Tìm giải pháp phù hợp, đột phá để phát triển nhà ở xã hội

Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật Sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng để các luật này có hiệu lực sớm hơn, thi hành từ ngày 01/8/2024, nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện nay, trong đó có mục tiêu phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân (NƠCN). Hiện QH đang tổ chức nhiều đoàn giám sát (GS) để phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương xác định rõ những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.

Còn "điểm nghẽn" trong phát triển nhà ở xã hội

Tại buổi tọa đàm GS Chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH từ năm 2015 đến hết năm 2023" vừa được QH tổ chức sáng 20/7, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải cho biết, đoàn GS đã đi thực tế tại 12 địa phương, sắp tới sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan về chuyên đề GS. Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm để phát triển lành mạnh, bền vững thị trường BĐS và NƠXH. Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã ban hành mới cũng như sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị định, thông tư trong các lĩnh vực liên quan đến BĐS, NƠXH.

Phó Chủ tịch QH cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, QH đã thông qua Luật Sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng để các luật này có hiệu lực sớm hơn, thi hành từ ngày 01/8/2024 nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc hiện nay; trong đó có tháo gỡ cho thị trường BĐS, phát triển NƠXH, NƠCN. Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đang khẩn trương ban hành nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành các luật cũng đặt ra cho đoàn GS việc phải phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương làm rõ và tách riêng những vướng mắc đã được tháo gỡ khi các luật mới có hiệu lực; đồng thời xác định rõ những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ để có đề xuất, kiến nghị phù hợp trong Báo cáo GS và Nghị quyết GS; đặc biệt là vướng mắc của các dự án (DA) tồn đọng giai đoạn trước cần có ý kiến của cấp có thẩm quyền và cơ chế đặc biệt tháo gỡ.

Thảo luận tại buổi tọa đàm, các đại biểu và chuyên gia đã đánh giá, phân tích tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS, phát triển NƠXH; làm rõ những hạn chế của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn 2015 - 2023 điều chỉnh với thực hiện đầu tư xây dựng DA nhà ở thương mại (NƠTM), NƠXH. Các đại biểu và chuyên gia cho biết, hiện nay môi trường pháp lý về quản lý thị trường BĐS, phát triển NƠXH đang dần hoàn thiện, tuy nhiên nguồn cung BĐS đang giảm, trong khi giá tăng cao; xuất hiện tình trạng mất cân đối cung - cầu trong các phân khúc của thị trường này. Một số ý kiến phản ánh có những dự án NƠTM không người mua; phân khúc trung, cao cấp giá cao, có DA tồn đọng không bán được; lượng cung nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân không nhiều, trong khi nhu cầu của người dân lớn.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Quang cảnh buổi tọa đàm

Đối với việc phát triển NƠXH, các đại biểu cho biết nhu cầu rất lớn, nhất là ở các thành phố, khu công nghiệp, những vùng kinh tế trọng điểm, tuy vậy số lượng căn hộ dạng này cung cấp cho thị trường chưa đáp ứng đủ. Có ý kiến cho rằng, còn "điểm nghẽn" trong phát triển NƠXH, NƠCN; đặc biệt là gặp khó khăn, hạn chế trong bố trí quỹ đất. Nhiều DA chậm tiến độ hoặc không thể tiếp tục thực hiện trong khi việc phát triển các DA mới đang chậm lại; doanh nghiệp kinh doanh BĐS tồn vốn trong nhiều DA, chịu gánh nặng về chi phí, khó khăn về tài chính, thủ tục, điều kiện triển khai các DA. Bên cạnh đó, vốn xây dựng NƠXH thuộc sở hữu nhà nước để giải quyết cho đối tượng hưởng chính sách thuê NƠXH còn hạn chế; thủ tục hành chính, trình tự đầu tư xây dựng còn chồng chéo, phức tạp, kéo dài. Việc khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng NƠXH gặp khó khăn, cơ chế ưu đãi còn bất cập; triển khai chính sách tín dụng ưu đãi chưa hiệu quả.

Cần giải pháp đột phá

Đánh giá thị trường BĐS giai đoạn này có phần trầm lắng, một số chuyên gia đưa ra dẫn chứng, đối với TPHCM giai đoạn 2015-2017 được xem là thời kỳ đỉnh cao của thị trường BĐS, tiêu biểu cho thị trường này trên cả nước. Cụ thể, năm 2017 TPHCM đã đưa ra thị trường khoảng 43.000 căn hộ; tuy nhiên từ năm 2018 đến nay con số này đã giảm dần. Ba năm gần đây, mỗi năm thị trường bất động sản TPHCM chỉ đưa ra được trên dưới 15.000 căn hộ, thấp hơn rất nhiều so với những năm trước đó. Trên cơ sở nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế trên, các đại biểu và chuyên gia cũng đề xuất nhiều giải pháp hữu ích, tăng cường quản lý thị trường BĐS, phát triển NƠXH, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn GS - cho biết, những ý kiến tại buổi tọa đàm sẽ là một trong những cơ sở giúp đoàn làm rõ hơn tình hình thực tiễn; đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS, phát triển NƠXH; xác định những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; từ đó đề xuất nhiệm vụ, giải pháp xử lý để phát triển lành mạnh thị trường BĐS và NƠXH. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, đoàn GS sẽ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo kết quả GS chuyên đề trên, trình QH xem xét tại Kỳ họp thứ 8; đồng thời nhấn mạnh kết quả GS sẽ giúp QH, Chính phủ có giải pháp phù hợp, đột phá và hiệu quả hơn trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.

Trà My

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thi-truong/bat-dong-san/tim-giai-phap-phu-hop-dot-pha-de-phat-trien-nha-o-xa-hoi_165032.html