Tìm giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên (NHNN Phú Yên) vừa tổ chức ký kết quy chế phối hợp về đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giữa đơn vị này với Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Nữ doanh nhân, Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội Du lịch Phú Yên. Hoạt động này nhằm góp phần kết nối, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng được thuận lợi hơn.

Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến liên quan đến vấn đề nói trên.

ÔNG ĐẶNG HỒNG LĨNH,GIÁM ĐỐC NHNN PHÚ YÊN: Đẩy “hòn đá tảng” ngăn cách giữa đôi bên

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 4.200 doanh nghiệp hoạt động, chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Quy mô về vốn, nhân lực, cơ sở vật chất sẽ giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng còn hạn chế.

Vì vậy, thông qua việc ký kết quy chế phối hợp giữa các đơn vị, NHNN Phú Yên mong muốn ngân hàng và doanh nghiệp ngồi lại trao đổi, tìm ra nguyên nhân tại sao vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn. Vướng mắc từ đâu, từ phía ngân hàng hay doanh nghiệp chỉ muốn phát triển bằng vốn tự lực? “Hòn đá tảng” nào ngăn cách doanh nghiệp và ngân hàng đến với nhau? Nhiệm vụ của ngành Ngân hàng và các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn là phải tìm giải pháp cốt lõi để đẩy “hòn đá tảng” đó đi, để doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận vốn ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển.

Qua lễ ký kết, đại diện các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ ngồi lại trao đổi thẳng thắn. Những vướng mắc trong “hàng rào”, thuộc thẩm quyền giải quyết của NHNN Phú Yên hoặc các ngân hàng thương mại như thủ tục hành chính, điều kiện vay… thì cùng tháo gỡ. Còn đối với những vướng mắc ngoài “hàng rào”, lãnh đạo NHNN Phú Yên và các sở, ngành sẽ ghi nhận, kiến nghị với UBND tỉnh để chung tay giải quyết.

ÔNG NGÔ ĐA THỌ, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH: Nỗ lực từ hai phía để tạo dựng niềm tin

Lâu nay, nhiều doanh nghiệp rất muốn tiếp cận vốn ngân hàng nhưng lại không đủ điều kiện, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến hơn 90% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Để có vốn hoạt động, nhiều doanh nghiệp chấp nhận vay ngoài với lãi suất cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận, cũng như khả năng phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Vậy làm thế nào để doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận vốn ngân hàng? Theo tôi, cần có sự nỗ lực từ hai phía. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cho vay thì phải thu được nợ, muốn bơm vốn thì phải có niềm tin. Do đó trước hết, doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phải gầy dựng uy tín của mình thông qua các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có tính thuyết phục. Về phần ngân hàng, doanh nghiệp mong muốn ngân hàng tư vấn ngay từ đầu về cách thức xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Việc này giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong quá trình lập dự án, đồng thời giúp ngân hàng nắm rõ quyết tâm của doanh nghiệp, cũng như những nguồn lực doanh nghiệp đang có, những gì doanh nghiệp còn thiếu để dễ dàng hỗ trợ.

Hy vọng với cách làm nói trên, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp sẽ gắn kết ngày càng chặt chẽ.

ÔNG NGUYỄN HUỲNH VĨNH HUY, CHỦ TỊCH HỘI DOANH NHÂN TRẺ: Phát huy vai trò cầu nối, dẫn vốn cho doanh nghiệp

Điều vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay có lẽ là tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng lại đánh giá tài sản đảm bảo quá chắc chắn, định giá thấp tài sản rồi giảm hạn mức cho vay khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là đối với các doanh nghiệp đang cần vốn để phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Trên thực tế, bên cạnh các tài sản hữu hình như đất đai, nhà xưởng, máy móc, xe cơ giới… thì doanh nghiệp còn có uy tín, thương hiệu đã gầy dựng bao nhiêu năm trên thương trường. Đối với các doanh nghiệp có bề dày hoạt động, chúng tôi mong muốn ngân hàng có cái nhìn khách quan hơn trong việc định giá tài sản để nâng hạn mức cho vay. Bởi doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu không dễ dàng nên cũng sẽ không vì một số khó khăn mà chấp nhận đánh mất nó.

Hiện nay, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, các doanh nghiệp rất cần vốn để khôi phục hoạt động. Nếu không được tiếp vốn ngay lúc này, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển. Vì vậy, thông qua việc ký kết quy chế phối hợp giữa NHNN Phú Yên và các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn, tôi mong muốn các đơn vị liên quan sẽ tích cực phát huy vai trò cầu nối để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng thuận lợi.

BÀ PHẠM THỊ TƯƠNG LAI, ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH HIỆP HỘI DU LỊCH PHÚ YÊN: Tháo gỡ vướng mắc, mở đường cho doanh nghiệp phát triển

Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ngành Du lịch đã từng bước phục hồi nhưng chưa thể bình thường như trước nên vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực lưu trú, đầu tư vốn lớn, cần thời gian dài mới thu hồi được. Do đó, điều doanh nghiệp mong mỏi nhất hiện nay là ngân hàng nâng hạn mức cho vay cao hơn, xét duyệt cho vay với thủ tục đơn giản và thời hạn vay kéo dài hơn để doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi, phát triển.

Chúng tôi kỳ vọng quy chế phối hợp được ký kết giữa NHNN Phú Yên và các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lần này sẽ mở đường cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng thuận lợi hơn; đồng thời tháo gỡ được phần nào những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vay vốn.

Hiệp hội Du lịch Phú Yên hiện có hơn 100 doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm khoảng 20-30% doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Sau những nỗ lực kết nối, đem lại quyền lợi thiết thực cho hội viên như hiện nay, chúng tôi mong rằng hiệp hội sẽ thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia để cùng chung tay phát triển.

ÔNG NGUYỄN HƯNG HÒA, CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP TX SÔNG CẦU: Kết nối để giải quyết những vấn đề thiết thực

Sau khi các đơn vị liên quan ký kết quy chế phối hợp đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, theo tôi, các ngân hàng thương mại sẽ mạnh dạn hơn trong việc cho doanh nghiệp vay vốn. Nếu có vướng mắc một ít về mặt pháp lý thì ngân hàng cũng tự tin xử lý dưới sự giám sát của NHNN.

Về phần mình, thông qua quy chế phối hợp nói trên, hội sẽ là đơn vị kết nối, giúp doanh nghiệp tiếp cận với ngân hàng; nếu có vướng mắc, hội cũng sẽ đồng hành, hỗ trợ, giúp hai bên có thể ngồi lại để cùng tìm giải pháp tháo gỡ. Từ đó, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn hơn khi muốn vay vốn ngân hàng.

Hiện Hội Doanh nghiệp TX Sông Cầu có gần 200 doanh nghiệp thành viên. Lâu nay, chúng tôi chưa thống kê có bao nhiêu doanh nghiệp đã tiếp cận được vốn ngân hàng, bao nhiêu doanh nghiệp chưa. Tuy nhiên, sau hội nghị này, chúng tôi sẽ thống kê, thông báo với các doanh nghiệp có nhu cầu vốn hoặc có vướng mắc trong quá trình tiếp cận tín dụng ngân hàng thì thông tin để hội nắm bắt. Sắp tới, chúng tôi sẽ có kế hoạch mời lãnh đạo NHNN Phú Yên và lãnh đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tổ chức hội nghị kết nối riêng cho các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã.

Theo tôi, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng như môi với răng. Ngồi chung một con thuyền, hai bên phải có tư duy “win - win” (cùng thắng) thì mới có thể cùng phát triển.

Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc NHNN Phú Yên

LÊ HẢO (ghi)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/296926/tim-giai-phap-giup-doanh-nghiep-tiep-can-von-ngan-hang.html