Đã có giải pháp để hạn chế ngập lụt ở Cần Thơ
Ngày 25/7, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chủ trì cuộc họp để giải quyết các bất cập trong tổ chức giao thông, xử lý các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông và giải quyết vấn đề ngập nước trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Theo dữ liệu ngập đo được sơ bộ, trên địa bàn một số phường trung tâm của Cần Thơ có khoảng 20 tuyến đường chính, khu dân cư xảy ra tình trạng ngập, nghẹt, độ sâu ngập trung bình từ 0,1m đến 0,3m; thời gian ngập trung bình từ 2 giờ đến 4 giờ.
Một số tuyến đường ngập sâu như đường Hùng Vương, Trần Việt Châu, Nguyễn Văn Cừ; khu dân cư Metro, đường 91B, Nguyễn Văn Linh. Cùng với đó, tại một số thời điểm trong năm từ tháng 8 đến tháng 12, trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra các trận ngập sâu, trên diện rộng, trùng với thời điểm lũ trên sông đạt đỉnh và triều cường lớn nhất vào các tháng 9, 10, 11 hằng năm.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chủ trì cuộc họp
Theo Sở Xây dựng Cần Thơ, về kết quả khảo sát thực địa các tuyến đường, khu vực trên địa bàn, đã đánh giá sơ bộ nguyên nhân gây ngập là miệng thu nước nhỏ, không đủ diện tích thu nước mặt trên đường; bị rác, bùn lấp.
Cùng với đó, hố ga chưa được nạo vét thường xuyên, bị lắng bùn, rác nhiều; một số tuyến đường có cao độ thấp.
Bên cạnh đó, cửa xả, rạch bị lấn chiếm, thu hẹp, không còn khả năng tiêu thoát nước nhanh, tồn đọng nhiều rác, chất thải, bùn. Ngoài ra, cống được đầu tư lâu, hiện nay đã quá tải, không còn đủ năng lực thoát nước.
Sở Xây dựng Cần Thơ đề xuất giải pháp trước mắt là thực hiện ngay việc nạo vét, duy tu, bảo dưỡng các cửa xả, hố thu nước, hố ga, lòng cống thoát nước cho toàn bộ tuyến đường, khu vực thường xuyên ngập, nhằm tạo sự thông thoáng dòng chảy cho hệ thống thoát nước.
Nạo vét định kỳ 2 lần/năm đối với các điểm xung yếu, cửa xả, tuyến cống chính thường xuyên bị ngập, tạo điều kiện tốt nhất cho việc thoát nước khi xảy ra mưa lớn, triều cường.

Mỗi khi mưa lớn kéo dài nhiều tuyến đường ở Cần Thơ bị ngập
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, các hộ kinh doanh, buôn bán trên địa bàn không xả rác, cặn bã thức ăn, chất thải trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh xuống hố thu nước, hố ga, cửa xả. Kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi xả rác, chất thải, gây cản trở dòng nước, lấn chiếm kênh rạch thoát nước trên địa bàn quản lý.
Nhằm có giải pháp lâu dài để khắc phục, giảm ngập cho các tuyến đường, khu vực trung tâm thành phố Cần Thơ, Sở Xây dựng đề xuất nghiên cứu cải tạo hệ thống thoát nước và rà soát lại thiết kế để có giải pháp đấu nối thoát nước phù hợp với độ dốc, dòng chảy, cao độ tại một số tuyến đường.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Văn Lâu cho biết, vấn đề ngập của thành phố do yếu tố khách quan như biến đổi khí hậu, triều cường, mưa lớn; và yếu tố chủ quan như thiết kế, xây dựng, quản lý hệ thống thoát nước chưa hợp lý; việc lấn chiếm lòng, lề đường, kênh mương; quản lý trật tự đô thị, xây dựng còn lỏng lẻo.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Văn Lâu yêu cầu vận hành hiệu quả các cống ngăn triều
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia; phát động phong trào thu gom rác, nạo vét kênh mương. Đồng thời, kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thoát nước. Cùng với đó, vận hành hợp lý các công trình như cống, âu thuyền. Đối với giải pháp dài hạn thì cần phải lập quy hoạch hệ thống thoát nước, đê kè cho toàn khu vực. Ngoài ra, nghiên cứu, đầu tư hệ thống bơm điện tự động tại các điểm thường xuyên ngập.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Văn Lâu nhấn mạnh: “Thành phố đã đầu tư nhiều hạng mục như cống, âu thuyền, vì vậy cần vận hành hiệu quả, tránh lãng phí. Trong giai đoạn này, khi các công trình chưa được bàn giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay Sở Tài nguyên và Môi trường, tôi đề nghị Ban Quản lý ODA chủ động vận hành hợp lý. Nếu trời mưa mà tôi trực tiếp đi kiểm tra, phát hiện vận hành không đúng, thì các đồng chí phải chịu trách nhiệm”.