Tìm giải pháp hạn chế tác hại của thuốc lá

Tác hại của thuốc lá với sức khỏe người dân thì đã rõ, thế nhưng giải pháp nào để hạn chế thì đến nay vẫn là một câu hỏi với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

 Mỗi năm Việt Nam có gần 6.000 người chết vì hít phải khói thuốc thụ động

Mỗi năm Việt Nam có gần 6.000 người chết vì hít phải khói thuốc thụ động

Tại Lễ phát động chiến dịch khách sạn, nhà hàng không khói thuốc do Bộ Y tế tổ chức mới đây, TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết, các sản phẩm thuốc lá gây tử vong sớm với người sử dụng nó - những người hút thuốc. Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có hơn 8 triệu người chết vì sử dụng thuốc lá. Còn tại Việt Nam, WHO ước tính có gần 40.000 người tử vong do sử dụng thuốc lá mỗi năm.

Hơn nữa, thuốc lá cũng có thể gây chết người cho những người không hút thuốc. Những người vô tội bao gồm cả phụ nữ và trẻ em không hút thuốc bị bệnh, thậm chí tử vong do hít phải khói thuốc từ người khác (hút thuốc lá thụ động). Trên toàn cầu, khói thuốc lá thụ động giết chết 1,2 triệu người mỗi năm, trong đó 64% nạn nhân là phụ nữ và 15% là trẻ em. Tức là gần 760.000 phụ nữ vô tội và 180.000 trẻ em vô tội chết vì hít phải khói thuốc lá thụ động. Tại Việt Nam, WHO ước tính mỗi năm có gần 6.000 người chết vì hít phải khói thuốc thụ động.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), để giảm thiểu tác hại của thuốc lá, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách mạnh mẽ. Theo đó, tháng 11/2004, Việt Nam đã tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá; Năm 2012, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội thông qua với nhiều quy định mạnh mẽ; Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá được thành lập để triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các hoạt động đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá; Nâng cao ý thức tuân thủ các quy định về địa điểm cấm hút thuốc, không hút thuốc nơi đông người, không hút gần mọi người.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực tế, nhiều người nghiện thuốc lá đã nhận thức được những tác hại của thuốc lá và muốn "cai" để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và những người xung quanh. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc BV K TƯ, việc cai bỏ thuốc lá điếu bằng ý chí là điều rất khó. Mặc dù chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp trong suốt chục năm nay nhưng tỷ lệ bệnh nhân thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại BV K TƯ, có một số trường hợp bệnh nhân bị chẩn đoán ung thư phổi nhưng họ vẫn tiếp tục hút thuốc dù được bác sĩ tư vấn rất kỹ và bản thân họ cũng hiểu thuốc lá độc hại như thế nào.

Theo các chuyên gia, việc cai hút thuốc cho đến nay vẫn là giải pháp tốt nhất đối với những người nghiện. Tuy nhiên, bác sĩ Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội Tổng Quát và Y học Gia đình (BV FV, TP. Hồ Chí Minh), cho biết, có khoảng 90% những người hút thuốc lá muốn bỏ thuốc lá nhưng bỏ không được.

Do không bỏ được thuốc lá, một số người đã chuyển sang hút thuốc lá thế hệ mới. Ngoài thuốc lá điện tử, mới đây Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép một sản phẩm thuốc lá làm nóng (làm nóng nguyên liệu thuốc lá khô) của Mỹ được phép thương mại và tiếp thị là sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ với chỉ định giảm thiểu phơi nhiễm với các chất gây hại lên cơ thể so với thuốc lá điếu. Đây là thiết bị điện đầu tiên và duy nhất được sự chấp thuận của FDA.

pv

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tim-giai-phap-han-che-tac-hai-cua-thuoc-la-20210409192740115.htm