Tìm giải pháp để 'làm tiến sĩ' thay vì 'học tiến sĩ'
Tới đây, Bộ Giáo dục & Đào tạo chú trọng xây dựng cơ chế chính sách để nghiên cứu sinh có thể đảm bảo cuộc sống, toàn tâm nghiên cứu.
Hoàn thiện chính sách nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ
Ngày 27/5, Hội thảo “Các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, gắn với nhu cầu nghiên cứu khoa học và nhóm nghiên cứu” với sự tham dự của đại diện Bộ KH&CN và hơn 20 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, số lượng và chất lượng công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã tăng hơn 3 lần so với 7 năm trước.
Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ là mục tiêu lớn của ngành giáo dục cần chinh phục (ảnh TL).
Kết quả này cho thấy sự chú trọng hội nhập thế giới cũng như năng lực nghiên cứu khoa học của các trường đại học.
Hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở GDĐH gắn bó mật thiết với công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ.
Mong muốn đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhân tài, tinh hoa, nên phải đảm bảo chất lượng đầu ra.
Các trường có trách nhiệm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, xây dựng các nhóm nghiên cứu trong trường, từ đó xây dựng uy tín thương hiệu của trường.
Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật này đã trao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, đề xuất các phương án hỗ trợ học phí, học bổng cho nghiên cứu sinh trong nước cũng như xây dựng cơ chế chính sách để nghiên cứu sinh có thể đảm bảo cuộc sống, toàn tâm toàn ý nghiên cứu.
Tại Hội thảo, Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thủy đã chia sẻ những định hướng sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, với nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và quy trình tổ chức đào tạo.
Trong hai năm qua, từ đăng ký chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ của các trường cho thấy, số trường đào tạo tiến sĩ gia tăng.
Tuy số ngành đào tạo giảm đi, tỷ lệ nghiên cứu sinh nhập học trong nước giảm sút, nhưng số lượng học viên đăng ký năm 2020 của các trường cao hơn nhiều so với năm 2019.
Đây là một tín hiệu đáng mừng. Khi Quy chế đi vào thực tiễn, các trường đã có sự chủ động nâng cao năng lực, đội ngũ mạnh hơn, công bố quốc tế.
Phải “làm tiến sĩ” thay vì “học tiến sĩ”
PGS. TS Trần Thị Thanh Tú, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho rằng, để đào tạo tiến sĩ thành công và đạt chuẩn quốc tế, yếu tố then chốt là chính sách thu hút GS nước ngoài, nghiên cứu sinh làm việc toàn thời gian và cần xây dựng nhóm nghiên cứu.
TS Nguyễn Đắc Trung, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bach Khoa Hà Nội nhấn mạnh: “Nghiên cứu sinh phải thực sự là người làm tiến sĩ, coi đây là công việc của họ, để toàn tâm toàn ý, từ đó nhận được lại thành quả.
Từ đây mới tạo nên động lực đúng đắn, thúc đẩy nghiên cứu sinh hoàn thành tốt công việc của mình”.
PGS. TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng cho biết, thành lập những nhóm nghiên cứu là một trong những giải pháp của trường nhằm thu hút nghiên cứu sinh.
Nghiên cứu sinh không có nhóm nghiên cứu thì không có sự hỗ trợ.
Thông qua các nhóm nghiên cứu, trường thu hút nhiều dự án để nghiên cứu giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Đồng thời, với cơ chế tự chủ, ngân sách cho phép trường hỗ trợ nghiên cứu sinh trong nghiên cứu khoa học, thưởng bài báo ISI,…
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, chủ đề của hội thảo gắn với nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh - là tổ ấm đề các nhà khoa học gắn bó và sáng tạo tốt nhất.
Các ý kiến thảo luận đều ủng hộ việc cần thiết hình thành các nhóm nghiên cứu, do đó cần cơ chế chính sách để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trong GDĐH.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó có dự thảo Nghị định hoạt động Khoa học công nghệ trong GDĐH.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tim-giai-phap-de-lam-tien-si-thay-vi-hoc-tien-si-post80824.html