ đó thị trường quỹ sẽ được hưởng lợi.