Tìm giải pháp phát triển ngành Mía đường
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGÔ XUÂN
Sáng 10/11, UBND tỉnh phối hợp với Báo Người Lao động tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Để mía không đắng”, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao động. Tham dự hội thảo có đại diện các bộ NN-PTNT, Công thương, Viện Nghiên cứu mía đường, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các doanh nghiệp mía đường và đại diện một số hộ nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trần Hữu Thế cho biết: Cùng với lúa, sắn, thì mía là cây trồng chủ lực của tỉnh. Phú Yên đã quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu mía chủ yếu tại các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân. Niên vụ mía năm 2020-2021, diện tích trồng mía trên địa bàn tỉnh khoảng 22.000ha, năng suất bình quân 57,4 tấn/ha, sản lượng 1,2 triệu tấn. Những năm gần đây, diện tích trồng mía đang có xu hướng giảm, từ 27.949ha (năm 2017) xuống còn 21.601ha (năm 2020). Thêm vào đó là các khó khăn về điều kiện sản xuất, hệ thống thủy lợi, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, thu hoạch... ảnh hưởng không nhỏ đến ngành Mía đường.
Hội thảo “Để mía không đắng” là dịp để Phú Yên và các tỉnh có nhiều diện tích trồng mía có dịp tham vấn các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, canh tác mía bền vững. Hội thảo cũng nhằm đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ, hành động, phương thức phối kết hợp, phương án huy động nguồn lực, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để triển khai thành công đề án Tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của ngành Mía đường.
Thông qua những tham luận, ý kiến đóng góp tại hội thảo, TS Tô Đình Tuân tóm lược các nhóm giải pháp để hỗ trợ, phát triển ngành Mía đường trong thời gian tới như: ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tận dụng triệt để phụ phẩm để nâng cao giá trị cây mía; thay đổi tập quán canh tác truyền thống, manh mún; kiểm soát giá đầu vào và đường nhập lậu qua biên giới; tăng cường phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, lẩn tránh thuế qua nước thứ ba... Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ về vốn, tín dụng, chuyển đổi sản xuất hữu cơ. Trên hết, việc phát triển ngành Mía đường phải dựa trên mối quan hệ liên kết hài hòa về lợi ích giữa người trồng mía - doanh nghiệp mía đường - các cơ sở chế biến sử dụng nguyên liệu đường và người tiêu dùng.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/267310/tim-giai-phap-phat-trien-nganh-mia-duong.html