Tìm giải pháp khôi phục Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen
Sau khi Nga quyết định không gia hạn Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen, các nước bày tỏ quan ngại về quyết định này và cho biết đang nỗ lực tìm các giải pháp thay thế Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen
Ngày 17-7, Nga chính thức thông báo rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen. Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov thông báo: "Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen thực tế chấm dứt hiệu lực ngày hôm nay". Người phát ngôn trên nêu rõ: "Như Tổng thống Nga đã tuyên bố trước đó, thỏa thuận hết hiệu lực vào ngày 17-7. Đáng tiếc phần thỏa thuận liên quan đến Nga vẫn không được thực hiện. Vì vậy hiệu lực của thỏa thuận chấm dứt".
Sau khi chấm dứt thỏa thuận, Nga sẽ ngừng đảm bảo an toàn hàng hải cho các chuyến tàu chở ngũ cốc qua Biển Đen, thu hẹp hành lang nhân đạo trên biển Đen, khôi phục vùng hạn chế ở vùng biển phía Tây Bắc Biển Đen, đồng thời giải tán trung tâm điều phối ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova ngày 17-7 cho biết nước này đã chính thức thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc (LHQ) về việc không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc. Nga sẽ sớm công bố tuyên bố của Bộ Ngoại giao về vấn đề này
Lý do dẫn tới quyết định
Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen được Thổ Nhĩ Kỳ, LHQ đứng ra làm trung gian và được các bên liên quan ký vào ngày 22-7-2022 tại Istanbul. Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bằng việc cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine vốn bị chặn bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine. Gần 33 triệu tấn ngũ cốc đã được Ukraine xuất khẩu trong khuôn khổ thỏa thuận, trước khi chuyến tàu chở hàng cuối cùng rời quốc gia Đông Âu hôm 16-7. Thỏa thuận trên đã ba lần được gia hạn, lần gia hạn gần đây nhất hiệu lực từ 18-5 và kéo dài trong hai tháng.
Việc Nga từ chối tiếp tục gia hạn Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen đã được dự đoán từ lâu, bởi phía Nga đã không ít lần cảnh báo về các phần của thỏa thuận mà Nga quan tâm đã không được thực hiện. Theo ông Peskov, quyết định dừng tham gia thỏa thuận ngũ cốc hoàn toàn không liên quan đến vụ tấn công cầu Crimea ngày 17-7 vì trước đó Nga đã nhiều lần đưa ra lập trường về việc gia hạn thỏa thuận này.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, trái ngược với các mục tiêu nhân đạo được nêu ra trong thỏa thuận, việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine gần như chỉ phục vụ cho mục đích thương mại thuần túy, điều này giúp Kiev và phương Tây đạt được các mục tiêu của họ thay vì gửi lương thực tới các nước kém phát triển. Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh việc bản ghi nhớ giữa Moscow và LHQ về với gỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với xuất khẩu lương thực, phân bón gần như không có hiệu lực pháp lý khi các nước phương Tây vẫn hạn chế đối với các hoạt động tài chính của Nga. Điều này đồng nghĩa không có thỏa thuận nào trong bản ghi nhớ được hoàn thành. Trong khi đó thỏa thuận liên tục bị vi phạm khi Ukraine sử dụng hành lang nhân đạo thực hiện các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.
Tìm giải pháp thay thế
Tổng thống Ukraine Zelenskiy đã chỉ trích quyết định rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen của Nga, đồng thời tuyên bố Kiev sẵn sàng tiếp tục hoạt động xuất khẩu. Theo ông Zelenskiy, Ukraine là nguồn cung cấp lương thực cho 400 triệu người. Ông khẳng định: "Ukraine, LHQ và Thổ Nhĩ Kỹ có thể đảm bảo việc vận hành một hành lang lương thực và kiểm tra các tàu vận chuyển. Điều này rất cần thiết với toàn thế giới". Trong một thông điệp khác được đăng trên ứng dụng Telegram, ông Zelenskiy cho biết trong một cuộc điện đàm với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, hai nhà lãnh đạo này đã nhất trí hợp tác với nhau, và với các nước liên quan, để tái lập an ninh lương thực và nối lại hoạt động vận chuyển lương thực qua Biển Đen.
Theo người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Serhiy Nykyforov, ông Zelenskiy đã nhấn mạnh cần nỗ lực hết sức để duy trì sử dụng hành lang xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen sau khi Nga ngừng tham gia thỏa thuận này. Các doanh nghiệp, chủ tàu đều khẳng định sẵn sàng cung cấp ngũ cốc nếu Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cho phép. Tổng thống Zelenskiy đã chỉ LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ xem liệu các bên có sẵn sàng duy trì thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen hay không.
Cùng ngày, Đại hội đồng LHQ kêu gọi các bên liên quan quay lại đối thoại để khôi phục Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Csaba Korosi cho rằng dù các thách thức rất phức tạp song không phải không thể tháo gỡ. Ông cũng hối thúc các bên chấm dứt cuộc xung đột hiện nay phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen không được gia hạn, có nguy cơ ảnh hưởng tới hàng triệu người và giá lương thực trên thế giới. Theo ông Guterres, trong bối cảnh sản xuất lương thực trên thế giới bị gián đoạn bởi xung đột, biến đổi khí hậu, giá năng lượng và các yếu tố khác, Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen đã góp phần hạ giá lương thực hơn 23% kể từ tháng 3-2022. Ông Guterres cho biết thêm LHQ sẽ tiếp tục các nỗ lực để thỏa thuận này được nối lại càng sớm càng tốt.
Trong khi đó, Mỹ chỉ trích Nga "vũ khí hóa lương thực" khi rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen, kêu gọi các bên sớm khôi phục thỏa thuận. "Hành động của Nga hôm nay sẽ khiến lương thực khó đến được với những khu vực đang có nhu cầu cấp thiết. Thỏa thuận cần được khôi phục nhanh nhất có thể", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói. Ông Blinken cho rằng quyết định của Nga là động thái "vũ khí hóa lương thực, coi đây là công cụ trong cuộc chiến nhằm vào Ukraine", đồng thời kêu gọi các quốc gia "theo dõi sát sao" hành động của Moscow.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tim-giai-phap-khoi-phuc-thoa-thuan-ngu-coc-bien-den-post280673.html