Tìm giải pháp giảm bạo lực ở Trung Đông
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến thăm Trung Đông trong 3 ngày nhằm mục đích tìm kiếm giải pháp giảm căng thẳng đang leo thang nguy hiểm giữa Israel và Palestine.
Căng thẳng trong khu vực Trung Đông có thể sẽ tạo thêm áp lực cho chính quyền Mỹ giữa lúc Washington đang triển khai 2 mục tiêu lớn: “Đánh bại” Nga ở Ukraine và kiềm chế Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngày 30/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Ai Cập và hội đàm với Tổng thống Abdel Fattah Al-Sisi trước khi đến Jerusalem. Ai Cập đóng vai trò là quốc gia trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột giữa Israel với Palestine cũng như các quốc gia khác trong khu vực, vì vậy điểm dừng chân tại Cairo là rất cần thiết để ông Blinken tham khảo ý kiến đồng minh quan trọng này về tình hình an ninh, chính trị một số quốc gia, vùng lãnh thổ trước khi bắt tay vào việc với lãnh đạo Israel và Palestine để giải quyết xung đột đang bất ngờ bùng phát.
Xung đột bạo lực giữa Israel và người Palestine đã bắt đầu bùng phát từ 2 tuần qua, sau một cuộc tập kích của quân đội Israel vào lãnh thổ Palestine và leo thang trả đũa qua lại giữa 2 bên kể từ đó. Ngay trong ngày ông Blinken đến Jerusalem, quân đội Israel đã bắn chết một thanh niên người Palestine tại chốt kiểm soát ở Hebron thuộc khu Bờ Tây bị Israel chiếm đóng. Những sự cố như vậy xảy ra thường xuyên ở các vùng lãnh thổ của Palestine.
Hôm 27/1 xảy ra vụ các tay súng Palestine phục kích bên ngoài một giáo đường Do Thái ở Jerusalem và nổ súng giết chết 7 người, được xem là vụ tấn công tồi tệ nhất trong nhiều năm. Vụ nổ súng này được cho là hành động trả đũa của các tay súng Palestine sau khi quân đội Israel tiến hành một cuộc đột kích nguy hiểm nhất ở khu Bờ Tây trong nhiều thập kỷ, giết chết 10 người Palestine. Ít nhất 22 người đã thiệt mạng trong 2 tuần qua, với hàng chục vụ tấn công trả đũa nhắm vào người Israel và người Palestine, bao gồm cả các vụ xả súng, đốt xe và tài sản. Giới phân tích đánh giá mọi tình tiết bạo lực đều có khả năng châm ngòi cho đám cháy rộng hơn.
Tình hình bạo lực ở Trung Đông đã gây quan ngại không chỉ cho chính quyền Mỹ mà cả cộng đồng quốc tế đều quan tâm. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi kiềm chế sau đợt bùng phát bạo lực mới nhất. Trong cuộc điện đàm với ông Netanyahu hôm 29/1, ông Macron nhắc lại “sự cần thiết tránh các biện pháp có khả năng dẫn đến vòng xoáy bạo lực”, theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Pháp. Ông Macron cũng bày tỏ sẵn sàng đóng góp vào việc nối lại đối thoại giữa người Palestine và Israel.
Ngay sau buổi làm việc với Tổng thống Ai Cập, ông Blinken đã đến Jerusalem để hội đàm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Isaac Herzog. Trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp với ông Netanyahu, Ngoại trưởng Blinken đã lặp lại lời kêu gọi bình tĩnh và tái khẳng định nước Mỹ tin rằng tiến trình hòa bình hướng tới giải pháp hai nhà nước là “con đường duy nhất để tiến tới”. Ông nói: “Điều quan trọng là người dân Israel biết rằng cam kết của Mỹ đối với an ninh của họ vẫn rất vững chắc”, rằng “bất cứ điều gì khiến chúng ta rời xa giải pháp hai nhà nước đều có hại cho an ninh lâu dài của Israel”.
Ông nhấn mạnh: “Mỹ tiếp tục hỗ trợ duy trì hiện trạng tại các thánh địa ở Jerusalem”. Ông Blinken cũng kêu gọi chính phủ cực hữu của Israel đảm bảo rằng họ có được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng đối với chương trình nghị sự sâu rộng của mình, bao gồm cả việc đại tu hệ thống tư pháp của đất nước - một động thái đã vấp phải các cuộc biểu tình lớn ở các thành phố của Israel.
Chuyến thăm của ông Blinken còn được xem là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm nhanh chóng “thu phục” ông Netanyahu. Thủ tướng tại vị lâu nhất của Israel từng có mối quan hệ căng thẳng với Tổng thống Barack Obama và công khai chống lại chính sách ngoại giao của Mỹ với Iran.
Vài ngày trước chuyến thăm của ông Blinken, Giám đốc CIA William Burns và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã đến Trung Đông. Những hoạt động này cho thấy chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang “quan tâm chú ý” đến khu vực ở mức độ chưa từng có. Tình hình an ninh của khu vực này đang ngày càng gây lo ngại về mức độ gia tăng bạo lực và sự thụt lùi dân chủ ở Israel sẽ làm phức tạp thêm hai ưu tiên toàn cầu của nước Mỹ là “đánh bại” Nga ở Ukraine và kiềm chế Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các hành động từ chính phủ cực hữu của Israel sẽ tạo ra một “món nợ” ngoại giao quan trọng vào thời điểm mà Mỹ đang cố gắng cô lập Nga hơn nữa trên trường quốc tế. Cho đến nay, những nỗ lực khôi phục hiệp định hạt nhân năm 2015 với Iran gần như đã thất bại.
Các chuyên gia cho rằng Tổng thống Biden đang tìm cách “tránh đối đầu với Netanyahu”, trong khi đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát Hạ viện ủng hộ mạnh mẽ chính phủ cực hữu của Israel. Với việc đình trệ các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran và cáo buộc Iran cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến Ukraine, đã có sự hội tụ về quan điểm của Chính phủ Mỹ và Israel đối với Iran, nhưng Washington cũng cảnh giác với các hoạt động quân sự của Israel, như vụ máy bay không người lái tấn công vào một cơ sở tên lửa của Iran vào ngày 28/1.
Giới chuyên gia đặt câu hỏi liệu ông Blinken có thể đạt được bất kỳ đột phá nào trong chuyến đi của mình hay không. Aaron David Miller, một nhà đàm phán kỳ cựu của Mỹ, cho biết: “Điều tốt nhất họ có thể làm là giữ mọi thứ ổn định để tránh một tháng 5/2021 khác” đề cập đến 11 ngày giao tranh giữa Israel và Hamas kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian. Trong khi đó, ông Ghaith al-Omari, một cựu quan chức Palestine hiện đang làm việc tại Viện Washington, cho rằng ông Blinken lặp lại các quan điểm truyền thống của Mỹ hơn là tạo ra một nền tảng mới.
Trong cuộc gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm 31/1, ông Blinken sẽ yêu cầu người Palestine “làm nhiều hơn nữa” nhưng không xác định rõ họ “có thể làm gì”.