Tìm giải pháp phát triển bền vững ngành trà B'Lao và Tơ Lụa Bảo Lộc

Sáng 22/12, tại TP Bảo Lộc, UBND TP Bảo Lộc đã tổ chức hội thảo Định hướng phát triển bền vững ngành trà và tơ lụa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Bảo Lộc, Lâm Đồng. Hội thảo nhằm tìm kiếm những định hướng, giải pháp mới để phát triển bền vững ngành sản xuất, chế biến trà, ngành dâu tằm tơ gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khẳng định thương hiệu Bảo Lộc trong hội nhập quốc tế.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Trọng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc đã giới thiệu khát quát tình hình phát triển của ngành trà và tơ lụa Bảo Lộc. Hiện, diện tích trồng chè của TP Bảo Lộc đạt trên 2.894 ha, tổng sản lượng chung đạt 32.291 tấn mỗi năm. Bảo Lộc có 195 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh trà. Riêng năm 2019, giá trị xuất khẩu sản phẩm trà ước đạt 15 triệu USD, với các thị trường chủ yếu là Đài Loan, Trung Quốc, Singapore và các nước Trung Đông. Trong những năm qua, thành phố cũng đã phát triển nhiều giải pháp phát triển ngành trà, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển bền vững theo hướng nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ cao gia tăng giá trị sản phẩm trà. Đến nay, thành phố đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu Trà B’Lao cho 27 doanh nghiệp.

Với ngành tơ tằm, cùng với những thăng trầm do cạnh tranh của thị trường thế giới, đến nay, đang từng bước tìm lại chỗ đứng. Diện tích dâu tằm trên địa bàn khoảng 658ha, với 30 doanh nghiệp, sản lượng sản xuất tơ hàng năm khoảng 1.000 tấn tơ, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16-18 triệu USD, thương hiệu tơ lụa Bảo Lộc đang dần khẳng định thương hiệu “thủ phủ” dâu tằm. Việc tìm giải pháp quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Tơ Lụa Bảo Lộc vẫn là vấn đề mà TP Bảo Lộc chú trọng.

Tơ lụa Bảo Lộc đang ngày càng vươn xa. Ảnh: Lê Hoa

Tơ lụa Bảo Lộc đang ngày càng vươn xa. Ảnh: Lê Hoa

Tại hội nghị, ông Lê Hồng Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam đã nêu lên những thách thức và cơ hội của ngành chè Việt Nam, định hướng phát triển ngành chè, trong đó cải thiện chất lượng sản phẩm, thay đổi cơ cấu sản phẩm, xây dựng hợp tác công tư trong ngành trà, cải thiện hình ảnh của chè Việt Nam trên thị trường thế giới, xây dựng các giấy chứng nhận quốc tế… là các giải pháp định hướng phát triển bền vững ngành trà. Bảo Lộc là một trong những vựa chè lớn của của cả nước, tuy nhiên diện tích đến cuối năm 2018 đã giảm đi so với trước kia. Thị trường chè oolong Bảo Lộc được đánh giá đứng đầu về chất lượng, sản lượng.

Đề xuất các giải pháp phát triển sản xuất chè Oolong bền vững, ông Nguyễn Đức Thiết - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc cho rằng: Cần tập trung xây dựng chuỗi liên kết để tạo vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài; các doanh nghiệp trông trọt, thu mua và chế biến chè Oolong cũng cần có đội ngũ kỹ thuật chuyên biệt để tư vấn và giám sát nông trường chè cũng như các hộ trồng chè trong chuỗi liên kết; nghiên cứu, ứng dụng chế độ canh tác phù hợp trình độ và điều kiện của các hộ trồng chè nhằm tăng năng suất chè và hiệu quả tối ưu cho người trồng chè; hoàn thiện nhà xưởng và công nghệ theo yêu cầu tối thiểu của quy chuẩn kỹ thuật như hệ thông quản lý chất lượng ISO, HACCP đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chè Oolong; tạo cơ chế mở, thông thoáng nhằm thu hút đầu tư nước ngoài cùng sự phát triển công nghệ, kỹ năng quản lý, từng bước thiết lập kênh phân phối ổn định, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ thế giới Đặng Vĩnh Thọ cũng phân tích thực trạng ngành dâu tằm tơ nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Thực tế nghề trồng dâu nuôi tằm có khá lên ở một số tỉnh phía Bắc, Quảng Nam, Quảng Ngãi, tuy nhiên về khí hậu và thổ nhưỡng Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên lại có lợi thế vượt trội. Trong hai năm vừa qua tại Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên đã phát triển và hình thành một ngành nông công nghiệp hoàn chỉnh từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, nhất là “thủ phủ” tơ tằm Bảo Lộc. Muốn ngành dâu tằm phát triển tương xứng với giá trị của nó, trước hết Bảo Lộc cần phải có giống dâu năng suất cao, quy trình thâm canh cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm tiên tiến trên cơ sở chuyển giao công nghệ mới… Khi giải quyết được các vấn đề này mới có thể nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, từ đó tăng thu nhập cho người trồng dâu nuôi tằm, tạo vùng nguyên liệu ổn định, thúc đẩy ngành dâu tằm tơ phát triển bền vững. Hiện tại, Lâm Đồng có hơn 200 hộ nuôi tằm con tập trung, có thể nói thay đổi giống dâu lai mới, nuôi tằm con tập trung, thay đổi công nghệ ươm tơ từ cơ khí qua tự động và giá cả tơ lụa thế giới ổn định là gỡ nút thắt cho ngành dâu tằm tơ.

Đồi chè Phước Lạc. Ảnh: Lê Hoa

Đồi chè Phước Lạc. Ảnh: Lê Hoa

Tham gia phát biểu tại hội thảo, bà Hà Thị Hoa - Giám đốc Công ty TNHH Se tơ - Dệt lụa Hà Bảo cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong sản xuất sản phẩm tơ lụa. Theo đó, có 3 vấn đề mà các doanh nghiệp đang gặp phải: Nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định, nhu cầu về vốn cho đầu tư thiết bị hiện đại và tổ chức sản xuất còn thiếu, hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư ngành hàng tơ lụa chưa được chú trọng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nêu lên những kiến nghị đến lãnh đạo địa phương: Giải pháp về chính sách và quản lý nhà nước trên địa bàn, chính quyền phải là đầu mối để thiết lập mối quan hệ “4 nhà”, thống nhất quản lý về công nghệ, chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu Tơ Lụa Bảo Lộc; giải pháp về quy hoạch, phát triển sản xuất theo hướng gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến, gắn nhà máy chế biến với người trồng dâu, nuôi tằm; giải pháp về thu hút vốn và đầu tư; ứng dụng Khoa học công nghệ; giải pháp thị trường, quảng bá thương hiệu.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nhấn mạnh: Các ý kiến, tham luận được phân tích tại hội thảo đem lại nhiều kinh nghiệm và giải pháp mới cho ngành chè và tơ lụa Bảo Lộc, Lâm Đồng. Từ sự đóng góp của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, hiệp hội… ngành chè và tơ lụa đã có thêm những định hướng mới, thiết thực, phù hợp với sự chuyển dịch của nền kinh tế, TP Bảo Lộc cần tiếp thu và nghiên cứu, biến những kiến nghị thành hành động thực tế để phát triển bền vững ngành chè và tơ lụa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của TP Bảo Lộc.

DIỄM THƯƠNG - TRỊNH CHU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201912/tim-giai-phap-phat-trien-ben-vung-nganh-tra-blao-va-to-lua-bao-loc-2979740/