Tìm giải pháp nâng cao chất lượng lễ hội
Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng lễ hội trên địa bàn tỉnh Phú Yên” mới đây, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng lễ hội. Phóng viên Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến tại hội thảo.
* PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHAN ĐÌNH PHÙNG: Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền
UBND tỉnh đánh giá cao sự tham mưu kịp thời các văn bản chỉ đạo về công tác tổ chức lễ hội (TCLH) của Sở VH-TT-DL; sự chủ động của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức tốt các lễ hội truyền thống hàng năm trên địa bàn, góp phần xây dựng môi trường văn hóa truyền thống lành mạnh, tạo động lực tinh thần đẩy mạnh lao động sản xuất.
Để công tác quản lý, TCLH trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao về chất lượng nội dung và hình thức thể hiện, UBND tỉnh đề nghị Sở VH-TT-DL, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ VH-TT-DL về công tác quản lý, TCLH và các văn bản pháp luật liên quan; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền đối với công tác quản lý và TCLH; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền giới thiệu về nguồn gốc, nội dung, ý nghĩa, giá trị của lễ hội; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ lễ hội; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có chức năng đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình TCLH; làm tốt công tác quy hoạch các khu vực TCLH; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động lễ hội ở các địa phương...
* THS NGUYỄN HOÀI SƠN, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ TT-TT: Phát huy vai trò của báo chí và hệ thống thông tin cơ sở
Để nâng cao chất lượng lễ hội, theo tôi, thứ nhất là phát huy vai trò các cơ quan thông tấn báo chí và hệ thống thông tin cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và du khách thực hiện các quy định của Nhà nước về TCLH, về thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và trong hoạt động lễ hội; tuyên truyền giới thiệu về nguồn gốc, giá trị, nội dung và ý nghĩa lịch sử, văn hóa của các lễ hội; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về công tác quản lý và TCLH, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội....
Thứ hai, nâng tầm cao lễ hội, trở thành một sản phẩm du lịch vượt ra khỏi phạm vi tỉnh nhà (kể cả vượt khỏi phạm vi quốc gia), từ công tác tổ chức đến cách thức quảng bá phải thật bài bản và chuyên nghiệp.
Thứ ba, việc bảo tồn có chọn lọc những giá trị gốc của lễ hội cần được các địa phương và ngành Văn hóa cũng như giới truyền thông thực hiện đúng cách và hiệu quả. Điều quan trọng khi TCLH cũng như viết về lễ hội, chủ thể lễ hội và người làm báo phải có hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về lịch sử, nguồn gốc, bản chất, nội dung, ý nghĩa của từng lễ hội.
Thứ tư, lễ hội và du lịch như một nhân duyên gắn bó với nhau rất chặt chẽ. Đã đến lúc cần phải tăng cường hơn nữa sự nhập cuộc của nhiều cấp nhiều ngành, có tính đến khả năng liên kết vùng, liên vùng phạm vi khu vực và cả nước theo hướng xã hội hóa; cần đầu tư nghiên cứu kỹ nội dung tư tưởng, mục đích và tính chất từng lễ hội để có biện pháp quản lý và định hướng phát triển mạnh, đúng hướng, phù hợp với nhịp sống hiện đại, không để mất bản sắc văn hóa dân tộc, tránh việc phô trương, hình thức gây lãng phí.
Thứ năm, vấn đề cần thiết không kém là phải quan tâm đến kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ quản lý văn hóa, lễ hội và hướng dẫn viên du lịch...
* PGS.TS NGUYỄN VĂN THƯỞNG, TRƯỞNG KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN, TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN: Tôn vinh nhân vật lịch sử qua lễ hội
Lễ hội tưởng nhớ, tôn vinh công trạng to lớn của các nhân vật lịch sử của Phú Yên như: Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương được tổ chức hàng năm chính là sự ghi nhận của các thế hệ đối với cha ông đã khai phá, bảo vệ quê hương mình. Lễ hội ngày càng trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Phú Yên và cả nước. Lễ hội mang tính cộng đồng cũng như biểu tượng của sức mạnh cộng đồng, ở đó mọi người thể hiện mối quan hệ giao tiếp, sự tự hào đối với quê hương, ứng xử tốt đẹp giữa các cá nhân với nhau. Đây chính là bản sắc văn hóa của quê hương, đất nước.
Hiện nay chịu tác động của kinh tế thị trường, việc gìn giữ nét truyền thống ở các lễ hội xưa có sự mai một, song ý thức của cộng đồng vẫn được duy trì và phát huy trong tổ chức và tham gia lễ hội. Chúng ta luôn tôn vinh những nhân vật lịch sử, những người có công lớn đối với đất nước, quê hương và họ luôn bảo vệ, gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống qua lễ hội để giáo dục, truyền lại cho con cháu mai sau.
Chúng ta nên xác định ý nghĩa và mở rộng không gian, thời gian TCLH phù hợp. Nhiều nhân vật lịch sử, văn hóa địa phương vẫn chưa được TCLH như: Đào Trí, Nguyễn Hào Sự, Trần Phú, Phan Lưu Thanh... để tôn vinh công trạng của họ. Phú Yên rất cần thiết phải phát huy nét văn hóa truyền thống này để gắn với sự phát triển giá trị văn hóa du lịch tâm linh, lịch sử và khám phá.
* TRƯỞNG PHÒNG VH-TT TP TUY HÒA LÊ THỊ THÙY DÂNG: Nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò của lễ hội
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động lễ hội trên địa bàn thành phố nói riêng và toàn tỉnh nói chung, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bộ máy chính quyền các cấp và nhân dân về tính chất, đặc điểm, vai trò, vị trí của lễ hội trong đời sống kinh tế văn hóa - xã hội. Mặt khác, từng bước xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn thực thi các quy định của Nhà nước về tổ chức và quản lý lễ hội; tăng cường, củng cố bộ máy quản lý nhà nước và xây dựng các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan, tạo nên sự thống nhất trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức tham gia quản lý nhà nước về văn hóa, lễ hội, định hướng tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội; tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát để giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong lễ hội, nhất là các tệ nạn mê tín dị đoan, đầu cơ trục lợi; đề cao ý thức tham gia lễ hội của một bộ phận du khách, dân cư địa phương thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan trong khu vực di tích, trong TCLH...
Trên địa bàn thành phố có nhiều loại hình lễ hội bao gồm hệ thống các lễ hội truyền thống dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch... làm cho phạm vi và nội dung quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước bị dàn trải, thiếu tập trung. Vì vậy cần có giải pháp phân công, phân cấp quản lý trong bộ máy nhà nước để quản lý hiệu quả, tránh chồng chéo.
Lễ hội ngày càng trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Phú Yên và cả nước. Người Phú Yên luôn tôn vinh những nhân vật lịch sử, những người có công lớn đối với đất nước, quê hương và họ luôn bảo vệ, gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống qua lễ hội để giáo dục, truyền lại cho con cháu mai sau.
THIÊN LÝ (ghi)
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/232178/tim-giai-phap-nang-cao-chat-luong-le-hoi.html