Tìm giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp gắn với chuyển đổi số
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, Công ty TCP Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo 'Thực trạng và giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp với Chuyển đổi số' với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành cùng những tấm gương thanh niên khuyết tật khởi nghiệp số thành công và 35 đại biểu chính thức của chương trình.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về thực trạng, khó khăn, vướng mắc đã và đang gặp phải trong quá trình khởi nghiệp, những thắc mắc và mong muốn chính đáng trong cuộc sống, nhất là nhu cầu được trang bị kỹ năng, công cụ số để tự tin hơn khi khởi nghiệp với bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 diễn ra sâu rộng.
Vượt lên mọi mặc cảm
Là 1 trong 35 gương "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2023, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ quảng cáo B-ONE (tỉnh Đắk Lắk) Dương Đình Bảo cho biết: dù bị khuyết tật vận động, nhưng Bảo đã nỗ lực không ngừng để có được "đứa con tinh thần" là công ty truyền thông, quảng cáo, dạy thiết kế đồ họa online miễn phí trên mạng xã hội Youtube.
“Trước đây, tôi luôn mặc cảm với 2 từ khuyết tật. Năm 2015, sau tai nạn, tôi hụt hẫng vô cùng. Sau đó, tôi cũng cố gắng đi xin việc nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Tôi nhận ra rằng, nơi nào thương lắm thì người ta mới chịu nhận mình vào làm việc. Đến năm 2016, tôi tự thành lập công ty thiết kế đồ họa, tự chủ phát triển kinh tế và còn đào tạo, tạo việc làm cho những người đồng cảnh", Dương Đình Bảo chia sẻ.
Hiện nay, công ty của Dương Đình Bảo đã có 15 máy đào tạo online và offline. Kênh Tiktok của công ty có tới hàng chục nghìn người theo dõi.
Là 1 trong những nhà sáng lập Trung tâm Nghị lực sống – doanh nghiệp xã hội hỗ trợ người khuyết tật qua đào tạo nghề công nghệ thông tin miễn phí và các kỹ năng giúp người khuyết tật tìm được việc làm phù hợp, chị Nguyễn Thị Vân, cho hay: 20 năm kể từ ngày ra mắt, Trung tâm Nghị lực sống do cố Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng thành lập đã đào tạo miễn phí gần 2 nghìn học viên, hằng năm hỗ trợ việc làm cho 60-70 người khuyết tật.
Theo chị Vân, thực tế tại Việt Nam hiện nay, có đến 6,2 triệu người khuyết tật, nhưng trong đó rất ít người sở hữu việc làm với thu nhập ổn định. Bản thân Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Trung tâm Nghị lực sống cách đây 17 năm từng đến rất nhiều nhà hàng, cơ quan, doanh nghiệp để khảo sát và nhận thấy hầu như không có nhân viên nào là người khuyết tật.
“Hiện nay, vấn đề lớn trong lĩnh vực đào tạo là cần nắm bắt được xu hướng của thị trường. Chúng ta cần phải xem thị trường cần gì để dạy, nhất là trong tương lai để tập trung nguồn lực thay vì dàn trải theo lối mòn. Ngoài ra, cái khó cũng không nằm ở khâu đào tạo, mà là vấn đề "đầu ra". Vì vậy, chúng ta cần có những bước đi dài hạn, bền vững", chị Nguyễn Thị Vân nói.
Tìm kiếm giải pháp trong thời đại số
Anh Trịnh Công Thanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Việt Nam cho biết: trong 35 bạn trẻ khuyết tật tiêu biểu của chương trình năm nay, có nhiều người đã, đang tham gia kinh doanh trên nền tảng số ở nhiều mảng như quảng cáo, in ấn, đào tạo dạy nghề cho thanh niên khuyết tật, quảng bá đặc sản các địa phương...
Trong cộng đồng người khuyết tật Việt Nam, có nhiều cá nhân không hề thua kém diễn giả khuyết tật nổi tiếng Nick Vujicic. Đó chính là những tấm gương sáng với kinh nghiệm, kiến thức rất hữu ích để các bạn trẻ khuyết tật nói riêng và các bạn trẻ nói chung nỗ lực vượt khó trên con đường lập nghiệp.
Tại Hội thảo, bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người khuyết tật (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) nhận định: hiện 1 bộ phận không nhỏ thanh niên khuyết tật đang chịu nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nói chung, nền kinh tế số nói riêng đã mở ra những cơ hội mới để họ vượt rào cản, nắm bắt cơ hội, phát huy năng lực, hòa nhập và đóng góp tích cực, hiệu quả hơn cho cộng đồng.
Bà Đinh Thị Thụy cho rằng, những ngành nghề như lập trình, thiết kế đồ họa đang là lĩnh vực nổi trội, được các nhà tuyển dụng săn đón. Người khuyết tật có trình độ, chuyên môn ở các lĩnh vực trên hoàn toàn có cơ hội lớn để tìm được việc làm. Bởi ưu điểm của các lĩnh vực trên là đề cao sản phẩm, thành phẩm chứ không quan trọng khiếm khuyết cơ thể hay vấn đề sức khỏe kém.
“Để không lãng phí nguồn nhân lực này, bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật ở các địa phương, trường lớp, thì các công ty, tổ chức cũng cần chia sẻ thông tin về việc làm cho người khuyết tật để 2 bên có sự trao đổi nhằm đạt kết quả tốt nhất. Các trung tâm việc làm có thể tổ chức những chương trình như triển lãm sản phẩm của người khuyết tật, ngày hội việc làm...", Trưởng phòng Người khuyết tật gợi mở.