Tìm giải pháp phát triển ngành tôm

Để tiếp nối đà phát triển, ngành thủy sản cần chú trọng tới việc nâng cao giá trị xuất khẩu, khi yêu cầu kỹ thuật từ các thị trường quốc tế ngày càng khắt khe hơn.

Ngày 3/3, tại Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023.

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản, BộNN&PTNT cho thấy, trong năm 2022 diện tích tôm nước lợ thả nuôi đạt 747.000 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 610.000 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng hơn 117.000 ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác; sản lượng tôm nuôi các loại cả năm đạt trên 1 triệu tấn (tăng 8,5% so với năm 2021).

Quang cảnh Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023 tại tỉnh Sóc Trănng

Quang cảnh Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023 tại tỉnh Sóc Trănng

Hiện cả nước có 2.294 cơ sở sản xuất ương dưỡng giống tôm nước lợ, với sản lượng tôm giống năm 2022 đạt 159,5 tỷ con (bằng 110 % so với năm 2021). Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, trong năm 2023, cả nước phấn đấu đạt diện tích nuôi tôm 750.000 ha, sản lượng tôm các loại đạt trên 1 triệu tấn, trong đó, tôm sú 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 750.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt trên 4,3 tỷ USD .

Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến chung quanh các nội dung trọng tâm như việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm tôm nuôi năm 2022; hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường thủy sản; hoạt động liên kết trong phát triển sản xuất của ngành tôm Việt Nam theo chuỗi giá trị; văn hóa bền vững của ngành công nghiệp tôm; vấn đề kiểm dịch đầu vào đối với tôm giống; vấn đề vốn vay để phát triển nuôi tôm...

Nhận định về phát triển ngành tôm năm 2023, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, trước tình hình thế giới biến động do chiến tranh, do biến đổi khí hậu, các nước siết chặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường lạm phát cao tại Mỹ... nên thị trường tiêu thụ xuất khẩu thủy sản sẽ khó khăn. Việc đặt ra kế hoạch xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD là cần phải cố gắng rất lớn.

Trong khi đó, ông Trình Trung Phi, Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Việt - Úc chia sẻ, các giải pháp công nghệ bền vững. Cụ thể, Tập đoàn Việt - Úc có định hướng chiến lược xuyên suốt là liên tục nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ mang tính bền vững. Bền vững không chỉ cho phát triển ngành tôm, cho môi trường, cho bà con nuôi tôm mà còn cho cộng đồng. Những năm qua Tập đoàn Việt - Úc đã, đang và sẽ làm trong từng phân khúc của chuỗi giá trị khép kín ngành tôm, từ chủ động nguồn tôm bố mẹ, cho ra đời các thế hệ tôm giống công nghệ cao, đến nuôi tôm thương phẩm theo quy trình hoàn toàn không kháng sinh, cuối cùng là con tôm hoàn hảo trên bàn ăn người tiêu dùng nội địa và thế giới. Riêng trong năm 2022, Tập đoàn Việt - Úc đã sản xuất hơn 22 tỷ con tôm giống, chiếm gần 1/5 thị phần tôm giống cung cấp trong cả nước.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng BộNN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để kết quả nuôi tôm và kim ngạch xuất khẩu đạt kế hoạch đề ra, các tỉnh, thành nuôi tôm cần tổ chức liên kết giữa các địa phương với các ngành, hiệp hội, tham gia chuỗi tôm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn; ngăn chặn kịp thời những sản phẩm như con giống kém chất lượng, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không đảm bảo chất lượng tới người tiêu dùng; tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tranh thủ các nguồn đầu tư hạ tầng vùng nuôi...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng và các địa phương cần chỉ đạo thực hiện tốt các quy định về điều kiện nuôi, đăng ký đối tượng nuôi chủ lực; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất và chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; kiên quyết xử lý sai phạm (nếu có); quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện hiệu quả các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi; nhân rộng mô hình nuôi tôm của tỉnh Sóc Trăng đến các tỉnh nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Cùng với đó, các doanh nghiệp, người nuôi tôm xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong điều kiện khó khăn như hạn hán, xâm nhập mặn, biến động môi trường dẫn đến dễ pháp sinh dịch bệnh, cộng với giá vật tư đầu vào tăng cao; nâng cao chất lượng sản phẩm; hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC…

Nguyên Du

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tim-giai-phap-phat-trien-nganh-tom-5711319.html