Tìm giải pháp để HTX thuận lợi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư
Việc di dời trang trại, cơ sở chăn nuôi ra ngoài khu dân cư là vấn đề không hề đơn giản đối với các HTX vì liên quan đến nhiều yếu tố, đặc biệt là về đất và vốn đầu tư.
Theo đại diện nhiều HTX, HTX ủng hộ chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc di dời cơ sở chăn nuôi nhằm phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với xu thế thời đại. Nhưng muốn vậy, cần có cơ chế, chính sách rõ ràng, nhất là về quỹ đất. Đi liền với đó là cần có lộ trình cụ thể hơn nữa để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng trong chăn nuôi mà HTX đang là nhân tố quan trọng.
Vẫn còn nhiều thách thức
HTX Dịch vụ nông nghiệp An Tuệ (Gia Lai) đang nuôi chim yến. Các nhà yến của thành viên HTX đều trong khu dân cư nên phát sinh tiếng ồn, gây ô nhiễm và có khả năng lây lan dịch bệnh. Dù rất muốn chuyển ra ngoài khu dân cư để chuyên tâm sản xuất nhưng theo các thành viên HTX, chi phí di dời nhà nuôi chim yến là cả vấn đề lớn. Có trường hợp nhà nuôi yến cũng đang đặt tại nhà ở của thành viên. Bên cạnh đó, câu chuyện quy hoạch khu vực được phép nuôi chim yến ổn định, lâu dài... chưa được địa phương quan tâm giải quyết triệt để nên rất khó cho HTX.
Các thành viên HTX An Tuệ đều mong muốn việc quy hoạch vùng nuôi chim yến ở xa khu dân cư phải song hành với quy hoạch điện, đường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Có như vậy, các thành viên HTX mới thực sự yên tâm với nghề, từ đó thu hút thêm thành viên vào HTX, vì nghề nuôi yến đang cho giá trị kinh tế cao, thị trường xuất khẩu rộng mở.
Bà Đinh Thị Hằng, Giám đốc HTX Hà Anh (Bắc Kạn) cho biết, thông thường người dân phải đầu tư số tiền khá lớn để xây dựng trang trại chăn nuôi, làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận chăn nuôi. Nhiều thành viên, HTX phải đứng ra vay ngân hàng mới có vốn đầu tư, nếu di dời chắc chắn sẽ mất một thời gian và trong khoảng thời gian đó, hoạt động chăn nuôi sẽ bị gián đoạn, làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng.
Theo đại diện các HTX, trong 3 năm qua, việc sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Ngành chăn nuôi gặp rất nhiều vấn đề về dịch bệnh, giá cả đi xuống, thị trường khó khăn, phải cạnh tranh với thịt ngoại nhập khẩu ồ ạt. Chính vì vậy mà nhiều HTX chăn nuôi rơi vào cảnh nguồn lực cạn kiệt, trong khi việc di dời, chuyển trang trại ra khu vực mới cần một nguồn vốn phù hợp để đầu tư đồng bộ hơn mới có hiệu quả về kinh tế, môi trường.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho rằng, nhiều địa phương hiện nay vẫn chưa quan tâm đến việc bố trí quỹ đất cho HTX nói chung và HTX chăn nuôi nói riêng, nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho HTX di dời trang trại ra khỏi khu dân cư. Các ngành chức năng cũng chưa có một cuộc điều tra, khảo sát, thống kê cụ thể xem có bao nhiêu trang trại chăn nuôi phải di dời ngay, bao nhiêu trang trại dù trong khu dân cư nhưng vẫn đảm bảo yếu tố môi trường, quy trình chăn nuôi vẫn đảm bảo sạch để có thời gian di dời phù hợp theo lộ trình.
Để HTX không "đơn độc"
Theo tiêu chuẩn chuồng trại trong chăn nuôi, mỗi con lợn nái hậu bị cần 2 - 3m2; lợn đang mang thai cần 6m2, lợn nái nuôi con cần 8 - 10m2. Chi phí đầu tư chuồng trại trong chăn nuôi lợn thịt bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm là khoảng 16-20 triệu đồng/con.
Như vậy, để đầu tư một mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa cần diện tích đất và nguồn vốn không nhỏ. Đó là chưa tính đến chăn nuôi gia súc, chi phí đầu tư và diện tích đất cần lớn hơn nhiều. Với nguồn đầu tư lớn, HTX phải mất vài năm chăn nuôi thuận lợi mới có thể thu hồi vốn. Và việc nhiều địa phương chưa chú trọng bố trí quỹ đất dành riêng cho chăn nuôi cho thấy không gian cho mô hình này đang rất chật chội.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, để người dân, HTX di dời trang trại ra khỏi khu dân cư thuận lợi, việc đầu tiên là cần nhanh chóng tạo điều kiện bố trí quỹ đất cho chăn nuôi tại các địa phương.
Nhiều vùng hiện nay có tình trạng đất đai bỏ hoang sản xuất kém hiệu quả không ít nhưng các HTX chăn nuôi lại không thể thuê đất, mua đất để tổ chức sản xuất theo hướng quy mô, hiện đại.
Trong khi đó, ngành chăn nuôi không chỉ cạnh tranh giữa các chủ trang trại trong nước mà còn cạnh tranh trên cả thế giới.
Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Long Thành Phát (Đồng Nai) cho biết, nếu trước đây, các nước lập ra hàng rào thuế quan để ngăn chặn sản phẩm nông nghiệp từ ngoài thì hiện nay lại lập ra hàng rào kỹ thuật (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, truy xuất nguồn gốc… - nói chung là những vấn đề liên quan an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng). Vì vậy, sản xuất theo quy trình đạt chuẩn là hướng đi buộc các HTX chăn nuôi phải theo. Do đó, khi chuyển ra khu vực mới, ngoài quỹ đất cần tích cực hỗ trợ về vốn cho người chăn nuôi chuyển đổi theo hướng hiện đại. Nếu không sẽ rất khó giải quyết tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, gây ô nhiễm trong khu dân cư.
Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương, nếu muốn các chủ trang trại di dời ra khỏi khu dân cư thuận lợi, các tỉnh, thành phố cần thành lập các cụm công nghiệp mới, có đất sạch, có cơ sở hạ tầng để HTX, doanh nghiệp chuyển ra. Đồng thời, các cụm công nghiệp phục vụ chăn nuôi mới này phải được xem xét, cân nhắc ở những vị trí phù hợp, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi để HTX có thể tận dụng nguồn lao động, dễ dàng liên kết với doanh nghiệp. Ngược lại, nếu địa phương bố trí quỹ đất nhưng không hợp lý, có khi việc chuyển ra ngoài khu dân cư lại khiến các trang trại rơi vào bế tắc trong phát triển.